17/03/2018 06:21 GMT+7

Ông Tập chắc chắn là ‘số một’, ‘số hai’ có phải Vương Kỳ Sơn?

D. KIM THOA
D. KIM THOA

TTO - Hôm nay (17-3) theo kế hoạch, quốc hội Trung Quốc sẽ chính thức bổ nhiệm ông Tập Cận Bình giữ cương vị chủ tịch Trung Quốc nhiệm kỳ 5 năm lần thứ hai.

Ông Tập chắc chắn là ‘số một’, ‘số hai’ có phải Vương Kỳ Sơn? - Ảnh 1.

Ông Vương Kỳ Sơn (trái) và ông Tập Cận Bình - Ảnh: REUTERS

Theo hãng tin AFP, quyết định tái bổ nhiệm ông Tập thêm một nhiệm kỳ mới là chuyện đã rõ như ban ngày, song lúc này, mọi con mắt đều chăm chú quan sát vào "chiếc ghế" quyền lực thứ hai, liệu nó có được dành cho ông Vương Kỳ Sơn, người từng góp công lớn trong chiến dịch chống tham nhũng của ông Tập, như nhận định của giới phân tích hay không.

Những ngày qua, Đại hội đại biểu nhân dân toàn quốc Trung Quốc đã tiếp tục mở rộng thêm quyền lực vốn đã rất lớn của ông Tập trong phiên họp thường niên, thêm tên ông Tập vào hiến pháp và xóa bỏ giới hạn hai nhiệm kỳ 5 năm với các chức danh chủ tịch và phó chủ tịch nước.

Một điểm đáng chú ý trong các nội dung sửa đổi hiến pháp Trung Quốc là chủ tịch nước và các quan chức chính phủ khác sẽ lần đầu tiên phải tiến hành nghi thức tuyên thệ nhậm chức cùng tuyên bố trung thành với hiến pháp.

Giới phân tích cho rằng, việc "đẩy" ông Vương lên sẽ tạo điều kiện để ông Tập giữ lại bên cạnh một đồng minh đầy quyền uy trong bối cảnh ông đang tiếp tục củng cố quyền lực, định hướng tới một nhiệm kỳ chủ tịch Trung Quốc có thể là trọn đời.

Ông Vương Kỳ Sơn là ai?

Ông Vương, 69 tuổi, từng là Bí thư Ủy ban Kiểm tra Kỷ luật TW Đảng Cộng sản Trung Quốc. Tháng 10 năm ngoái, ông nghỉ hưu.

Dù vậy, ông Vương vẫn giữ được vị thế quan trọng, luôn ngồi cùng bàn với 6 thành viên khác của Ban thường vụ Bộ chính trị Đảng Cộng sản Trung Quốc trong mỗi phiên họp toàn thể của Quốc hội.

Ông Vương từng được công luận quốc tế biết nhiều tới vai trò trước đây là một nhân vật đứng đầu phụ trách hoạt động thương mại của Trung Quốc.

Với điều này, giới phân tích nhận định, nếu được bổ nhiệm làm phó chủ tịch nước, ông Vương có thể giúp ông Tập giải quyết tốt những căng thẳng gia tăng trong quan hệ cũng như nguy cơ nổ ra cuộc chiến tranh thương mại với Washington.

Tuy nhiên giới quan sát cũng nhận định, chức vụ quan trọng nhất của ông Tập là tổng bí thư Đảng Cộng sản Trung Quốc, theo đó, việc đặt một nhân vật trung thành trong đảng đã nghỉ hưu vào chức vụ phó chủ tịch, một lần nữa ông lại xung đột với các điều lệ đảng và những nguyên tắc bất thành văn về sự kế nhiệm.

"Đội ngũ mơ ước"?

Theo bà Hua Po, nhà bình luận chính trị Trung Quốc độc lập, ông Tập sẽ giữ ông Vương ở bên cạnh vì "năng lực và tài năng" của ông ấy.

"Lựa chọn ông Vương làm phó chủ tịch chắc chắn sẽ thống nhất quyền lực của ông ấy", bà Hua nói.

"Ông Tập cũng đã là người rất quyền lực rồi. Vấn đề ở đây là ông ấy có quá ít những người trung thành và đủ năng lực để dùng, vậy nên ông ấy sẽ phải giữ ông Vương lại để có thêm thời gian tìm kiếm những nhân vật tài năng khác", bà Hua phân tích.

Nếu đúng như vậy, ông Vương sẽ thế vào chỗ của ông Lý Nguyên Triều (Li Yuanchao), một chính trị gia không mấy nổi bật từng đại diện cho ông Tập Cận Bình trong những chuyến công du nước ngoài.

Ông Vương đã có những chuyến công tác định kỳ tới Mỹ. Theo ông Kerry Brown, giám đốc Viện Lau China tại Đại học King's College ở London, là một nhà kinh tế học xuất sắc, ông Vương có thể sẽ tạo thành một "đội ngũ mơ ước" khi phối hợp với một thành viên khác trong đội ngũ lãnh đạo đảng là Uông Dương, Chủ tịch Ủy ban toàn quốc Hội nghị Hiệp thương Chính trị Nhân dân Trung Quốc, để ứng phó với các đe dọa thương mại từ phía Mỹ.

D. KIM THOA
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên