Ông Obama phát biểu trong cuộc họp báo - Ảnh: Reuters |
Theo AFP, trong cuộc họp báo sáng nay 17-2 (giờ VN), ông Obama cho biết ông và các nhà lãnh đạo ASEAN đã “thảo luận những bước cụ thể để hạ nhiệt căng thẳng trên biển Đông, bao gồm ngừng bồi lấn, xây đảo nhân tạo và quân sự hóa các khu vực tranh chấp”.
Ông Obama cho biết các nhà lãnh đạo tái khẳng định cam kết đối với “một trật tự khu vực nơi các quy định và thông lệ quốc tế, quyền lợi của tất cả các quốc gia dù lớn hay nhỏ, đều được tôn trọng”. “Việc ASEAN lên tiếng một cách rõ ràng và thống nhất sẽ giúp thúc đẩy an ninh, cơ hội và phẩm giá con người“ - ông Obama mô tả.
Tổng thống Mỹ cũng nhấn mạnh: “Tự do hàng hải phải được tôn trọng, và thương mại hợp pháp không thể bị cản trở. Mỹ sẽ tiếp tục hoạt động ở bất kỳ nơi nào luật pháp quốc tế cho phép, và chúng tôi ủng hộ quyền tương tự của tất cả các nước”.
Ông Obama cam kết nước Mỹ sẽ tiếp tục hỗ trợ các quốc gia đồng minh và đối tác ở Đông Nam Á tăng cường năng lực bảo vệ an ninh hàng hải.
Trong tuyên bố chung của hội nghị, các nhà lãnh đạo Mỹ và Đông Nam Á tái khẳng định nguyên tắc tôn trọng chủ quyền, toàn vẹn lãnh thổ, sự bình đẳng và độc lập chính trị của mọi quốc gia theo luật pháp quốc tế.
Mỹ và ASEAN kêu gọi cam kết giải quyết hòa bình các tranh chấp, tôn trọng các quy trình pháp lý và ngoại giao, không sử dụng vũ lực hoặc đe dọa sử dụng vũ lực, cam kết đảm bảo hòa bình, ổn định trong khu vực, đảm bảo an ninh hàng hải, bao gồm quyền tự do hàng hải và hàng không phù hợp với Công ước Luật biển Liên Hiệp Quốc (UNCLOS).
Ông Obama cũng công bố các biện pháp hỗ trợ nền kinh tế Đông Nam Á, theo đó Mỹ sẽ thành lập ba văn phòng kinh tế ở Jakarta (Indonesia), Bangkok (Thái Lan) và Singapore nhằm thúc đẩy hợp tác kinh tế với các tổ chức của ASEAN.
Tổng thống Mỹ khẳng định hội nghị là thông điệp với khu vực rằng nước Mỹ sẽ tiếp tục duy trì và tăng cường sự hiện diện tại châu Á.
“Tôi tin rằng dù tổng thống mới của nước Mỹ là ai thì cũng sẽ tiếp tục xây dựng quan hệ dựa trên nền tảng chúng ta đã thành lập, bởi sự ủng hộ của cả hai đảng dành cho vai trò của Mỹ ở châu Á - Thái Bình Dương là rất mạnh mẽ” - ông Obama cho biết.
Tuyên bố chung ASEAN-Hoa Kỳ: hợp tác giải quyết thách thức chung về biển Sáng 17-2, hội nghị Cấp cao đặc biệt ASEAN - Hoa Kỳ đã ra tuyên bố chung với mục tiêu trọng tâm là thúc đẩy kết nối thương mại và đưa ra lập trường chung về vấn đề tranh chấp chủ quyền biển đảo với Trung Quốc. TTO xin trích đăng toàn văn tuyên bố chung: Chúng tôi, những người đứng đầu Nhà nước/Chính phủ các nước thành viên của Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN) và Hợp Chủng Quốc Hoa Kỳ đã gặp gỡ tại Sunnylands, California từ ngày 15 đến 16-2-2016 tại Hội nghị cấp cao đặc biệt của các nhà lãnh đạo. Đây là lần đầu tiên một Hội nghị cấp cao đặc biệt giữa các nhà lãnh đạo của ASEAN và Hoa Kỳ được tổ chức tại Hoa Kỳ và cũng là Hội nghị cấp cao đầu tiên kể từ khi thành lập Cộng đồng ASEAN. Hội nghị đánh dấu một năm mang tính bước ngoặt đối với ASEAN cũng như mối quan hệ đối tác chiến lược ngày càng sâu sắc giữa ASEAN và Hoa Kỳ. Trong năm 2015, các nước thành viên ASEAN đã chào mừng thành lập Cộng đồng ASEAN, cùng nhau hướng tới một ASEAN phục vụ người dân khu vực Đông Nam Á ngày càng tốt hơn. Tại hội nghị cấp cao ở Kuala Lumpur vào tháng 11-2015, chúng tôi đã nâng tầm mối quan hệ ASEAN- Hoa Kỳ lên đối tác chiến lược, đánh dấu một bước chuyển của mối quan hệ hai bên những năm vừa qua. Nhân dịp Hội nghị cấp cao đặc biệt này, chúng tôi, những người đứng đầu Nhà nước/Chính phủ của các nước thành viên ASEAN và Hoa Kỳ tái khẳng định những nguyên tắc quan trọng sẽ định hướng sự hợp tác của chúng tôi trong thời gian tới: 1. Tôn trọng độc lập, chủ quyền, toàn vẹn lãnh thổ, bình đẳng và chính trị độc lập của tất cả các quốc gia thông qua việc duy trì các nguyên tắc và mục đích của Hiến chương Liên hợp quốc, Hiến chương ASEAN và luật pháp quốc tế; 2. Đề cao tầm quan trọng của sự thịnh vượng chung, sự tăng trưởng kinh tế và phát triển toàn diện bền vững, và giáo dục thế hệ trẻ nhằm duy trì hòa bình, phát triển và ổn định vì lợi ích chung của khu vực; 3. Cùng nhau ghi nhận tầm quan trọng của việc áp dụng các chính sách hướng tới xây dựng các nền kinh tế năng động, cởi mở, cạnh tranh và liên kết chặt chẽ nhằm giúp tăng trưởng kinh tế, tạo công ăn việc làm, thúc đẩy kết nối, đổi mới và tinh thần kinh doanh, hỗ trợ các Doanh nghiệp vừa và nhỏ, và thu hẹp khoảng cách phát triển; 4. Chúng tôi cam kết đảm bảo cơ hội cho tất cả người dân chúng ta, thông qua tăng cường dân chủ, quản trị tốt và tuân thủ các quy định của pháp luật, thúc đẩy và bảo vệ nhân quyền và quyền tự do cơ bản, khuyến khích tinh thần khoan dung, ôn hòa, và bảo vệ môi trường; 5. Tôn trọng và ủng hộ vai trò trung tâm của ASEAN và các cơ chế do ASEAN dẫn dắt trong cấu trúc khu vực đang định hình ở khu vực Châu Á-Thái Bình Dương; 6. Đề cao một trật tự khu vực và quốc tế dựa trên luật lệ, trong đó duy trì và bảo vệ các quyền và đặc quyền của tất cả các quốc gia; 7. Cùng cam kết giải quyết các tranh chấp bằng biện pháp hòa bình, bao gồm việc tôn trọng các tiến trình ngoại giao và pháp lý, không đe dọa hoặc sử dụng vũ lực, phù hợp với các nguyên tắc được thừa nhận rộng rãi của luật pháp quốc tế, bao gồm Công ước của LHQ về Luật biển năm 1982 (UNCLOS); 8. Cùng cam kết duy trì hòa bình, an ninh và sự ổn định trong khu vực, bảo đảm an ninh và an toàn hàng hải, bao gồm cả quyền tự do hàng hải và hàng không và các mục đích sử dụng biển hợp pháp khác, và thương mại hàng hải hợp pháp không bị cản trở và như đã được nêu trong Công ước 1982 của LHQ về Luật biển (UNCLOS); cũng như phi quân sự hoá và tự kiềm chế trong các hoạt động; 9. Cùng cam kết thúc đẩy hợp tác để giải quyết các thách thức chung trong lĩnh vực biển; 10. Quyết tâm cao nhằm đóng một vai trò nổi bật trong việc giải quyết các vấn đề toàn cầu như khủng bố và chủ nghĩa bạo lực cực đoan, buôn bán ma túy, buôn bán người, đánh bắt cá bất hợp pháp, cũng như buôn bán trái phép động vật hoang dã và khai thác gỗ bất hợp pháp; 11. Cùng cam kết giải quyết vấn đề biến đổi khí hậu và xây dựng một ASEAN bền vững về môi trường và khí hậu, cũng như thực hiện phần đóng góp do mỗi quốc gia tự xác định theo Thỏa thuận Paris về biến đổi khí hậu; 12. Cùng cam kết thúc đẩy an ninh và ổn định không gian mạng theo cách hành xử của quốc gia có trách nhiệm; 13. Hỗ trợ xây dựng một Cộng đồng ASEAN mạnh mẽ, ổn định, gắn kết chính trị, liên kết kinh tế, có trách nhiệm xã hội, hướng tới người dân, lấy người dân làm trung tâm, và dựa trên luật lệ; 14. Cùng cam kết tăng cường kết nối người dân thông qua các chương trình có sự tham gia của công dân ASEAN và công dân Hoa Kỳ, bao gồm giới thanh niên, và khuyến khích các cơ hội cho mọi người dân, đặc biệt là những người dễ bị tổn thương nhất, để hòan thành tầm nhìn của Cộng đồng ASEAN; 15. Cùng cam kết thúc đẩy quan hệ đối tác toàn cầu vì sự phát triển bền vững thông qua việc thực hiện Chương trình nghị sự 2030 về Phát triển bền vững và Chương trình Hành động Addis Ababa, để đảm bảo một xã hội bền vững, công bằng và toàn diện, nơi mà không ai bị bỏ lại; 16. Cùng cam kết thúc đẩy phối hợp ở các diễn đàn quốc tế và khu vực, đặc biệt tại các cơ chế do ASEAN dẫn dắt; 17. Cùng cam kết tiếp tục đối thoại chính trị cấp cao ở cấp những Người đứng đầu Nhà nước/Chính phủ thông qua việc các Nhà Lãnh đạo tham dự Hội nghị Cấp cao ASEAN - Hoa Kỳ và Hội nghị Cấp cao Đông Á thường niên. |
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận