09/01/2023 08:41 GMT+7

Ông McCarthy giữa muôn trùng vây

Chiến thắng vất vả của hạ nghị sĩ Đảng Cộng hòa Kevin McCarthy vào ngày 7-1 cho ghế chủ tịch Hạ viện Mỹ sau 15 cuộc bỏ phiếu được dư luận đánh giá như một chỉ dấu cho thấy sự chia rẽ nghiêm trọng bên trong chính giới nước này.

Ông McCarthy giữa muôn trùng vây - Ảnh 1.

Dữ liệu: BẢO ANH - Đồ họa: N.KH.

Trong đó, xung đột giữa các phe nhóm thuộc nội bộ Đảng Cộng hòa đang có xu hướng ngày càng leo thang, thậm chí nổi trội hơn cả các mâu thuẫn truyền thống mang tính đặc thù giữa lưỡng đảng trong Quốc hội Mỹ.

Lùi một bước với ba thỏa hiệp

Tuy nhiên, nhiều chỉ dấu cho thấy những nỗ lực vận động quyết đoán đi kèm các thỏa hiệp chính trị nhằm "đổi quyền lực lấy phiếu bầu" của tân Chủ tịch Hạ viện Mỹ McCarthy trên thực tế đã củng cố thành công sự gắn kết thiết yếu giữa các phe nhóm trung hữu và cực hữu trong Đảng Cộng hòa.

Đây là một nền tảng quan trọng mà phía Đảng Cộng hòa dường như vẫn chưa tìm lại được ngay cả sau kết quả khiêm tốn (kiểm soát Hạ viện) ở cuộc bầu cử giữa nhiệm kỳ tháng 11 vừa qua.

Thứ nhất là sự nhân nhượng đối với việc cho phép nhiều thành viên của phe cực hữu trong Đảng Cộng hòa tham gia Ủy ban Nội quy của Hạ viện. Đây là cơ quan có nhiệm vụ xem xét các cách thức thảo luận và thông qua việc thảo luận các dự luật được đệ trình lên Hạ viện.

Sự nhân nhượng này, vì vậy, đã giúp các thành viên có quan điểm cực hữu của Đảng Cộng hòa (tập trung trong nhóm House Freedom Caucus) tăng thêm đáng kể ảnh hưởng đối với các quy trình lập pháp nói chung, mặc dù số thành viên của họ chỉ chiếm hơn 10% số nghị sĩ Cộng hòa ở Hạ viện (53/435 ghế).

Thứ hai là sự nhân nhượng đối với sự cạnh tranh tài chính từ các ủy ban hành động chính trị (PAC). Trong đó, Quỹ lãnh đạo Quốc hội (CLF), vốn là một "siêu PAC" chi tiêu độc lập liên kết chặt chẽ và hỗ trợ các cuộc vận động cho ông McCarthy, đã đồng ý không chi tiêu cho các cuộc bầu cử sơ bộ sắp tới, cũng như không cung cấp tài chính cho các siêu PAC khác để tạo nên ưu thế áp đảo từ nhóm lãnh đạo của Đảng Cộng hòa đến các phe nhóm còn lại.

Điều này khiến năng lực tài chính vượt trội của CLF bị giảm thiểu cũng như ảnh hưởng từ phe ông McCarthy trở nên cân bằng hơn trong Đảng Cộng hòa so với thiểu số phe cực hữu với sự hỗ trợ từ Quỹ câu lạc bộ vì sự phát triển (một PAC hỗ trợ vận động cho nhóm House Freedom Caucus).

Thứ ba là sự nhân nhượng được đánh giá là "giới hạn đỏ" khi đồng ý nguyên tắc "kiến nghị bãi nhiệm" của các thành viên cực hữu ở mức độ được xem là "phá bỏ các quy tắc".

Ở nhân nhượng này, ông McCarthy được cho là đã thỏa hiệp từ nguyên tắc yêu cầu một nửa nghị sĩ Cộng hòa (phe đang chiếm đa số) ở Hạ viện xuống chỉ còn một nghị sĩ đưa ra đề nghị thì Hạ viện phải tiến hành bỏ phiếu bất tín nhiệm dẫn đến phế truất chủ tịch cơ quan này. Đây cũng được xem là thắng lợi chính trị lớn nhất của phe cực hữu thuộc Đảng Cộng hòa.

Tiến hai bước

Các thỏa hiệp nói trên của tân Chủ tịch Hạ viện McCarthy mặc dù vướng phải chỉ trích nặng nề từ dư luận, nhưng nhìn ở khía cạnh hiệu quả và triển vọng phát triển của Đảng Cộng hòa, có thể thấy được hai bước tiến đáng kể phải ghi nhận.

Bước tiến thứ nhất chính là sự củng cố sức đoàn kết của Đảng Cộng hòa. Đặc biệt là việc tìm được các định hướng chung giữa phe trung hữu với phe cực hữu, hàn gắn các bất đồng giữa nhóm ủng hộ cựu tổng thống Donald Trump (phong trào MAGA) với các nhóm đối lập như House Freedom Caucus.

Việc thỏa hiệp của ông McCarthy cũng giúp giảm sự khác biệt về năng lực tài chính trong việc xây dựng các chương trình vận động ảnh hưởng giữa các nhóm có vai trò lãnh đạo (được hậu thuẫn bởi các siêu PAC) với các nhóm thiểu số (chỉ được hậu thuẫn bởi các PAC nhỏ).

Kỳ công tập hợp đủ 216 phiếu bầu mặc dù vẫn thấp hơn mức bình thường là 218 phiếu cần thiết nhưng đã giảm dần từ 20 hạ nghị sĩ ban đầu không ủng hộ thành chỉ còn 6 đối thủ. Các nghị sĩ Cộng hòa còn lại cũng đã không bỏ phiếu chống, mà chỉ bỏ phiếu "có mặt" (một dạng phiếu trắng), dẫn đến việc ông McCarthy đắc cử chủ tịch Hạ viện Mỹ là một chỉ dấu quan trọng cho thấy nền tảng đoàn kết của Đảng Cộng hòa đang được củng cố sâu sắc trong ngắn hạn.

Bước tiến thứ hai là việc thúc đẩy các chương trình nghị sự có lợi cho Đảng Cộng hòa. Trong đó, ngoài các ưu tiên đối nội mang tính biểu tượng của Đảng Cộng hòa như giảm dần nợ công (hiện đã đạt mức 31.000 tỉ USD), giảm các trợ cấp năng lượng lãng phí và đảm bảo các vấn đề an ninh biên giới của Mỹ, ông McCarthy cũng hướng đến các trọng tâm đối ngoại đảm bảo sự đồng thuận của lưỡng đảng như duy trì viện trợ quân sự cho Ukraine (với mức cắt giảm phù hợp), gia tăng sức ép thương mại - công nghệ đối với Trung Quốc.

Tuy nhiên, điểm quan trọng nhất trong bước tiến này chính là việc tiếp tục đẩy mạnh các cuộc điều tra "vỏ bọc" với ông Trump nhằm giảm áp lực cho cuộc điều tra mở rộng đối với gia đình Tổng thống Joe Biden do nghị sĩ James Comer (chủ tịch Ủy ban Giám sát Hạ viện) dẫn đầu.

"Bỏ con săn sắt, bắt con cá rô"

Nhìn chung, các nỗ lực thỏa hiệp "đổi quyền lực lấy phiếu bầu" của tân Chủ tịch Hạ viện McCarthy dường như đang theo đúng đường hướng "bỏ con săn sắt, bắt con cá rô" - vừa củng cố nền tảng đoàn kết đang mỏng manh giữa các phe nhóm nội bộ Đảng Cộng hòa, vừa bảo toàn các hoạt động mà Đảng Cộng hòa đang tiến hành một cách âm thầm trong tương quan cạnh tranh ảnh hưởng với Đảng Dân chủ.

Chính trường nước Mỹ vì vậy hứa hẹn có thêm nhiều biến động quan trọng trong "năm đệm" trước cuộc bầu cử tổng thống vào năm 2024.

Khác biệt "một trời một vực" giữa McCarthy và Pelosi ở Hạ viện MỹKhác biệt 'một trời một vực' giữa McCarthy và Pelosi ở Hạ viện Mỹ

Ông Kevin McCarthy thuộc Đảng Cộng hòa và bà Nancy Pelosi thuộc Đảng Dân chủ cùng đến từ California nhưng họ đối nghịch nhau. Ông McCarthy theo đường lối bảo thủ sâu sắc, còn bà Pelosi thì tự do.

Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên