Những năm thập niên 1960 – 1970, Singapore đầu tư mạnh mẽ vào cơ sở hạ tầng cho thể thao dưới sự chủ trương của ông Lý Quang Diệu. Nổi tiếng nhất là sân vận động quốc gia Singapore với kinh phí lên đến 50 triệu USD thời điểm đó, biến Singapore trở thành một trong những quốc gia có sân vận động tân tiến nhất châu Á khi ấy.
Nhưng cũng chính ông Lý Quang Diệu là người kiên quyết nói không với việc sử dụng cơ sở hạ tầng tiên tiến của thể thao Singapore để tổ chức các kỳ đại hội thể thao lớn. Hai phương châm nổi tiếng của ông đối với nền thể thao Singapore là “không lãng phí” và “không bệnh thành tích”.
Năm 1972, Singapore đứng ra nhận quyền đăng cai Asian Games 1978. . Ông E.W.Baker, chủ tịch Ủy ban Olympic Singapore khi đó đã mô tả về một viễn cảnh tươi đẹp cho đảo quốc sư tử nếu họ đăng cai thành công đại hội thể thao lớn nhất châu Á. Lập luận này càng hợp lý hơn khi Singapore chính thức khánh thành sân vận động quốc gia khổng lồ ngay vào năm sau đó.
Nhưng rồi đến năm 1973, thủ tướng Lý Quang Diệu tuyên bố hủy quyền đăng cai Asian Games. Tháng 7 năm đó, ông Lý Quang Diệu phát biểu trước toàn dân: "Một quốc gia nhỏ bé với chỉ hai triệu dân như Singapore không cho phép mình phí phạm thời gian cho việc chạy đua tranh giành những tấm huy chương ở Olympic, Asian Games hay SEAP Games. Với những cường quốc, điều này sẽ giúp họ đẩy mạnh nhiều khía cạnh, nhưng thật ngu ngốc và lãng phí nếu sao chép mô hình này cho các quốc gia nhỏ bé. Sẽ chẳng có chút lợi ích nào cho Singapore".
Quả thật từ đó đến nay, Singapore không hề nhận đăng cai thêm bất kỳ đại hội thể thao lớn nào khác ngoài SEA Games. Không những vậy, cố thủ tướng Lý Quang Diệu còn đưa ra “lệnh cấm” đối với việc chạy đua theo thành tích. Điều này đã được ký giả người Anh Alex Josey, bạn thân của ông ghi nhận lại trong tác phẩm “Lý Quang Diệu: Những năm tháng khó khăn”.
Tác phẩm ghi nhận lại một trong những ý kiến nổi tiếng của ông Lý Quang Diệu về thể thao: "Tôi sẽ không tha thứ cho những thành viên của hội đồng Olympic hay các HLV nào cưỡng ép VĐV của mình cống hiến những năm tháng đẹp đẽ nhất trong cuộc đời họ cho những tấm huy chương. Vì sao ư? Với cách làm đó, chúng ta chẳng thể đạt được đẳng cấp thế giới. Và các VĐV sẽ còn lại những gì khi những năm tháng đẹp nhất trong sự nghiệp của họ qua đi?
Rồi chúng ta cũng sẽ có được đẳng cấp thế giới, có được những đội hình nhiều ngôi sao. Chúng ta sẽ làm được, nhưng là với những người sinh ra đã có năng khiếu chứ không phải những người bình thường bị cưỡng ép tập luyện. Đừng tự lừa dối chính mình. Điều mà đất nước chúng ta cần nhất là sức khỏe, sự hăng say, thoải mái và những con người được giáo dục tốt"
Với phương châm không xem trọng thành tích chuyên nghiệp, thể thao Singapore chú trọng vào phong trào và giải trí. Từ năm 2008 đến nay, Singapore liên tục giành được quyền đăng cai những sự kiện thể thao thu hút người xem như Giải đua xe công thức một, Giải quần vợt WTA Tour Final… Cách làm thể thao này càng góp phần thúc đẩy ngành du lịch của Singapore hơn.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận