13/05/2020 10:20 GMT+7

Ông lớn công nghệ: kẻ khóc, người cười

VŨ NGUYÊN
VŨ NGUYÊN

TTO - Cú sốc kinh tế do đại dịch COVID-19 đã lan đến Thung lũng Silicon, khiến các doanh nghiệp công nghệ lớn phụ thuộc vào hoạt động đi lại của con người buộc phải sa thải nhân viên trong vài tuần qua.

Ông lớn công nghệ: kẻ khóc, người cười - Ảnh 1.

Dịch vụ giao đồ ăn Uber Eats của hãng xe Uber - Ảnh: Reuters

Không chỉ ngừng hoạt động, ngành công nghiệp phụ thuộc vào hoạt động di chuyển của con người sẽ không bao giờ trở lại như cũ và không ai biết mọi chuyện sẽ như thế nào trong tương lai.

Chuyên gia Carl Uminski cảnh báo

Tuy nhiên, cũng có nhiều doanh nghiệp công nghệ nở nụ cười khi chứng kiến lợi nhuận tăng bất chấp dịch bệnh.

Bức tranh tương phản

Ông Carl Uminski, chuyên gia phân tích ngành công nghệ và nhà đồng sáng lập của hãng tư vấn Somo, cho rằng với các lệnh giới hạn đi lại, đóng cửa biên giới và yêu cầu giãn cách xã hội ở khắp nơi, những công ty công nghệ hoạt động dựa trên nhu cầu di chuyển của con người chịu ảnh hưởng đặc biệt lớn.

Hôm 6-5, Hãng xe Uber trở thành cái tên mới nhất tuyên bố cắt giảm nhân lực. Trong hồ sơ gửi lên Ủy ban Chứng khoán và sàn giao dịch Mỹ (SEC), Uber thông báo sẽ cắt giảm 3.700 nhân viên, tương đương với 14% lực lượng lao động của hãng trên toàn cầu. Uber cho biết dịch COVID-19 đã ảnh hưởng nặng tới toàn bộ hoạt động kinh doanh của hãng, bao gồm tình hình tài chính, đầu tư cho sản phẩm mới, khả năng thu hút tài xế và chiến lược doanh nghiệp.

Quyết định này của Uber đến sau khi một số hãng công nghệ khác đưa ra thông báo tương tự giữa cuộc khủng hoảng vì dịch bệnh. Đối thủ số 1 của Uber tại Mỹ, Lyft, trước đó thông báo sẽ cho 982 nhân viên thôi việc và 288 người khác tạm nghỉ. Nền tảng chia sẻ chỗ ở Airbnb cũng tuyên bố sẽ sa thải 25% số nhân viên, khoảng 1.900 người. Nền tảng đánh giá sản phẩm Yelp cũng cho 1.000 nhân viên nghỉ việc và 1.100 người khác nghỉ phép hồi tháng 4.

Thế nhưng, không phải hãng công nghệ nào cũng chịu thiệt hại. Trong 3 tháng đầu năm 2020, Amazon đã kiếm được hơn 33 triệu USD/giờ nhờ lượng đặt hàng tăng vọt do người tiêu dùng buộc phải ở nhà, theo báo cáo doanh thu mới nhất từ Amazon.

Hãng giao hàng Instacart tại Mỹ đã thuê thêm 300.000 nhân viên trong chưa đầy 1 tháng vì nhu cầu mua nhu yếu phẩm trực tuyến tăng cao. Tương tự, giá cổ phiếu của công cụ họp mặt trực tuyến Zoom cũng tăng vọt từ 36 USD/cổ phiếu vào thời điểm lần đầu tiên lên sàn năm 2019, lên 150 USD/cổ phiếu. Cơ sở người dùng của Zoom cũng vừa vượt mốc 300 triệu mới đây.

Không chở khách thì giao đồ ăn

Ông Dara Khosrowshahi, giám đốc điều hành của Uber, cho biết hãng sẽ thực hiện thêm một số biện pháp cắt giảm chi phí khác. Giám đốc này cho biết ông sẽ không nhận lương cho đến hết năm nay và Uber sẽ tái đánh giá toàn bộ hoạt động đầu tư cho sản phẩm mới. Cùng lúc, Uber sẽ đóng cửa hoàn toàn 40% cơ sở của mình trên toàn cầu, tương đương với 180 nơi.

Theo New York Times, chiến lược của cả Uber và Lyft cũng như nhiều công ty khác cho đến nay vẫn là "chờ thời". Các chuyên gia tài chính dự đoán những doanh nghiệp này sẽ còn cắt giảm chi phí quảng bá và ưu đãi dành cho tài xế. Nếu Mỹ vẫn yêu cầu người dân ở tại nhà cho đến hết mùa hè, giới phân tích lo ngại hàng ngàn nhân viên văn phòng của các công ty này sẽ mất việc.

Trong thời điểm đặc biệt này, dịch vụ giao thức ăn vốn ế ẩm của Uber là Uber Eats đột nhiên được ưa chuộng. Second Measure cho rằng doanh thu Uber Eats có thể đã vượt dịch vụ đặt xe trong giữa tháng 3 và tăng khoảng 27% trong tháng 4.

Dù không cung cấp dịch vụ giao đồ ăn, Lyft đã phải tạo ra dịch vụ tạm thời vì đại dịch. Lyft đã thông báo sẽ bắt đầu giao thức ăn và thực phẩm cho học sinh, sinh viên và người lớn tuổi từ hôm 22-3. Ngày 6-5, Lyft mở rộng dịch vụ này ra khắp 11 thành phố lớn của Mỹ bao gồm Atlanta, Houston, San Francisco và Seattle. "Dịch vụ giao hàng là điểm sáng hiện nay. Những giai đoạn như thế này đã tạo ra sự chuyển dịch cơ bản trong hành vi tiêu dùng của chúng ta" - chuyên gia phân tích Ron Josey của JMP Securities cho biết.

Tuy nhiên, việc chuyển sang giao thức ăn vẫn không tạo ra khác biệt cho giới tài xế. Hãng dữ liệu Gridwise thu thập thông tin từ hơn 30.000 tài xế tại Mỹ và phát hiện thu nhập trung bình theo giờ của nhóm lao động này giảm 36% từ đầu đến giữa tháng 3. Cho đến cuối tháng 3, thu nhập của các tài xế có tăng trở lại đôi chút nhưng vẫn ở mức giảm 24% so với đầu tháng.

Một số tài xế được New York Times phỏng vấn kể rằng họ chọn ở nhà để tránh virus, trong khi một số khác quyết định đăng ký dịch vụ giao thức ăn. Phần còn lại tự đặt ra chính sách an toàn cho bản thân, bao gồm nhắn hành khách đeo khẩu trang trong khi đi xe.

Nhằm giúp người lao động tránh thất nghiệp, Lyft đã hướng dẫn các tài xế thất nghiệp nộp đơn ứng tuyển cho Amazon sau khi Amazon công bố kế hoạch thuê thêm hơn 100.000 lao động để đáp ứng nhu cầu tăng cao trong đại dịch. Tương tự, Uber cũng đề nghị các tài xế của mình chuyển sang Uber Eats hoặc ứng tuyển cho Amazon và các nền tảng giao hàng khác.

42.000

Không chỉ các hãng công nghệ lớn chịu ảnh hưởng, tờ Guardian ghi nhận khoảng 375 công ty khởi nghiệp (startup) đã cho hơn 42.000 nhân viên nghỉ việc, tính từ ngày 11-3.

Các công ty xe công nghệ mở dịch vụ đi chợ hộ mùa dịch Các công ty xe công nghệ mở dịch vụ đi chợ hộ mùa dịch

TTO - Ứng dụng Grab triển khai thử nghiệm GrabMart (đi siêu thị) cho người dùng tại TP.HCM ngay trong mùa dịch COVID-19. Be cũng đã tung ra dịch vụ "Be đi chợ", giải quyết nhu cầu mua hàng của người dân trong thời điểm này.

VŨ NGUYÊN
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên