24/11/2013 10:55 GMT+7

Ông Giao Tiên đưa cô Thắm về làng

TUẤN KHANH
TUẤN KHANH

TT - Hiếm có cuộc đời nghệ sĩ nào lại nhiều nhọc nhằn và thử thách như cuộc đời của nhạc sĩ Giao Tiên. Đời ông không có nhiều cơ may, mà chỉ có tài năng giúp ông vượt lên muôn vàn khó nhọc.

42XP7rjM.jpgPhóng to
Nhạc sĩ Giao Tiên thể hiện những nhạc phẩm mới, vừa sáng tác trong chuyến đi Đà Lạt, tại nhà riêng - Ảnh: Văn Kỳ

Nếu không có dịp được đối diện, nhìn thấy mái tóc bạc của ông thì cũng thật khó mà tin được cái cách bước đi thoăn thoắt, giải quyết công việc nhanh gọn... của nhạc sĩ Giao Tiên là của một người đã qua tuổi 70.

Tìm gặp được ông vào mùa này, giữa lúc Đà Lạt mưa dầm, cũng là lúc ông kéo cao chiếc cổ áo và bước đi trên những con đường dốc để tìm những cảm giác mới, cho loạt ca khúc sẽ ra đời, tô đậm thêm gia tài tác phẩm đậm nét tình quê của ông đã ngót ngàn bài.

Niềm đam mê được báo trước

[image-53ae8d1d2afcc]Phóng to Cô Thắm về làng
[image-53ae8d1d2afcc]Phóng to Nỗi lòng cô Thắm

Rất nhiều người đã lầm bài hát Cô Thắm về làng là của nhạc sĩ Hoàng Thi Thơ. Một phần do chất dân dã hết sức vui nhộn cũng như tràn ngập hình ảnh đồng quê gần với nhiều tác phẩm của Hoàng Thi Thơ. Ngoài ra, khi phát hiện bài hát, thích thú, chính nhạc sĩ Hoàng Thi Thơ đã trân trọng đưa bài hát này lên giới thiệu trong chương trình truyền hình do ông phụ trách vào năm 1974, do đó nhiều người đã không nghĩ đó là ca khúc của một người rất trẻ tên là Giao Tiên.

Về sau, các chương trình ca nhạc của Việt kiều thực hiện cũng để nhầm tên tác giả, mà nhạc sĩ Giao Tiên cũng không có cơ hội để đính chính. Mãi sau này, dần dần mọi người mới biết được tác giả thật của nó.

Nhạc sĩ Giao Tiên là vậy, ngay từ năm 1970. Khi chính thức thành danh là một nhạc sĩ, ông luôn miệt mài viết và hát, như sợ mình không còn đủ giờ để diễn đạt hết cảm xúc của mình về thế giới này bằng âm nhạc.

Năm 1941, ông ra đời trong một gia đình nông dân nghèo ở Tam Quan, Bình Định. Gia đình có đến 10 người con, vất vả và không nhiều cơ hội trong đời nên ở lứa tuổi 20, chàng trai trẻ thích nhạc lắm nhưng ít khi dám nghĩ mình sẽ là nhạc sĩ. Cậu chỉ cố gắng ăn học, mong có được một nghề để báo đáp lại sự khó nhọc của các chị đã thay mẹ gầy dựng gia đình trong thời buổi chiến tranh, loạn lạc.

Rồi năm 1959, bước chân vào Sài Gòn để học chữ nhưng âm nhạc cứ luẩn quẩn trong đầu, như thể một niềm đam mê đã được dự báo rằng sẽ tới, sẽ gắn bó với cả cuộc đời ông. Run rủi sao, nơi ở của ông lại gần đài phát thanh, đài truyền hình... rồi lại được tiếp xúc với nhiều ca sĩ, nhạc sĩ... nên sự yêu thích âm nhạc đột ngột bùng cháy hơn bao giờ hết. “Từ nhỏ thì tôi cũng tập tành guitar, chơi văn nghệ ở xã. Nhưng đó chỉ là vui chơi thôi. Khi ở gần môi trường âm nhạc, tôi thấy là mình bị hấp dẫn không cưỡng nổi” - nhạc sĩ Giao Tiên kể. Nhiều lần thấy các danh ca, nhạc sĩ ra vào làm việc, Giao Tiên cũng nôn nao mơ một ngày mình được bước chân vào nơi ấy, làm việc như một nghệ sĩ chính hiệu.

Một lần vào năm 1968, khi xin vào nhìn ngó phòng thu của đài phát thanh và chứng kiến giọng hát diễn cảm và ngọt ngào của Thanh Tuyền, nhạc sĩ Giao Tiên bị rúng động và bắt đầu mơ một giấc mơ về bài hát của mình được ca sĩ Thanh Tuyền trình bày. Và năm 1970, ông mày mò viết nên bài Phận gái thuyền quyên. Chính ca sĩ Thanh Tuyền đã hát bài này, ghi âm phát hành khắp nơi. Ngay sau đó, thành công này là động lực thúc đẩy nhạc sĩ Giao Tiên ghi danh vào Đại học Vạn Hạnh, chương trình âm nhạc, quyết cột sự nghiệp của mình vào đó, không thay đổi từ đấy về sau.

kGiDn93V.jpg

Phiêu bạt và long đong

Rất nhiều người đã thắc mắc vì sao nhạc sĩ Giao Tiên lại đặt cho mình một bút danh rất mềm mại và thơ mộng, trái ngược hẳn với tên thật của ông là Dương Trung. Theo lời kể của ông thì do vốn mê văn chương, thi phú, say sưa với những Nhị độ mai, Cung oán ngâm khúc, Chinh phụ ngâm... nên khi mê nhân vật Dương Giao Tiên trong Truyện Hoa tiên, ông quyết định chọn cái tên Giao Tiên làm bút hiệu chính. Nhưng ông cũng là người có nhiều bút danh khác như Hoàng Hoa, Thảo Trang, Diễm Đào, Rạng Đông, Xuân Hậu, Hương Xuân... Trong quãng đời khó khăn cực nhọc, ông vẫn phải viết nhiều bài hát theo đặt hàng để kiếm sống, thậm chí vì cần tiền phải chấp nhận giá rẻ mạt. Nên đôi khi có nhiều bút danh cũng là cách để ông tự làm nhẹ lòng khi phải làm điều không muốn.

Vậy mà cuộc sống cứ ném trả cho ông lắm buồn đau. Nhạc sĩ Giao Tiên kể có lần ở Cam Ranh, đi làm về, người mệt phờ phạc, thì chợt nghe chiếc xe kẹo kéo đi ngang phát bài hát của mình. Sững người vì ngạc nhiên, ông chạy theo xin được nghe lại rồi hỏi thăm về nơi sản xuất bài hát này, nhưng người bán kẹo kéo không biết. Thế là Giao Tiên xin tiền vợ, đi thành phố hỏi thăm nơi phát hành các bài hát của mình, nhưng khi đến nơi thì lại bàng hoàng vì tất cả đều để tên tác giả là một người bạn của mình, vốn được gọi là “ông vua nhạc sến”.

Hóa ra, vì vắng mặt hơn 10 năm để mưu sinh, nhiều người nghĩ rằng Giao Tiên đã chết hoặc biệt tích. Người bạn này nhân đó đã cuỗm không ít bài của nhạc sĩ Giao Tiên mà đổi qua tên mình, thậm chí làm giàu từ đó. Khi vỡ lở, Giao Tiên đành thở dài bỏ qua và lại tiếp tục gầy dựng mọi thứ từ đầu.

Đời của nhạc sĩ Giao Tiên cũng đã phải trải qua những giai đoạn khốn cùng, nhọc nhằn đến mức tưởng chừng như ông không còn cơ hội với âm nhạc. Sau năm 1975, ông đã đi nhiều nơi lập nghiệp như Bù Đăng, Phước Long, Sông Bé... Sau đó lại đi làm công ở Đà Lạt, rồi chuyển về Cam Ranh, tập làm người chăn nuôi nhưng thất bại đến nợ nần, sạt nghiệp. Cuối cùng thì tài nấu bánh chưng của người vợ nhẫn nại và tảo tần đã vực lại cuộc sống gia đình. Bà Hương Xuân, người vợ mà nhạc sĩ Giao Tiên kết hôn năm 1967, từ lúc cả hai chỉ là những thanh niên nghèo cho đến khi nhạc sĩ Giao Tiên thành đạt, rồi lại lận đận long đong, chưa lúc nào bà Xuân mất tin tưởng vào tài năng và tương lai của chồng mình.

“Ngay cả giờ đây khi nhìn lại cuộc đời của mình, tôi luôn nhận ra rằng dù thành đạt hay hạnh phúc đến cỡ nào, nếu không có vợ tôi thì đời tôi sẽ không bao giờ toàn vẹn” - nhạc sĩ Giao Tiên tâm sự.

Bóng dáng một cô Thắm trong đời

Chân thành kể về những ngày long đong của đời mình, nhạc sĩ Giao Tiên nói rằng có những lúc xênh xang danh lợi, cũng có lúc ông đã từng chao đảo trước những cuộc tình phong lưu theo đời nghệ sĩ... Nhưng rồi quay lại nhìn thấy vợ mình im lặng, hi sinh cả đời chăm chút cho ông và gia đình, ông chợt thấy mình quá sức nhỏ bé trước người phụ nữ này. Trong bài Khúc giao mùa, ông đã bày tỏ lòng mình bằng câu hát “tìm về đây ân nghĩa cao dày, giận mà thương trong buổi sum vầy, tình còn đây tình cũ đong đầy...”.

Một trong những bí ẩn sự nghiệp của nhạc sĩ Giao Tiên là nhân vật cô Thắm. Người ta có thể tìm thấy rất nhiều tác phẩm của ông mang tiêu đề như Cô Thắm về làng, Cô Thắm gặp tình nhân, Cô Thắm lên Saigon, Cô Thắm về Tam Quan, Cô Thắm theo chồng, Cô Thắm gặp lại cố nhân... Thậm chí có vẻ như chưa đủ ý, ông còn viết thêm bài Ước mơ em là cô Thắm. Thật sự, cô Thắm đó là ai?

Trong những lần kể chuyện của mình, nhạc sĩ Giao Tiên thú thật rằng cô Thắm, một hình ảnh duyên dáng làng quê và gần gũi, là cách mà ông luôn diễn đạt sự thương yêu của ông với vợ và các chị, những người phụ nữ đã nâng đỡ và chia sẻ với ông để có một Giao Tiên hôm nay. Đã có bạn hỏi đùa nhạc sĩ Giao Tiên rằng “nếu đã quá yêu vợ, sao không đặt cô Thắm là cô Xuân, chẳng hạn như cô Xuân về làng?”. Ông trả lời tỉnh queo: “Làm sao mà cô Thắm bằng cô Xuân được hè?”.

Thật cũng độc đáo, khi sự nghiệp âm nhạc của một người lại có rất nhiều tác phẩm ca ngợi vợ mình như vậy. Nếu xét về kỷ lục VN, nhạc sĩ Giao Tiên có thể là người đứng đầu chủ đề sáng tác về hiền thê. Đôi khi nghe thì rất “sến”, nhưng cũng rất cảm động. Chẳng hạn như trong bài Thắm phu nhân, ông viết: “Buổi sáng nàng không trang điểm hàng giờ, buổi tối nàng không thích đi tiệc tùng... Nàng là ai...?”.

Được coi là tác phẩm thành công bậc nhất, Cô Thắm về làng nằm trong nhóm những tác phẩm lừng danh của nhạc sĩ Giao Tiên. Bài hát này viết năm 1974, giữa một không gian chiến tranh hỗn loạn, nhưng âm điệu đầy sự lạc quan và thắm đượm hình ảnh đồng quê: Kìa ai như cô Thắm... Nón bài thơ nghiêng trong nắng tà, áo bà ba duyên quê ấy mà, cùng chị em chân dép cô đi chợ xa...

Ông kể rằng khi ông đưa bài hát này cho nhạc sĩ Ngọc Chánh, giám đốc Nhà xuất bản Khai Sáng, vốn là một nhạc sĩ khó tính trong việc nhận xét các tác phẩm, nhưng chỉ xem qua trong 15 phút, ông Ngọc Chánh đã quyết định giao cho tay hòa âm hạng nhất lúc đó là Lê Văn Thiện, rồi đưa cho danh ca đang lên thời đó là Thái Châu hát. Chỉ trong hai tuần, Cô Thắm về làng trở thành một bài hát đứng vững trong lòng khán giả.

Nhìn lại một đời sáng tác của nhạc sĩ Giao Tiên, ông đã dành hơn phân nửa cho những bài hát ngợi ca tình yêu đôi lứa trong khung cảnh thiên nhiên. Những bài hát dân dã và gần gũi đã cùng ông đi hơn nửa thế kỷ âm nhạc VN mà không hề thay đổi phong vị. Mới đây, tháng 10-2013 ông vừa cho ra mắt tập nhạc mang tên Cô Thắm về làng (Nhà xuất bản Thanh Niên), tổng hợp 28 bài. Trong đó có những bài về chuyện cô Thắm mà ông ưng ý nhất, cùng với một loạt tác phẩm mới sáng tác, như một cách kỷ niệm tình yêu không hề phai nhạt của ông với hình ảnh người con gái VN trong tâm tưởng, suốt cuộc đời mình.

Nhớ hỏi nhà ông Trung bánh chưng!

Theo mô tả của nhiều bạn bè, tài nghệ nấu bánh chưng của vợ nhạc sĩ Giao Tiên không chỉ nuôi sống gia đình, mà còn trở thành món ngon đặc biệt ở vùng Cam Ranh.

Thậm chí, nếu tìm nhà nhạc sĩ ở tổ Long Sơn, phường Ba Ngòi, thị xã Cam Ranh, hỏi thăm nhà ông Giao Tiên có thể hàng xóm không biết, nhưng hỏi nhà ông Trung bánh chưng thì ai cũng biết. Sự nghiệp bánh chưng này, kỷ niệm một bước ngoặt lớn trong đời mình, nhạc sĩ Giao Tiên đã kể lại trong ca khúc Chiếc bánh chưng xanh, ký tên là Giao Tiên & Dương Tiếng Thu.

TUẤN KHANH
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên