12/07/2007 06:00 GMT+7

Ông bí thư "thiếu chữ, nhưng có lòng"

VÕ QUÝ CẦU
VÕ QUÝ CẦU

TT - Cuốc bộ 3km từ nhà đến trụ sở xã, việc đầu tiên của ông Hồ Văn Thang, bí thư Đảng ủy xã Trà Xinh (huyện Tây Trà, Quảng Ngãi), là hỏi cán bộ văn phòng Hồ Thiên Đường “có giấy tờ gì ở trên chuyển xuống không”. Nếu có thì phải... đọc cho ông nghe vì ông không biết chữ!

wPFlUd8e.jpgPhóng to
Xong công việc ở xã thì ông đi các làng thăm hỏi bà con - Ảnh: V.Q.C.
TT - Cuốc bộ 3km từ nhà đến trụ sở xã, việc đầu tiên của ông Hồ Văn Thang, bí thư Đảng ủy xã Trà Xinh (huyện Tây Trà, Quảng Ngãi), là hỏi cán bộ văn phòng Hồ Thiên Đường “có giấy tờ gì ở trên chuyển xuống không”. Nếu có thì phải... đọc cho ông nghe vì ông không biết chữ!

Không biết chữ nhưng ông là cán bộ kỳ cựu ở xã này. Trước khi làm bí thư ông đã có ba nhiệm kỳ liên tiếp làm chủ tịch xã. Đó là một điều oái oăm, oái oăm như cái nghèo, cái khó của vùng đất này.

Phải cố nhớ...

Những hôm cán bộ Đường đi công tác thì ông cầm giấy tờ sang trường tiểu học gần đấy nhờ mấy thầy đọc hộ. Nói chung ai đọc được chữ thì ông nhờ tuốt.

Vừa nghe ông vừa định ra công việc phải làm trong ngày. Ông bảo cũng nhờ quen việc nên mọi việc trôi chảy chứ “không biết cái chữ khổ lắm”. Những lúc cần thảo một văn bản để gửi lên cấp trên thì ông bảo cán bộ làm rồi đọc cho nghe. Chỗ nào cho là chưa ổn thì ông bảo sửa theo ý mình. Sau đó ông ký tên với những nét nguệch ngoạc xiên xọ. Ông ngại ngùng nói: “Mình chỉ biết ký và viết họ tên thôi”.

Cũng như đa số đồng bào ở xã này, ông là người Ca Dong. Ông sinh 1944. Năm 21 tuổi, như nhiều thanh niên dân tộc trên quê hương quật khởi này, ông tham gia tòng quân và được học văn hóa bốn tháng đủ biết đọc biết viết và làm những phép tính đơn giản rồi chuyển về làm bộ đội sản xuất. Sau đó, do yêu cầu của cách mạng, ông chuyển sang làm phó chủ tịch UBND xã Trà Xinh vào năm 1973, khi nơi đây là vùng giải phóng.

Ông Thang nói nhiều lúc khổ vì cái sự không có chữ của mình. Năm trước ông được cấp trên cho đi tham quan 26 tỉnh, thành phía Bắc và Bắc Trung bộ. Ông kể: “Gặp cán bộ các tỉnh mình được giới thiệu là lãnh đạo xã nghe cũng phấn khởi. Nhưng có lần trong buổi tiếp xúc, giọng nói của mình khó nghe nên họ chìa quyển sổ để viết cho dễ hiểu. Ô, mình có biết chữ đâu! Xấu hổ lắm. Còn trong những kỳ đại hội đảng bộ hay họp HĐND huyện, có nhiều nội dung phổ biến mình ghi không được nên phải cố nhớ...”.

Ông có một cuốn sổ ghi toàn những ký hiệu. Đó là “chữ” của riêng ông. “Phải cố nhớ hoặc đánh dấu bằng ký hiệu chứ không thì làm sao làm việc được...”, ông thở dài.

“Đừng như tôi khổ lắm”

VxGe6SGi.jpgPhóng to
Mỗi ngày ông đi bộ 3km để đến xã làm việc - Ảnh: V.Q.C.

Ông Trần Lương, bí thư Huyện ủy Tây Trà, cho biết: “Xã ở vùng xa, không chỉ nghèo mà còn khó khăn tới mức chưa có ai thay được bí thư Thang. Vì thế một mặt vừa động viên các cháu học tập, vừa động viên ông Thang tiếp tục đảm được việc dân. Ông là người đặc biệt có uy tín trong cộng đồng dân tộc thiểu số nơi đây”.

Không có chữ nhưng bù lại ông chịu đi, chịu làm. Thường ngày, sau khi họp giải quyết công việc ở trụ sở là ông Thang đi đến các thôn Trà Veo, Trà Ôi gặp các già làng, hỏi chuyện bà con. Ông nói: “Làm chủ tịch, bí thư ở xã quá nghèo nên phải chịu khó. Siêng năng đến thăm hỏi, động viên bà con và cũng phải siêng năng đi xin cấp trên từ chủ trương, chính sách đến công trình thủy lợi, rồi kinh phí xây dựng nhà cho đồng bào nghèo, cái chữ cho lũ trẻ”.

Cũng nhờ ông kiên trì xin mà mới đây con đường nối từ xã lên huyện đã được làm, không còn cảnh mỗi khi người dân có việc ra huyện hoặc cán bộ đi họp phải đi từ gà gáy, gói theo cơm ăn dọc đường. Có đường rồi thì cán bộ và đồng bào được về huyện nhiều hơn, học cái hay, cái tốt, bỏ đi nhiều hủ tục lạc hậu, biết làm ăn kinh tế. Bây giờ đồng bào dân tộc Ca Dong trong xã không còn sợ con ma bắt tội mà biết trồng cây quế trên rẫy. Khi ốm đau bà con đưa người thân đến trạm xá xã, bệnh viện huyện chứ không tới thầy mo nữa.

Cũng nhờ ông kiên trì những chuyến đi “xin” nên bây giờ ở xã đã xây dựng đập Nước Lát, Nước Rí, Nước Nan, Tà Veo đủ tưới cho 45ha ruộng lúa nước. Cả xã có 318 hộ thì 248 hộ đã có bò để chăn nuôi. Tuy vậy xã vẫn rất nghèo, trên 85% thiếu ăn. Ông bí thư không biết chữ nhíu trán: “Muốn tiếp thu cách làm ăn thì phải xin cho con em đồng bào dân tộc cái chữ”. Huyện đã xây trường, cử thầy cô về dạy. Ông tự hào: “Xã mình bây giờ có trường tiểu học và trung học phổ thông rồi, có 484 em học sinh”.

Năm nào cũng vậy, cứ đến ngày khai giảng là bí thư Thang đến dự và phát biểu. Ông phát biểu rằng phải học cho giỏi, phải biết chữ chứ “đừng như tôi khổ lắm, không làm được cái gì”. Đất nghèo nên ông lo các thầy cô không trụ nổi. Vì thế khi mưa gió, nước sông Tang, sông Hà Riềng dâng cao cô lập nhiều vùng trong xã, các thầy cô phải đi hái rau tàu bay, rau ranh làm thức ăn, ông vận động bà con đem biếu các thầy giáo con gà, trái mướp rồi động viên các thầy cô cố gắng sống cùng dân bản.

“Mong cho lớp trẻ sớm trưởng thành, có trình độ năng lực thay thế mình đảm đương công việc của xã. Còn mình, trong nhiệm kỳ này, ngoài việc vận động bà con sản xuất, lũ trẻ học hành, cũng cố xin cấp trên đầu tư kinh phí để hạ độ dốc, cấp phối con đường từ huyện lỵ về xã, xây chiếc cầu vượt sông Tang để dân bớt khổ khi mùa mưa, mùa lũ về” - ông tâm sự.

Thiếu chữ nghĩa nhưng ông có một tấm lòng và sự tận tụy lo cho dân mình.

VÕ QUÝ CẦU
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên