05/08/2013 04:17 GMT+7

Ông bác sĩ Mỹ có trái tim vàng

QUỲNH TRUNG
QUỲNH TRUNG

TT - Sau khi thực hiện thành công ba cuộc đại phẫu bướu dị dạng ở VN đầu năm 2012, trong đó có ca bóc tách khối u gần 90kg của anh Nguyễn Duy Hải, giáo sư - bác sĩ McKay McKinnon cùng vợ mang theo hai túi dụng cụ y khoa lớn trở lại VN ngày 20-7.

8hqHgMxM.jpg
Bác sĩ McKinnon (phải) chụp hình lưu niệm với mẹ con anh Nguyễn Duy Hải, người được ông mổ bóc tách khối u gần 90kg tại Bệnh viện FV, TP.HCM - Ảnh: Quỳnh Trung

12 năm mới đi dạo phốSức khỏe anh Nguyễn Duy Hải diễn tiến tốt“Người mang khối bướu khổng lồ” đã đi được

8hqHgMxM.jpg
Bác sĩ McKinnon (phải) chụp hình lưu niệm với mẹ con anh Nguyễn Duy Hải, người được ông mổ bóc tách khối u gần 90kg tại Bệnh viện FV, TP.HCM - Ảnh: Quỳnh Trung

Ông bắt đầu hai tuần bận rộn kết hợp với các bệnh viện ở Hà Nội và TP.HCM thăm khám và phẫu thuật miễn phí cho các bệnh nhân có bướu hiểm nghèo. Ông bảo: “Tôi là bác sĩ nên nhiệm vụ của tôi là phân tích các ca bệnh và xem xét có khả năng giúp họ được không. Tôi thấy các bệnh nhân rất tội nghiệp, họ chịu đựng quá nhiều đau khổ. Do vậy tôi đến đây không phải để có cảm xúc mà để giúp đỡ họ”.

“Hành trình marathon”

Nghe tin ông đến Bệnh viện Việt - Đức (Hà Nội) sáng 22-7, hàng chục bệnh nhân từ các địa phương lân cận đến xếp hàng từ rất sớm để được ông thăm khám và tư vấn. Dù đã bước qua tuổi 60 nhưng vị bác sĩ người Mỹ vẫn làm việc với phong thái nhanh nhẹn. Ông ân cần xem xét tình trạng bệnh của từng người và tỉ mẩn ghi chú lại để chỉ dẫn và tư vấn các bác sĩ ở Bệnh viện Việt - Đức cách phẫu thuật cho họ sau này, dù những bệnh nhân này không nằm trong lịch trình phẫu thuật hay thăm khám đã được lên kế hoạch trước của ông. Do khám và tư vấn gần 40 ca trong ngày, bác sĩ McKinnon ăn qua loa bữa trưa chỉ trong 10 phút và kết thúc ngày làm việc đầu tiên khi đồng hồ điểm hơn 21g. Tôi hỏi ông có mệt không, ông nói: “Đó chỉ là một ngày làm việc dài giống như các bác sĩ ở đây. Chẳng có gì bất thường cả”.

Trong ba ngày liên tiếp sau đó, ông tiếp tục “hành trình marathon” phẫu thuật năm ca ở Bệnh viện Việt - Đức và một ca ở Bệnh viện Vinmec, trong đó có ca bóc tách thành công khối u lớn ăn sâu vào hộp sọ của “cậu bé không có mặt người” Lê Trung Tuấn. Nhiều người nhận xét ông có sức khỏe như “siêu nhân” vì thực hiện liên tục các ca phẫu thuật, mỗi ca kéo dài cả chục giờ. Ông cười bảo: “Tôi có nhiều trải nghiệm như vậy rồi” và nói thêm ông rất thích chơi thể thao, thường dành thời gian rảnh rỗi chơi tennis và đánh golf.

Sau khi dành một ngày nghỉ ngơi thăm thú phong cảnh vịnh Hạ Long cùng vợ và con gái, ông tiếp tục bay vào TP.HCM, nơi năm ca bướu hiểm nghèo khác đang chờ được ông phẫu thuật, trong đó có hai ca bướu vùng đầu mặt cổ khá phức tạp của hai bệnh nhân Nguyễn Hoàng Thiên Ân và Lê Hoàng Em ở Bệnh viện FV và ba ca khác ở Bệnh viện Nhi Đồng 2 và Bệnh viện Chợ Rẫy. Với bàn tay tài hoa của ông cùng sự hỗ trợ đắc lực từ các bác sĩ ở Bệnh viện FV, hai bệnh nhân này đã có gương mặt dễ nhìn hơn.

Mổ từ đầu đến chân

Trở lại VN lần thứ ba trong hai năm, bác sĩ McKinnon tâm tình: “Tôi không thể thực hiện các cuộc phẫu thuật một mình và tôi cần sự hỗ trợ. Tôi thấy các bác sĩ VN ngày càng có khả năng giúp tôi thực hiện các ca phẫu thuật phức tạp. Tôi mong đợi họ sẽ tiếp tục giúp tôi chăm sóc các bệnh nhân khi tôi không có ở đây. Họ hoàn toàn có khả năng làm được điều đó”.

Bác sĩ Phan Văn Thái thuộc khoa ngoại Bệnh viện FV, TP.HCM, từng hỗ trợ chính bác sĩ McKinnon phẫu thuật khối bướu khổng lồ của anh Duy Hải năm ngoái, khoe đã bớt sợ mấy ca phẫu thuật lớn cũng như học thêm được nhiều kỹ thuật mới từ vị bác sĩ tài hoa. “Gặp bác sĩ giỏi hơn thì học được nhiều thứ lắm. Mình phụ bác sĩ McKinnon tổng cộng ba ca mổ. Ba lần mổ ông đều thực hiện khá khác nhau. Mổ cho Duy Hải thì mổ rộng lớn, nhát cắt và khâu cầm máu nó khác. Còn ca Thiên Ân thì chi li tính toán tạo mũi, tạo mắt, riêng ca Hoàng Em thì mình học được cách cầm máu” - bác sĩ Thái cho biết.

Còn bác sĩ Đào Thị Mỹ Vân, trưởng khoa gây mê hồi sức Bệnh viện FV, không ngần ngại bày tỏ sự ngưỡng mộ và gọi ông là thiên tài phẫu thuật: “Tụi tôi đi học thì học chuyên khoa. Còn ông mổ từ đầu đến chân. Chỗ nào ông cũng biết làm và làm rất chính xác những ca cực kỳ khó”. Nữ bác sĩ có 21 năm kinh nghiệm và từng công tác ở nhiều bệnh viện cho biết điều chị học được nhiều nhất từ bác sĩ McKinnon là sự bình tĩnh khi thực hiện các ca phẫu thuật phức tạp.

Có một bí mật rất thú vị mà ít ai biết về ông là mỗi lần mổ, ông thường yêu cầu các bệnh viện ở VN sắp xếp cho ông một cái bàn nhỏ để đặt máy iPod và nghe đủ thể loại nhạc từ jazz đến opera để có sự tập trung tốt nhất. Nói về điều này, bà Astrid McKinnon, vợ ông, tiết lộ: “McKay rất thích nghe nhạc. Ca sĩ yêu thích nhất của ông ấy là nhạc sĩ và cây guitar James Taylor vì cả hai có cùng quê hương North Carolina”.

Chinh phục những thử thách

Bác sĩ McKinnon đang là giáo sư khoa giải phẫu chỉnh hình tại ĐH Chicago (Mỹ). Nói về động cơ giúp ông thực hiện phẫu thuật không mệt mỏi hàng trăm ca bướu trên khắp thế giới trong nhiều năm qua, ông chia sẻ: “Tôi luôn cố gắng giải quyết những ca bệnh khó. Tôi không thể tồn tại nếu không thể xử lý những ca phẫu thuật mà người khác chưa có khả năng thực hiện. Và tôi thấy mình may mắn khi được gặp nhiều bệnh nhân trên khắp thế giới”.

Danh tiếng của ông lan rộng sau khi thực hiện thành công nhiều ca mổ bướu “vô tiền khoáng hậu” mà không nhiều người tin tưởng sẽ thành công, điển hình như ca mổ cắt bỏ khối u 90,7kg của Lori Hoogewind (Mỹ) kéo dài 18 giờ, hay ca 80kg của Lucica Bunghez ở Romania năm 2004, và gần đây nhất là bóc tách khối u khổng lồ của anh Nguyễn Duy Hải ở Đà Lạt. Ông cho biết món quà lớn nhất mà ông nhận được trong sự nghiệp y khoa là cảm giác toại nguyện khi giúp đỡ các bệnh nhân cũng như truyền lại kinh nghiệm cho các bác sĩ khác.

Bà Astrid là người bạn đời đồng thời là phụ tá đắc lực của ông trong hầu hết ca mổ còn tiết lộ ông là người rất bảo thủ và hoài nghi, nhưng cả hai đều chung sở thích du lịch và khám phá các nền văn hóa khác nhau. Ông bà McKinnon tiết lộ rất thích phở VN và hỏi người quen ở VN cách thức nấu món ăn này. Ông nói nếu điều kiện cho phép, hi vọng năm sau ông sẽ trở lại VN.

Để định nghĩa chính xác hơn về ông, cô Bùi Linh Phượng từ Tổ chức từ thiện VoviCare ở Úc nói đơn giản: “Ngoài bàn tay vàng, ông ấy còn có tấm lòng vàng. Vì chỉ có những người có tấm lòng vàng mới làm được những điều phi thường như thế”.

Giống như gặp lại một người cha”

Sáng 29-7, bác sĩ McKinnon hội ngộ hai mẹ con anh Duy Hải đang tái khám vết mổ tại Bệnh viện FV, hơn một năm rưỡi sau ca mổ bóc tách khối u 90kg. Bà Nguyễn Thị Cho Con - mẹ anh Hải - mừng đến rơm rớm nước mắt và nắm chặt tay ông rất lâu. “Vì ông ấy từng cứu mình, nên khi gặp lại ông tôi mừng và có nhiều cảm xúc lắm, giống như gặp lại một người cha sau một thời gian dài. Tôi cầu chúc bác sĩ McKinnon thật nhiều sức khỏe để có thể về VN mỗi năm cứu thêm 5-7 trường hợp bị bướu giống tôi” - anh Hải bộc bạch.

Bác sĩ McKinnon cho biết ông cũng rất vui khi thấy anh Duy Hải khỏe mạnh. Sau khi tái khám vết mổ cho anh Hải, bác sĩ McKinnon khẳng định anh Hải không có dấu hiệu tái phát khối u. “Tôi phát hiện có một sự tích tụ dịch ở vết mổ nhưng tôi không nghĩ anh ấy bị tái phát khối bướu, nó hoàn toàn không phải là biến chứng nghiêm trọng. Tôi tin rằng các bác sĩ ở đây sẽ dễ dàng phẫu thuật hút chất dịch này ra khỏi cơ thể Hải và tôi sẽ tư vấn giúp họ” - bác sĩ McKinnon nói với Tuổi Trẻ. Bác sĩ McKinnon nói ông sẽ mang phim ảnh của anh Hải về bên Mỹ để nghiên cứu xem có thể giúp lắp cho anh một cái chân giả để tiện đi lại hay không.

Anh Duy Hải cho biết hiện sức khỏe của anh bình thường, anh mong muốn tìm được một công việc phù hợp nào đó để tự lo cho bản thân. Anh Hải còn chia sẻ gần đây gia đình từng lấy giấy tờ nhà đi cầm cố để vay vốn cho anh mở một quán karaoke ở Đà Lạt, nhưng anh kinh doanh không thành công vì chưa có nhiều kinh nghiệm.

QUỲNH TRUNG
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên