Leonardo DiCaprio (trái, vai Rick Dalton) và Brad Pitt (vai Cliff Booth) trong phim Once Upon a Time in... Hollywood - Ảnh: IMDb
Once Upon a Time in... Hollywood (Chuyện ngày xưa ở... Hollywood) muốn nói gì vậy?
Tại sao 3 tuyến truyện với 3 nhân vật cứ diễn ra rề rà từ đầu đến cuối mà không thực sự gắn kết?
Nhân vật của Maggot Robbie có vai trò gì, trông cô ta hoàn toàn tách biệt với nhân vật của Leonardo DiCaprio, Brad Pitt?
Có lẽ sẽ có rất nhiều câu hỏi như thế trong đầu khán giả sau khi xem bộ phim.
ONCE UPON A TIME IN HOLLYWOOD - Official Teaser Trailer
Không nên bị đánh lạc hướng bởi vụ giết người có thật
Trong quá trình truyền thông, phim được cho là có đề cập đến vụ giết người rúng động ở Mỹ năm 1969 do giáo phái Manson - những kẻ hippy thù hận xã hội - gây ra. Trong sáu nạn nhân có mỹ nhân tóc vàng xinh đẹp Sharon Tate.
Nhưng nếu quá bám sát vụ án này, khán giả sẽ thấy khó nắm bắt bộ phim. Bởi dường như vụ giết người chỉ là cái cớ để Tarantino lấy mốc thời gian và vẽ nên một bức tranh về Hollywood năm 1969.
Ông lấy những nhân vật có thật, như Tate (Maggot Robbie đóng) và bạn bè cô này, trộn lẫn với hai nhân vật hư cấu Rick Dalton (Leonardo DiCaprio), Cliff Booth (Brad Pitt) rồi tạo nên câu chuyện nửa hư nửa thực.
Thế nên cái kết khác hẳn vụ án thật khiến nhiều khán giả sốc và khó hiểu. Vì vậy ngay từ ban đầu, khán giả không nên tiếp cận bộ phim từ câu chuyện thật của vụ án.
Từ trái qua: Brad Pitt, Leonardo DiCaprio và đạo diễn Quentin Tarantino của phim Once upon a time... in Hollywood - Ảnh: AFP
Hai nhân vật chính của phim là cặp diễn viên kiêm bạn thân là Rick Dalton và Cliff Booth. Rick là siêu sao dòng phim cao bồi sắp hết thời, còn Cliff là diễn viên đóng thế kiêm lái xe của anh. Tarantino sắp đặt cho Rick là hàng xóm của Sharon Tate (và chồng cô này - đạo diễn thiên tài Roman Polanski), còn Cliff có chút dây mơ rễ má với những cô gái hippy trẻ trung nhưng cuồng tín của giáo phái Manson.
Liên kết các đường dây này, khán giả có bức tranh khá rõ ràng.
Thế nhưng Tarantino tiếp tục khiến khán giả sốt ruột khi để các nhân vật tà tà sống cuộc sống của riêng họ, chẳng mấy tương tác với nhau và cũng không sớm đẩy nhanh diễn biến.
Nhưng đó chính là dụng ý của Tarantino, ông đang kể một câu chuyện "ngày xửa ngày xưa" với nhiều tưởng tượng và mơ mộng về Hollywood - tình yêu của ông.
Margot Robbie vào vai Sharon Tate trong Once upon a time in Hollywood
Bức thư tình của Tarantino cho Hollywood
Ra mắt tại Mỹ hồi tháng 7, Once Upon a Time in... Hollywood được giới phê bình bàn luận sôi nổi với không ít lời tán thưởng. Nhưng chính giới phê bình cũng bị chia rẽ trong cảm nhận về phim.
Cụ thể, nhà phê bình Michael Hainey của tạp chí Esquire gọi bộ phim là "kiệt tác mang phong cách Shakespeare". Nhưng đây lại là nhận định hiếm hoi dùng từ "kiệt tác" cho phim. Phần còn lại, dù vẫn yêu thích và tán thưởng nhưng tránh gọi phim là kiệt tác.
"Nhiều người trong chúng ta hi vọng dùng được từ đó cho bộ phim này. Nhưng thực tế phim quá dịu nhẹ để đạt được đỉnh cao say đắm đó" - Nicholas Barber của BBC viết. "Giảm nhẹ hai lần so với mức độ bạo lực khủng khiếp thường thấy ở Tarantino, cơn gió nhẹ là từ mô tả chính xác bộ phim" - Owen Gleiberman từ Variety.
Theo Gleiberman, những năm gần đây Tarantino chưa vượt qua được đỉnh cao Inglourious Basterds (2009). Once Upon a Time in... Hollywood tốt, nhưng chỉ đủ vượt qua những phim như Django Unchained và The Hateful Eight.
Một cảnh trong Once upon a time in... Hollywood
Dù chưa được số đông phê bình công nhận là kiệt tác, bộ phim chắc chắn không chán như nhiều khán giả Việt nhận xét. NME cho rằng đây là tác phẩm "gây thỏa mãn nhất của Tarantino trong nhiều thập kỷ", trong khi The Telegraph gọi đây là "sự say sưa trong thế giới điện ảnh thuần túy".
Một số nhà phê bình cho rằng phim đuối từ khoảng giữa, nhưng vẫn đáng xem từng phút.
Và giới phê bình đồng tình rằng Once Upon a Time in... Hollywood chính là bức thư tình của Tarantino cho Hollywood thập niên 1960. Ông say mê thế giới đó đến mức ra tay cải biên một sự thật lịch sử đau đớn, biến nó thành cái kết đẹp và đầy cổ tích dành cho những minh tinh, tài tử.
"Sự say sưa trong điện ảnh thuần túy" là mô tả rất chính xác. Chính vì thế, khán giả không nên sốt ruột vì thấy diễn biến phim khá chậm và tưởng chừng rời rạc. Hãy chiêm ngưỡng sự say mê ấy, được Tarantino thể hiện ở từng chi tiết, đường nét và ánh mắt.
Tranh cãi về cách khắc họa hình tượng Lý Tiểu Long
Lý Tiểu Long trong phim của Quentin Tarantino (trái) và Lý Tiểu Long đời thực - Ảnh: BONA FILM GROUP/GETTY
Trong Once Upon a Time in... Hollywood, huyền thoại võ thuật Lý Tiểu Long (Mike Moh đóng) xuất hiện trong một cảnh ngắn. Ông được khắc họa như một người châu Á hãnh tiến, đứng diễn thuyết về võ thuật trước đám diễn viên đóng thế vô danh và tuyên bố có thể đánh bại mọi đối thủ.
Phân cảnh này khiến gia đình Lý Tiểu Long lên tiếng phản đối. Con gái Shannon Lee cho rằng ông xuất hiện "như một bức biếm họa", "như một tên khốn kiêu căng". Shannon thất vọng vì người cha quá cố được mô tả "vẫn như cách người da trắng ở Hollywood đã làm khi ông còn sống".
Bảo vệ bộ phim của mình, đạo diễn Quentin Tarantino cho biết ông hoàn toàn "không bịa đặt" về cách lập ngôn của Lý Tiểu Long.
Một số hình ảnh của phim:
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận