06/08/2015 09:10 GMT+7

Ôn tồn, thông cảm sẽ giảm sự kích động ở người tâm thần

L.ANH
L.ANH

TT - Giám đốc Bệnh viện Tâm thần T.Ư 1 La Đức Cương cho hay vài năm gần đây, tại bệnh viện ông chỉ thi thoảng mới xảy ra “tai nạn” bệnh nhân tâm thần đánh hoặc va chạm với thầy thuốc.

Chủ yếu trong đó, theo ông Cương, là những thương tích nhẹ, còn trước đây những vụ việc như vậy xảy ra liên miên, nhiều thầy thuốc bị đánh trẹo tay, gãy chân, chảy máu mặt mũi...

“Mỗi ngày chúng tôi có khoảng 600 bệnh nhân tâm thần điều trị nội trú, 50 - 70 bệnh nhân tới khám. Bệnh nhân đã nằm viện đều bệnh nặng, có thể có hành vi nguy hiểm bất kỳ lúc nào. Chúng tôi luôn dặn các bác sĩ phải đề phòng, vì hành vi của bệnh nhân tâm thần thường xảy ra bất chợt. Có người đã điều trị ổn định, đang ngồi nói chuyện bình thường nhưng bất thần lại có một ý nghĩ gì đó kích động và có hành vi nguy hiểm”- ông Cương cho biết.

Theo ông Cương, trước đây có lúc chính thầy thuốc tâm thần cũng nghĩ bệnh nhân tâm thần không biết gì nên thái độ tiếp xúc còn chưa tốt, nhưng điều này đã thay đổi rất nhiều. Dùng lời lẽ ôn tồn, chia sẻ với bệnh nhân và nhiều người trong số họ đã rất xúc động, hợp tác với thầy thuốc để điều trị.

Ông Nguyễn Huy Quang, vụ trưởng Vụ Pháp chế, Bộ Y tế, cho hay hiện có quy định về bảo hiểm cho người bị tai nạn thương tích khi đang làm nhiệm vụ. Các thầy thuốc của bệnh viện tâm thần bị tai nạn trước đây cũng được nhận bảo hiểm này.

Tuy nhiên trường hợp thương tâm như điều dưỡng Võ Văn Đấu (bị người tâm thần tưới xăng đốt, nguy kịch và đã qua đời tối 3-8), ông Quang cho rằng Bộ Y tế có thể có đề nghị thêm với cơ quan chức năng. Được biết trước khi điều dưỡng Đấu qua đời một ngày, bà Nguyễn Thị Kim Tiến, bộ trưởng Bộ Y tế, đã đến thăm anh tại Bệnh viện Chợ Rẫy, TP.HCM.

L.ANH
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên