15/09/2020 06:00 GMT+7

Ớn lạnh với các loại vắc xin COVID-19 'nhà làm'

HOÀNG DUY LONG
HOÀNG DUY LONG

TTO - Một số nhà khoa học Mỹ đã quyết định tiêm thử nghiệm vắc xin ngừa COVID-19 "tự bào chế" trên cơ thể họ. Các cơ quan y tế Mỹ đã cảnh báo cách làm này rất nguy hiểm.

Ớn lạnh với các loại vắc xin COVID-19 nhà làm - Ảnh 1.

Nhà miễn dịch học Don Wang - người đồng sáng lập dự án RaDVaC - lấy máu để kiểm tra kháng thể với vắc xin tại một địa điểm bí mật hồi tháng 8-2020 - Ảnh: NYT

Tổ chức Y tế thế giới (WHO) ghi nhận tính đến trung tuần tháng 8-2020, trên thế giới có 167 dự án bào chế vắc xin.

Trong 29 dự án vắc xin đang thử nghiệm lâm sàng trên người có 11 vắc xin ở giai đoạn I, 12 vắc xin ở giai đoạn II hoặc giai đoạn I/II và 6 vắc xin ở giai đoạn III.

Các dự án còn lại đang phát triển ở giai đoạn tiền lâm sàng (thử nghiệm trên động vật).

Chưa qua nghiên cứu đầy đủ vẫn tiêm lấy tiền

Quá trình bào chế vắc xin thường kéo dài vì phải trải qua ba giai đoạn thử nghiệm lâm sàng trên người.

Nhà sinh vật học Johnny Stine - chủ tịch Công ty công nghệ sinh học North Coast Biologics ở Seattle (bang Washington), nhận thấy nghiên cứu như vậy lâu lắc quá.

Với lập luận "bào chế vắc xin dễ ẹt", Johnny Stine bèn mày mò nghiên cứu vắc xin với trình tự di truyền của một protein trên bề mặt virus SARS-CoV-2, sau đó pha trộn với nước muối rồi tự tiêm thử nghiệm cho mình luôn.

Theo báo The New York Times, ông này khoe đã phát triển kháng thể 12 ngày sau khi tiêm.

Còn trên Facebook, Johnny Stine viết: "Tôi đã được miễn dịch. Tôi đã tiêm vắc xin của chính mình 5 lần".

Dù vắc xin "nhà làm" không được công nhận vì chưa qua quá trình nghiên cứu nghiêm túc, Johnny Stine vẫn tiêm cho khoảng 30 người với giá 400 USD/liều.

Rốt cuộc Johnny Stine đã phải dừng chân sau khi bị Cục Quản lý thực phẩm và dược phẩm (FDA) cảnh báo, sau đó bị chính quyền bang Washington kiện ra tòa.

Nhà sinh học phân tử Patrick Gray nhận xét về nhân viên cũ Johnny Stine như sau: "Một người như Johnny không thể bào chế được vắc xin khả thi".

Ớn lạnh với các loại vắc xin COVID-19 nhà làm - Ảnh 2.

Nhà sinh vật học Johnny Stine - Ảnh: STINE

Vắc xin dưới dạng thuốc xịt mũi

Một số nhà khoa học khác chỉ muốn phát triển vắc xin riêng chứ không chú trọng đến chuyện kiếm tiền.

Tháng 3-2020, nhà di truyền học Preston Estep ở Boston cùng 20 chuyên gia lập dự án RaDVac (viết tắt của "Hợp tác phát triển nhanh vắc xin").

Hâu hết các chuyên gia là người quen biết liên quan đến Đại học Harvard hoặc Viện Công nghệ Massachusetts (MIT).

Trong tài liệu khoa học chứng minh, Preston Estep giải thích: "Có 5 thành phần có thể được pha trộn trong phòng thí nghiệm của dược sĩ".

Vắc xin của ông dưới dạng thuốc xịt mũi, có chứa các mẩu protein nhỏ tương ứng một phần với SARS-CoV-2 nhưng không tự kích hoạt bệnh.

Cuối tháng 4-2020, phiên bản vắc xin đầu tiên đã được tiêm cho toàn bộ nhân viên và gia đình họ. Preston Estep khẳng định phản ứng phụ duy nhất được ghi nhận là "nghẹt mũi và nhức đầu nhẹ".

Ông thường xuyên thay đổi công thức khi có nghiên cứu mới về SARS-CoV-2 được công bố. Đến nay ông đã nghiên cứu 8 phiên bản vắc xin.

Tạp chí MIT Technology Review dẫn lời chuyên gia vắc xin George Siber ghi nhận: "Các protein nhỏ đơn giản không thể kích hoạt phản ứng miễn dịch đầy đủ".

Đến nay Preston Estep vẫn chưa cho biết hàng trăm người đã qua thử nghiệm vắc xin của ông có phát triển kháng thể hay không.

Ớn lạnh với các loại vắc xin COVID-19 nhà làm - Ảnh 3.

Nhà di truyền học Preston Estep (trái) cùng "cố vấn" là nhà di truyền học George Church ở Đại học Harvard - Ảnh: ALEX HOEKSTRA

Lấy thân mình làm vật thí nghiệm

Theo pháp luật Mỹ, dự án RaDVac của nhà di truyền học Preston Estep đang hoạt động trong "vùng xám".

Thông thường muốn thử nghiệm thuốc điều trị hoặc vắc xin mới phải được FDA cấp giấy phép. Tuy nhiên, ông không xin phép với lý do: "Nếu bạn tạo ra vắc xin rồi tự tiêm cho mình, FDA không thể nói gì".

Ở các nước khác cũng có trường hợp các bác sĩ hoặc nhà nghiên cứu tiêm vắc xin COVID-19 cho mình trong quá trình nghiên cứu.

Tạp chí The Scientist nhắc đến trường hợp nhà miễn dịch học Huang Jinhai  ở Đại học Thiên Tân (Trung Quốc) đã dùng 4 liều vắc xin do ông nghiên cứu trước khi tiến hành thử nghiệm trên động vật.

Tại Nga, giám đốc Viện nghiên cứu Gamaleya ở Matxcơva đã tự thử vắc xin của viện.

Khác với mấy nhà khoa học Mỹ, các dự án nêu trên đều kết hợp với nghiên cứu lâm sàng nghiêm túc.

Nói chung cộng đồng khoa học không tán thành cách tự tiêm vắc xin "nhà làm" đối với SARS-CoV-2 vì đây là virus còn ẩn chứa nhiều bí mật.

Ngoài tác dụng có hại chưa được xác nhận qua thử nghiệm lâm sàng, vắc xin có thể chẳng mang đến tác dụng nào hết.

WHO dự báo sẽ có nhiều vắc xin ngừa COVID-19 WHO dự báo sẽ có nhiều vắc xin ngừa COVID-19

TTO - Hiện có 13 vắc xin tiềm năng vẫn đang trong giai đoạn thử nghiệm lâm sàng. Do tỉ lệ thành công đặc trưng 10% cho thấy có thể sẽ có nhiều loại vắc xin COVID-19 được phê chuẩn.

HOÀNG DUY LONG
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên