21/09/2012 09:35 GMT+7

Oan cho dân

 LÊ KIÊN
 LÊ KIÊN

TT - “Dân không bao giờ muốn bỏ tiền nhà đi đút lót, vì các ông đòi ăn nên dân mới phải đút”. Phó chủ tịch Quốc hội Huỳnh Ngọc Sơn đã lên tiếng như vậy khi báo cáo của Chính phủ về công tác phòng chống tham nhũng năm 2012 nhận định: “Một bộ phận không nhỏ doanh nghiệp, người dân chưa có hành động quyết liệt trong việc đấu tranh với các biểu hiện tiêu cực, tham nhũng, ngược lại còn đồng tình, tiếp tay cho hành vi tiêu cực, tham nhũng để giành được lợi thế trong kinh doanh hoặc được “ưu tiên” giải quyết công việc”.

Chắc rằng những người dân và doanh nghiệp thấp cổ bé họng từng buộc lòng rút hầu bao chi cho tham nhũng sẽ thầm cảm ơn ông Sơn đã nói hộ những ẩn ức bấy lâu trong lòng mình: “Không nên nhận định người dân tiếp tay cho tham nhũng, sẵn sàng bôi trơn. Chỉ vì các ông tham nhũng buộc người dân đưa hối lộ thì người dân mới đưa cho ông”. Ông Sơn nói đúng. Không thể nhận xét “một bộ phận không nhỏ” người dân phải chi tiền cho tham nhũng rằng họ “sẵn sàng” đưa tiền để giành lợi lộc cho mình, khi mà trước mặt họ là những người nhũng nhiễu, gạ gẫm “đòi ăn”.

Báo cáo của Chính phủ nêu con số trong vòng một năm qua chỉ có 18 cá nhân và tập thể nộp lại quà tặng với số tiền 362 triệu đồng. Chính Tổng Thanh tra Chính phủ Huỳnh Phong Tranh cũng khẳng định “số trường hợp nộp lại quà tặng là cá biệt, không phản ánh đúng thực trạng hiện nay. Hiện tượng lợi dụng dịp lễ, tết và những phong tục, tập quán để biếu xén vẫn diễn ra khá phổ biến nhưng chưa có biện pháp hiệu quả để ngăn chặn”.

Quan thanh liêm thì làm gì có dân đút lót. Chỉ khi những người giữ chức trách trong bộ máy công quyền “sẵn sàng nhận” thì mới có những người dân buộc phải “sẵn sàng chi” để được việc, bởi nếu không chi thì nhiều khả năng công việc sẽ ách tắc, sẽ bị hành lên hành xuống. Trong các quan hệ xã hội, xin đừng đổ tội cho người yếu thế.

Một khi đã đưa tiền cho quan tham rồi, ức thì ức thật nhưng làm sao dám nói ra, càng không dám tố cáo. Bởi nói ra thì lộ. Lộ thì có thể lại gặp chuyện chẳng lành ở cửa quan. Mà tố cáo người nhận hối lộ thì cũng đồng nghĩa với tố cáo chính mình - người đưa hối lộ, bị khởi tố như chơi, bởi pháp luật hiện hành quy định kẻ đưa và người nhận có tội như nhau. Chưa nhiều lắm người tố cáo tham nhũng “gặp may” như các ông Hồ Tấn Phương (chủ xe chở gỗ) và Nguyễn Xuân Tình (lái xe) - các nhân vật từng được Tuổi Trẻ phản ánh trong vụ việc liên quan đến một số ít cảnh sát giao thông Thanh Hóa bị cáo buộc ăn hối lộ. Cuối tháng 6-2012, cơ quan điều tra ra văn bản cho rằng hành vi của ông Phương, ông Tình đủ dấu hiệu của tội “đưa hối lộ” theo điều 289 Bộ luật hình sự. Tuy nhiên, ông Tình, ông Phương đã tích cực hợp tác, chủ động tố cáo lên các phương tiện thông tin đại chúng, có đơn tố giác và phối hợp với cơ quan điều tra làm sáng tỏ việc đòi và nhận hối lộ của một số ít cảnh sát giao thông Thanh Hóa, nên cơ quan điều tra không xem xét trách nhiệm hình sự của các ông.

Mới đây, phát biểu tại cuộc hội thảo của Viện Nghiên cứu lập pháp về sửa đổi Luật phòng chống tham nhũng, Phó tổng Thanh tra Chính phủ Trần Đức Lượng cũng thừa nhận: “Thực tế hiện nay có những trường hợp đưa hối lộ do bị gợi ý, ép buộc nhưng vì sợ ảnh hưởng đến công việc, quyền lợi của mình nên buộc phải chấp nhận. Tuy nhiên, nếu sau đó người đưa hối lộ tố cáo thì lại có thể bị truy tố vì tội đưa hối lộ. Quy định hiện hành thực chất đặt người đưa hối lộ và nhận hối lộ vào thế “cùng thuyền”. Ông Lượng kiến nghị “bổ sung quy định xem xét giảm nhẹ trách nhiệm pháp lý đối với người đã đưa hối lộ do bị ép buộc nhưng chủ động khai báo” vào dự luật sửa đổi lần này.

Hi vọng rằng kiến nghị của ông Lượng tới đây sẽ được Quốc hội chấp thuận thành một trong những điều khoản của Luật phòng chống tham nhũng để người dân không bị đẩy vào thế “cùng thuyền” với tham nhũng, để người dân có thể tự minh oan cho mình trước khi phải cậy nhờ những đại biểu Quốc hội thẳng thắn như ông Sơn.

 LÊ KIÊN
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên