Biên kịch Khánh Dương - thành viên sáng lập Cộng đồng truyện tranh VN (Comicola) - vừa từ Hàn Quốc trở về, cùng họa sĩ Thành Phong dành cho Tuổi Trẻ cuộc trò chuyện cởi mở về những trăn trở với truyện tranh VN đương đại.
Thành Phong và Khánh Dương - Ảnh: P.Chinh
Xu hướng mới: webtoon
* Tham dự Global Webtoon Festival lần thứ nhất tại Hàn Quốc vừa rồi, anh có thêm những câu chuyện thú vị nào về nền công nghiệp truyện tranh ở xứ sở kim chi?
- Khánh Dương: Global Webtoon Festival là sự kiện nhằm mong muốn khởi đầu cho những lễ hội truyện tranh tầm cỡ thế giới. Họ không giấu tham vọng sẽ tổ chức Webtoon Festival tầm cỡ như các sự kiện Liên hoan phim Busan hay đại hội Game G-Star...
Đến đây tôi không khỏi choáng ngợp trước sự đầu tư "khủng khiếp" của nước bạn cho truyện tranh. Các họa sĩ được thỏa sức sáng tạo các tác phẩm webtoon (truyện tranh trên website, bao gồm cả hình động và âm thanh) của họ.
Người Hàn đã sẵn sàng với kỷ nguyên webtoon. Ông thị trưởng thành phố Busan nhấn mạnh: webtoon do người Hàn Quốc phát minh sẽ là tương lai của truyện tranh thế giới và Hàn Quốc sẽ dẫn đầu xu hướng này.
Tôi đưa các bạn xem một vài bộ truyện tranh VN của Thành Phong, Can Tiểu Hy... Các họa sĩ bạn đều công nhận chất lượng không thua gì truyện Hàn Quốc.
Tôi còn bất ngờ bởi một họa sĩ webtoon tốp đầu Hàn Quốc mỗi năm có thể bán truyện hàng triệu USD - con số mà chắc không họa sĩ truyện tranh VN nào dám nghĩ đến.
* Long thần tướng sẽ được dịch và xuất bản tại Tây Ban Nha có thể coi là tín hiệu mở ra hi vọng truyện tranh VN "xuất ngoại" nhiều hơn?
- Khánh Dương: Khi Nhà xuất bản Amok mua bản quyền xuất bản Long thần tướng tại Tây Ban Nha, tôi và Thành Phong đều coi đó là giao dịch mua bán bản quyền bình thường.
Nhưng bất ngờ sau đó mọi người quan tâm hơn và lượng đặt mua Long thần tướng tăng vọt. Cuối năm nay chúng tôi sẽ hoàn chỉnh bản tiếng Anh của Long thần tướng để xuất bản điện tử hoặc sách giấy ra nước ngoài.
- Thành Phong: Chúng tôi muốn nhìn rõ xem sách đi được đến đâu trước khi nói về nó. Long thần tướng lại là câu chuyện đặc thù không có tính phổ quát vì dựa trên lịch sử VN. Chúng tôi tự tin về chất lượng tác phẩm nhưng ra thị trường nước ngoài có thể thành công hay không thì cần thời gian trả lời.
Họa sĩ Bùi Đình Thăng (Thăng Fly): Ngày càng rộng mở
Truyện tranh VN đã và đang "xuất ngoại" rồi. Webtoon và dịch sách là hai con đường "xuất ngoại" rõ ràng nhất.
Nhưng những truyện tranh VN "xuất ngoại" cũng chỉ góp vài đầu sách vào hàng triệu đầu truyện của thế giới thôi. Còn sách giấy thì số lượng dịch từ truyện tranh VN mới chỉ có một vài cuốn.
Hình thức xuất bản trên Facebook bây giờ là con đường ngắn và tiện lợi nhất. Tiếc là chưa có trang Facebook truyện tranh nào lớn vẽ bằng tiếng Anh.
Tôi thấy các họa sĩ truyện tranh Việt ngày càng giỏi tiếng Anh, đồng thời hình thức đọc trên Internet ngày càng mạnh đã xóa đi nhiều rào cản và đem lại nhiều cơ hội cho mọi họa sĩ. Nên thời gian tới con đường "xuất ngoại" của truyện tranh sẽ càng rộng mở hơn.
Những rào cản
* Ngược thời gian, năm 2011, cuốn truyện tranh Sát thủ đầu mưng mủ của họa sĩ Thành Phong ra mắt đã gây ra những ý kiến tranh cãi trái chiều gay gắt và bị thu hồi. Tâm trạng của anh khi đó ra sao?
- Thành Phong: Mọi người quen xem những nội dung như Sát thủ đầu mưng mủ trên mạng. Nhưng nhiều người quan niệm sách giấy là gì đó rất thiêng liêng, trong khi đó cũng chỉ là một phương tiện để truyền tải nội dung. Vậy nên người ta nghĩ tôi làm những thứ "nhố nhăng" mà lại được in thì sẽ có phản ứng trái chiều.
Nhưng đến nay, khi có độ lùi thời gian nhìn lại thì thấy câu chuyện không có gì nghiêm trọng. Đó cũng chỉ là cuốn sách vui, mang tính giải trí.
Tôi rất thích nó bởi muốn thử nghiệm phong cách truyện tranh mới mà trước đó không cuốn sách nào có nội dung như thế được xuất bản. Đó cũng là sự tìm tòi mà tôi được đào sâu trong trò chơi ngôn từ.
* Theo các bạn, các họa sĩ truyện tranh VN hiện gặp những khó khăn nào khi đưa tác phẩm đến với người đọc?
- Thành Phong: Đây là thời điểm khá thuận lợi cho những người làm truyện tranh.
Thị trường truyện tranh truyền thống đã có sự cởi mở hơn, có những người đầu tư vào truyện tranh, nhiều công ty truyện tranh, nhiều dự án gây quỹ cộng đồng... cho các họa sĩ nhiều lựa chọn. Hoặc họ có thể làm truyện tranh webtoon trên mạng.
Nguyễn Khánh Dương (31 tuổi) là tác giả kịch bản cũng như là nhà sản xuất của bộ truyện tranh Long thần tướng. Sau sự thành công của dự án gây quỹ cộng đồng cuốn truyện tranh Long thần tướng tập 1, anh sáng lập ra Comicola - Cộng đồng truyện tranh Việt Nam, và sử dụng mô hình gây quỹ cộng đồng để xuất bản các cuốn truyện tranh của họa sĩ trẻ người Việt.
Thành Phong trong 10 năm hoạt động ở lĩnh vực truyện tranh đã đạt được nhiều giải thưởng lớn trong và ngoài nước, trong đó có giải thưởng cao nhất hạng mục truyện tranh tại Cuộc thi truyện tranh và hoạt họa trẻ châu Á năm 2011. Những tác phẩm truyện tranh gây tiếng vang của Thành Phong là Sát thủ đầu mưng mủ, Nghĩ trước khi bấm còi, Hà Nội thành phố của tôi, Long thần tướng...
Năm 2016, truyện tranh Long thần tướng (tập 1) của VN được trao giải bạc cuộc thi International Manga Award lần thứ 9 do Bộ Ngoại giao Nhật Bản tổ chức.
Nhưng vẫn còn đó những khó khăn bấy lâu nay là nếu muốn xuất bản truyện tranh sách giấy thì phải qua khâu biên tập của các nhà xuất bản.
Nhiều khi việc biên tập không theo quy chế nào mà phụ thuộc nhiều vào cảm tính của biên tập viên.
Đôi khi chỉ là một vài câu nói hoặc từ ngữ, có người thấy không có vấn đề gì, có người lại thấy như vậy là bạo lực quá, sexy quá hoặc không đúng với thuần phong mỹ tục...
Bây giờ ngoài truyện tranh, mọi người còn có nhiều phương tiện giải trí sinh động hơn như trò chơi điện tử, điện ảnh...
Trong khi xu thế truyện tranh thế giới đang chuyển từ giấy sang điện tử hoặc xem trên các thiết bị di động.
- Khánh Dương: Khó khăn đầu tiên là giá bán truyện tranh VN khi ra thị trường thường cao hơn truyện tranh nước ngoài nhập về. Mỗi cuốn truyện tranh Nhật như Conan, Doraemon... giá chỉ 20.000-25.000 đồng.
Nhưng không thể có giá đó với một cuốn truyện tranh VN được, bởi nhiều lý do từ tiền bản quyền, số lượng in, chi phí làm sách...
Tôi vẫn nói vui, nếu Comicola nhập truyện tranh nước ngoài về in thì sẽ "sống khỏe". Còn lựa chọn con đường để cổ vũ các họa sĩ VN sáng tác sẽ khó khăn hơn rất nhiều.
Thay đổi tư duy truyện tranh chỉ dành cho trẻ em
* Truyện tranh VN đang có vị thế ra sao trên sân nhà - thị trường trong nước?
- Thành Phong: Thị phần truyện tranh VN vẫn rất nhỏ bởi thói quen đọc và tiếp cận văn hóa cần thời gian để thay đổi.
Nhưng mọi người đã đón nhận truyện tranh VN cởi mở hơn, số lượng phát hành, số tác phẩm vẫn tăng lên, nhiều họa sĩ truyện tranh có thể tự sống bằng nghề. Nhưng đúng là nếu chỉ trông chờ vào xuất bản truyện tranh bằng sách giấy thì sẽ khá chật vật.
- Khánh Dương: Đa phần các họa sĩ trẻ hiện nay tận dụng tốt khả năng vẽ truyện tranh vào những công việc khác như vẽ quảng cáo cho các nhãn hàng để có thêm thu nhập xoay vòng sáng tác.
* Quan niệm truyện tranh chỉ dành cho trẻ em chứ không phải dành cho người lớn vẫn phổ biến ở VN cũng là thách thức không nhỏ?
- Khánh Dương: Chuyện này chúng tôi đã nói nhiều. Tôi hay kêu ca về tư duy truyện tranh chỉ dành cho trẻ em, bởi đây là lý do được nhiều nhà xuất bản đưa ra để yêu cầu các họa sĩ VN phải sửa chi tiết nào đó vì nhận định cảm tính rằng không phù hợp với trẻ em.
- Thành Phong: Chúng ta cần có nhiều hơn những tác phẩm tạo ra sự kết nối giữa các thế hệ trong việc đọc truyện tranh.
Ở nước ngoài, từ khi còn nhỏ đến khi lớn hay về già, mọi người vẫn đọc truyện tranh vì có những tác phẩm phù hợp theo từng lứa tuổi.
Tuổi nhỏ có thể đọc Naruto, lớn hơn một chút thì có thể đọc Watchmen. Khi thị trường đáp ứng được thì thói quen đọc truyện tranh sẽ được duy trì.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận