14/10/2014 13:53 GMT+7

Ô nhiễm đất: SOS! - Kỳ 2: Chưa kiểm soát độc hại

HOÀNG DUNG
HOÀNG DUNG

TT - Tình trạng ô nhiễm đất đang ở mức rất trầm trọng, song khi đề cập các giải pháp bảo vệ, “chữa bệnh” ngộ độc cho đất thì dường như chưa có gì!

Thời gian qua, công an đã bắt được nhiều chủ doanh nghiệp đem đi chôn lén chất thải rắn nguy hại khiến đất bị ô nhiễm nặng nề bởi hóa chất độc hại, nguy cơ nhiễm ung thư cao - Ảnh: Sơn Bình
Tôi có thể khẳng định tình trạng ô nhiễm đất ở Việt Nam hiện nay là rất nhiều và mối nguy hại của nó đối với môi trường sống, sức khỏe con người rất lớn. Tuy nhiên, do ở dạng khó nhận thấy bằng mắt thường nên ô nhiễm đất dường như không nhận được sự quan tâm của xã hội
Thứ trưởng Bộ Tài nguyên - môi trường Bùi Cách Tuyến

Tiến sĩ Nguyễn Đăng Nghĩa, giám đốc Trung tâm Nghiên cứu đất - phân bón và môi trường phía Nam, nói: “Nói đến ô nhiễm, người ta chỉ nghĩ đến nước, không khí, trong khi hai thứ ô nhiễm này đều đổ về đất gần 100%.

Các số liệu nghiên cứu về ô nhiễm đất hiện nay chỉ dừng lại ở những báo cáo khoa học cũ hoặc những luận văn làm kiểu cho có. Điều này chứng tỏ ô nhiễm đất chẳng được ai quan tâm theo đúng mức độ nghiêm trọng của nó cả. Trong khi còn có những giải pháp cấp bách”.

Ngộ độc rất trầm trọng

Cũng theo tiến sĩ Nghĩa, với tình trạng khí nhà kính đang tăng lên thì mọi nguồn khói bụi được thải ra từ các khu công nghiệp, các loại xe đi đường... đều lơ lửng trong tầng không và chắc chắn sẽ kết hợp với nước mưa, hơi nước để tạo thành mưa axit nồng độ rất cao. Lượng mưa axit đó sẽ rơi xuống và ngấm vào đất, không cách nào khác đất phải chấp nhận chứa những loại chất nguy hại từ không khí.

“Tài nguyên đất đang bị ngộ độc rất trầm trọng. Hiện tượng này thể hiện rất rõ ràng ở tình trạng đất bị nhiễm phèn, nhiễm mặn, nhiễm dioxin. Điều lo lắng là dường như người ta vẫn chưa có sự quan tâm một cách cụ thể đến vấn đề này.

Trong khi ở các nước trên thế giới từ những năm 1970 người ta đã lập nên những quỹ lớn cho việc khắc phục và kiểm soát ô nhiễm đất, thì ở Việt Nam mọi vấn đề liên quan đến tình trạng này lại đang bị làm lơ” - ông Nghĩa nói.

Trả lời Tuổi Trẻ về việc ô nhiễm đất ở Việt Nam đã được quan tâm như thế nào, Thứ trưởng Bộ Tài nguyên - môi trường Bùi Cách Tuyến thẳng thắn thừa nhận: “Tôi có thể khẳng định tình trạng ô nhiễm đất ở Việt Nam hiện nay là rất nhiều và mối nguy hại của nó đối với môi trường sống, sức khỏe con người rất lớn. Tuy nhiên, do ở dạng khó nhận thấy bằng mắt thường nên ô nhiễm đất dường như không nhận được sự quan tâm của xã hội. Có thể nhận định trong tương lai nguy cơ về ô nhiễm đất sẽ phơi bày, kèm theo đó là những rủi ro, tác động do chúng đem lại. Hiện nay các ngành cơ khí, hóa chất, khai khoáng, nông nghiệp, các ngành dịch vụ như khách sạn, sân golf... đang được ưu tiên phát triển nhưng vẫn chưa kiểm soát được những nguy hại về môi trường đất”.

Người dân tự cứu

Trong khi đó, những nông dân ấp Nhựt Thạnh, xã Thạnh Hội, thị xã Tân Uyên, tỉnh Bình Dương đang đi theo con đường trả lại sự cân bằng sinh thái cho đất bằng cách thay vì sử dụng phân bón hóa học để bón cho cây, họ sử dụng các phế phẩm nông nghiệp có sẵn ở đồng ruộng để ủ thành phân vi sinh.

Nông dân Huỳnh Phi Phụng hơn hai năm nay sử dụng phân vi sinh để trồng cây cho biết: “Hồi trước cứ mua phân hóa học về bón thí cho cây, bón riết thì cây cũng lớn, cũng xanh nhưng đất đai cứ chai cứng, bạc màu dần đi”.

Theo anh Phụng, với 1 công đất trồng rau, từ ngày anh bón phân vi sinh thay cho phân hóa học thì thời gian thu hoạch kéo dài thêm 2-3 tháng, năng suất rau quả cũng cao hơn nhiều. Đặc biệt, khi bón phân vi sinh cho đất thì lượng phân năm sau bón cho đất sẽ giảm dần vì đất sẽ trở nên mùn, xốp và giàu chất dinh dưỡng hơn chứ không phải như bón phân hóa học.

Đến nay, không chỉ có gia đình anh Phụng mà còn rất nhiều bà con nông dân ở xã Thạnh Hội bắt đầu áp dụng phương pháp bón phân vi sinh khi trồng cây.

Ông Cao Hoàng Minh - chủ tịch Hội nông dân xã Thạnh Hội - cho biết: “Nhiều bà con ở đây còn hiểu rất rõ chuyện đất bị ô nhiễm phân bón, thuốc trừ sâu sẽ ảnh hưởng đến sức khỏe của mình như thế nào. Điều chúng tôi lo lắng là đến nay vẫn chưa tìm được loại thuốc trừ sâu nào ít gây hại cho môi trường và sức khỏe con người. Cứ bước ra tiệm thuốc bảo vệ thực vật là thấy đủ chủng loại thuốc ngoài danh mục bán với giá rẻ như bèo thì làm sao nghĩ cho đặng... Chúng tôi mong sao có được sự quy định, quản lý chặt chẽ từ các ngành chức năng để nông dân chúng tôi cũng có thể góp phần mình vào việc bảo vệ môi trường đất”.

 

HOÀNG DUNG
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên