Một xáng cạp đang lấy cát dưới sông Tiền đưa lên sà lan bên bờ An Giang - Ảnh: BỬU ĐẤU
Hoạt động khai thác cát sông Tiền và sông Hậu lúc nào cũng tấp nập nhưng cung vẫn không đủ cầu.
Chính quyền lẫn doanh nghiệp đều than vãn
Sôi động nhất là đoạn sông Tiền giáp giữa thị xã Tân Châu, An Giang với huyện Hồng Ngự, Đồng Tháp. Cả trăm sà lan neo đậu khắp nơi để "chờ tài". Ngã ba sông Tiền giáp Campuchia thì lúc nào xáng cạp cũng liên tục cạp cát đưa lên các sà lan chờ sẵn.
Trên sông Hậu - ranh giới giữa thị trấn Vĩnh Thạnh Trung, huyện Châu Phú với xã Phú Bình, huyện Phú Tân, An Giang - có 2 xáng cạp liên tục cạp cát giữa trưa nắng để giao cho các sà lan neo đậu gần đó.
Hàng chục sà lan neo đậu từ ngã ba sông Tiền xuôi về hạ lưu huyện Hồng Ngự, tỉnh Đồng Tháp để chờ lấy cát - Ảnh: BỬU ĐẤU
Ông L. - chủ một doanh nghiệp chuyên ngành xây dựng cầu đường tại An Giang - cho biết hiện nay giá cát đang tăng mạnh, nhiều công trình xây dựng "điêu đứng" vì giá cát, sắt, đá. Nguyên nhân chính do nhiều doanh nghiệp khai thác cát đột ngột giảm sản lượng khai thác nhiều tháng qua.
"Có tiền mua vàng còn nhanh hơn rất nhiều so với mua cát. Bây giờ các doanh nghiệp xây dựng hay làm công trình đang chạy đôn chạy đáo tìm nguồn cát. Vì muốn mua cát phải chờ đợi rất lâu nên ảnh hưởng đến công trình dữ lắm.
Nhiều năm qua, chúng tôi làm ăn với doanh nghiệp khai thác cát ở Đồng Tháp ổn định nhưng giờ bên kia dừng lại và hạn chế sản lượng rất nhiều nên chúng tôi chưng hửng, không biết tìm nguồn ở đâu", ông L. giải thích.
Lãnh đạo Công ty cổ phần Xây lắp An Giang cho biết đơn vị có 2 mỏ được cấp phép gồm mỏ cát trên sông Tiền, xã Vĩnh Xương, thị xã Tân Châu và mỏ cát ở khu vực xã Mỹ Hòa Hưng, TP Long Xuyên.
Tuy nhiên, mỏ cát ở khu vực xã Mỹ Hòa Hưng đã hết hạn. Đơn vị đang xin phép gia hạn nhưng chưa được UBND tỉnh An Giang cấp phép.
"Chúng tôi chỉ còn 1 mỏ khai thác cát ở sông Tiền với trữ lượng 380.000 khối cát/năm. Do đó, chúng tôi chỉ ưu tiên nguồn cát tập trung cho các công trình trọng điểm của tỉnh, nếu tỉnh có yêu cầu. Còn lại bán ra thị trường với số lượng rất ít. Cát đang khan hiếm nên các doanh nghiệp xây dựng mua cát rất khó khăn là phải", lãnh đạo Công ty cổ phần Xây lắp An Giang nói.
Nhiều mỏ cát giảm khai thác
Ông Vũ Văn Bình - trưởng Phòng Quản lý khai thác cát thuộc Công ty cổ phần Xây lắp và vật liệu xây dựng Đồng Tháp - cho hay đơn vị có 16 giấy phép khai thác cát tại sông Tiền và sông Hậu với trữ lượng khai thác khoảng 6 triệu khối cát (năm 2021 và năm 2022).
Hiện có 5 giấy phép bị hết hạn do chưa đủ điều kiện cấp phép gia hạn nên ảnh hưởng rất lớn đối với số lượng cát phục vụ các công trình dự án.
Hai xáng cạp đưa cát lên 2 sà lan trên đoạn sông Hậu, khu vực giáp ranh giữa xã Phú Bình, huyện Phú Tân với thị trấn Vĩnh Thạnh Trung, huyện Châu Phú, An Giang - Ảnh: BỬU ĐẤU
"Mới đây, Sở Xây dựng tỉnh Đồng Tháp gửi thông báo cho đơn vị là nhu cầu hơn 3 triệu khối cát trong năm 2022 nhưng hiện nay chúng tôi chỉ còn khoảng 500.000 khối cát.
Nếu UBND tỉnh Đồng Tháp cấp phép gia hạn sớm thì chúng tôi có thêm 2 triệu khối cát nữa để đảm bảo tiến độ thi công các công trình trọng điểm. Cát phục vụ trong các công trình không đủ nên khó bán ra ngoài", ông Bình nói thêm.
Ông Trần Trí Quang - phó chủ tịch UBND tỉnh Đồng Tháp - cho biết các công trình đầu tư công của tỉnh Đồng Tháp và các công trình trọng điểm của trung ương đã và đang triển khai thi công đồng loạt trong 2 năm đầu giai đoạn 2021-2025.
Nhưng sản lượng khai thác cát của tỉnh có hạn và đã giảm khai thác qua từng năm, do đó có tình trạng khan hiếm cát cục bộ xảy ra một số thời điểm.
Hiện nay khả năng khai thác của tỉnh không đủ đáp ứng nhu cầu cát cho các công trình của tỉnh, tỉnh đã chỉ đạo các ngành chuyên môn nghiên cứu các giải pháp nhằm giải quyết vấn đề thiếu hụt nguồn cát.
"Trong năm 2021-2022, dù nguồn cung ứng cát trong tỉnh rất khan hiếm nhưng Đồng Tháp cũng ưu tiên cung ứng đầy đủ cho công trình trọng điểm của trung ương, đoạn qua địa bàn tỉnh Đồng Tháp. Riêng dự án cao tốc Mỹ Thuận - Cần Thơ với tổng khối lượng cát cung ứng ưu tiên 1.227.000m3" - ông Quang nói.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận