11/01/2018 10:40 GMT+7

Ở đây có nắng, Khi con là nhà: chỉ dấu vui cho dòng phim phụ tử

VŨ ÁNH DƯƠNG
VŨ ÁNH DƯƠNG

TTO - Không hẹn mà ở cả Khi con là nhà và Ở đây có nắng - một phim khép lại năm 2017 và một phim mở màn thị trường phim Việt Nam năm 2018, người lớn đều được tiếp sức, trưởng thành từ chính con trẻ.

Ở đây có nắng, Khi con là nhà: chỉ dấu vui cho dòng phim phụ tử - Ảnh 1.

Gia Bảo (vai cu Bin - Phan Nhân) và Ngân Chi (vai Vui) trong phim Ở đây có nắng - Ảnh: Hồng Hạc Media

Con cái là của để dành, là lộc trời cho... và con cái cũng có thể đến như tai họa. "Con cái đến như tai họa" là tình huống khởi điểm câu chuyện phim Ở đây có nắng

Ngoài cánh cửa ngôi nhà sang trọng của ngôi sao MC Tùng Nhân (Quý Bình) là đứa trẻ bơ vơ - cu Bin (Gia Bảo). 

Thằng bé mặt tuấn tú hớn hở trong tay người giúp việc (Lê China), được bà mẹ khốn khổ (Anh Thơ) vừa bị bắt giam giao phó với ánh mắt van nài, lời lẽ khẩn thiết, thư tay cầu cứu, xác nhận đó là con trai của Tùng Nhân - kết quả của mối tình xa lắc lơ mà anh chưa từng biết tồn tại trên đời. 

Sau lưng anh, người yêu xinh tươi (Quỳnh Chi), gã quản lý chân tình (Trương Thanh Long) như ruột thịt và cả sự nghiệp đang đỉnh vinh quang dễ bề đổ sập vì cái xìcăngđan trước mặt kia. 

Hành trình vượt thoát khỏi biến cố kia, từ gạt bỏ đến chấp nhận và yêu thương cu Bin của Tùng Nhân làm bật ra một ý niệm thơ: con cái đến trước, cha mẹ đến sau. Con cái làm ra cha mẹ.

Trailer phim Ở đây có nắng

Hai thế giới song trùng

Đóng góp không nhỏ cho sự quyến rũ của thế giới trẻ con trong phim là sự hiện diện tươi mát của hai diễn viên nhỏ tuổi Gia Bảo và Ngân Chi (vai Vui).

Bằng cảm xúc tự nhiên, các em đã không phải cất công chăm chút "từng mẩu nhỏ diễn xuất" theo kiểu kỹ thuật của người lớn, mà lí lắc say mê trọn vẹn trong câu chuyện của mình.

Ánh mắt của các em có lẽ chính là nắng ở trong phim.

Điểm thú vị nhất trong chuyện phim của nhà biên kịch Việt Linh là hai thế giới song trùng: thế giới người lớn của người lớn, thế giới trẻ con của trẻ con. 

Thế giới người lớn với bi kịch tình yêu, toan tính công danh, mệt nhoài mưu sinh đã bị hạ gục trước thế giới trẻ con hây má đỏ, dịu dàng trong trẻo và đôi khi sớm lo toan vì chính người lớn, cho người lớn. 

"Sống dễ lắm! Cứ nhìn vào mắt bọn trẻ con mà sống" (Sống dễ lắm, Nguyễn Huy Thiệp). Một lần nữa, người lớn trong Ở đây có nắng được "lớn lên" bằng việc quan tâm, chiêm ngưỡng, yêu thương trẻ con.

Điều làm cho Ở đây có nắng chưa thực sự mạnh về nghệ thuật kể chuyện chính là việc khán giả bị no thông tin mà thiếu trải nghiệm. 

Trước hết là hệ thống nhân vật phụ dư thừa, như tuyến cô giúp việc Thắm và kèm với gia đình, bạn đồng nghiệp của cô làm câu chuyện giảm trừ sự tập trung, ý hướng. Sau là hệ thống các phân đoạn phim được xây dựng chủ yếu là đối thoại. 

Với sức sáng tạo dồi dào, nhà biên kịch Việt Linh đã đưa vào "khu vực nói năng" của phim nhiều câu thoại sắc sảo, hóm hỉnh, thậm chí nhiều câu mang chiều sâu triết lý sống. 

Tuy nhiên, đặt vào bản chất tức thời của tình huống hội thoại, khẩu khí - tính cách của nhân vật, nói năng như vậy làm các nhân vật trở nên giống nhau, làm khán giả mất đi cơ hội suy nghiệm trước những gì họ theo dõi. 

Đối thoại trong Ở đây có nắng đôi chỗ còn tiêu trừ cảm xúc của người xem khi sa vào giải thích sự kiện, giải thích tâm lý.

Thứ ba là các cảnh hành động trong phim hầu như là hệ thống cảnh tỉnh lược. Ví dụ như mối quan hệ của cha con Tùng Nhân và cu Bin nếu được thể hiện trong một tình huống cụ thể, được cấu trúc kịch tính chi tiết sẽ thuyết phục hơn là những cảnh tỉnh lược thường tình.

Làm phim đầu tay, đạo diễn Đỗ Nam chưa thực sự để lại dấu ấn cá nhân trong cách dàn dựng, thậm chí nhiều cách xử lý tình huống còn trùng lặp, như các nhân vật bộc lộ tâm lý chỉ xoay quanh chuyện uống rượu, giải quyết xung đột của Tùng Nhân với người yêu hay với cu Bin đều trong cơn mưa... 

Tuy nhiên, anh đã kiểm soát được nhịp điệu phim khá tốt.

Ở đây có nắng, Khi con là nhà: chỉ dấu vui cho dòng phim phụ tử - Ảnh 4.

Quý Bình và bé Gia Bảo trong Ở đây có nắng

Chờ đợi thêm ở dòng phim gia đình

Một cái kết phim hiệu quả bao giờ cũng là kết quả của sự dụng công chăm chút từ mọi cảnh phim trước đó. Một cái kết tốt sẽ vừa đẩy cảm xúc khán giả lên đỉnh điểm vừa tạo ra ý nghĩa vấn vương cho phim, điều này không nhiều bộ phim Việt Nam làm được. 

Với cái kết Ở đây có nắng, qua việc hé lộ một bí mật và khai thác ứng xử trước bí mật, người làm phim mong tạo ra một ý nghĩa sâu sắc hơn những gì nó chuyên chở từ đầu phim. 

Tuy nhiên, bí mật hé lộ đã làm khán giả lạc lối khi kịch tính của phim không còn rơi vào nhân vật họ trót quan tâm. 

Trong khi đó, ở bộ phim Khi con là nhà của đạo diễn Vũ Ngọc Đãng cũng với đề tài về hành trình cha con, nhà làm phim đã tạo ra quá nhiều điểm nổ cảm xúc, chủ yếu là bi lụy suốt đường dây câu chuyện, nên khán giả chẳng còn mấy mặn mà để được vỡ òa một lần nữa ở đoạn kết.

Trailer phim Khi con là nhà

Dù còn ít nhiều nhược điểm, trong thị trường phim ngày càng đa dạng đề tài, hai bộ phim về tình phụ tử gần đây như Khi con là nhàỞ đây có nắng vẫn là một chỉ dấu vui cho dòng phim dành cho gia đình, cũng như sự thay đổi trong cái nhìn về (phim) thiếu nhi. 

Đó là những phim mà người lớn có thể lách mình ra khỏi những bận rộn cuối năm, dắt tay thiếu nhi đến rạp, để rồi ra về nhìn thật thơm tho gương mặt trẻ thơ, không ngại trả lời muôn vạn câu hỏi tinh khôi con trẻ giao cho thế giới người lớn.

VŨ ÁNH DƯƠNG
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên