Liên quan đến việc nuôi chó, đặc biệt là chó dữ, nhiều quốc gia đã ban hành nhiều quy định chặt chẽ liên quan.
Nuôi chó cũng phải học
Chó là loài vật nuôi thông minh, trung thành và có nhiều ích lợi cho con người. Tuy nhiên, nuôi chó đã không còn gói gọn trong quyền cá nhân nữa mà còn gắn liền với trách nhiệm với cộng đồng xung quanh.
Điều này được minh chứng thông qua những quy định rõ ràng về quản lý nuôi chó của các nước trên thế giới.
Những biện pháp quản lý không chỉ giúp bảo vệ sự an toàn của cộng đồng và giảm thiểu rủi ro do các con vật nguy hiểm gây ra, mà còn góp phần nâng cao sự hài lòng và hạnh phúc của các con vật và các chủ nuôi.
Các nghiên cứu đã chỉ ra rằng việc huấn luyện chó có thể cải thiện sự liên kết giữa con người và con vật, giảm thiểu căng thẳng cho cả hai bên và tăng khả năng thích nghi của con vật trong xã hội.
Chuyên gia huấn luyện chó Tony Knight từng phát biểu trên Đài ABC của Úc rằng: "Tôi thường nói rằng nuôi chó cũng giống như khi bạn có một chiếc ô tô. Bạn phải học cách lái".
Hồi tháng 2 năm nay, một tác giả đề xuất trên trang The Conversation rằng nước Anh nên áp dụng việc đào tạo cho người nuôi chó, nhằm đảm bảo họ nắm vững kiến thức và kỹ năng cần thiết để nuôi dạy thú cưng một cách an toàn và hiệu quả. Việc này cũng được cho là sẽ mang lại lợi ích cho cả con người và con vật.
Thụy Sĩ là nước đã từng thí điểm phương án này vào năm 2008. Khi đó, bất kỳ ai mua hoặc nhận nuôi một con chó mới đều phải tham gia một khóa học thực hành kéo dài 4 giờ về huấn luyện chó vâng lời. Ngoài ra, họ cũng phải học một lớp lý thuyết dài 1 giờ.
Luật này được đề xuất sau vụ ba con chó Pitbull tấn công làm chết một cậu bé 6 tuổi ở Zurich vào năm 2005. Thời điểm đó đã có những lời kêu gọi cấm giống chó này.
Tuy nhiên, thời gian trôi qua, vụ việc nguội đi, dẫn đến sự ra đời của khóa học thay vì lệnh cấm các giống chó dữ.
Theo Đài Swissinfo, báo cáo sau này của chính phủ cho thấy khóa học nói trên không có tác động lớn ở một quốc gia có hơn 500.000 con chó.
Cụ thể, số lượng các vụ bị chó cắn không thuyên giảm và không có khác biệt đáng kể về cách ứng xử giữa những người tham gia khóa học và người không tham gia.
Do đó, kể từ sau năm 2017, người Thụy Sĩ không còn phải tham gia các khóa học bắt buộc về nuôi dạy chó. Nhưng đó vẫn là luật liên bang, còn các bang của Thụy Sĩ vẫn có quyền ban hành các quy định riêng về chó.
Chẳng hạn, một số bang quy định rõ giống chó nào mà họ cho là "nguy hiểm" và họ yêu cầu chủ sở hữu của các giống chó này, như Pitbull, phải tham gia lớp học 72 giờ cùng với chó của họ để học cách huấn luyện.
Chủ nuôi có thể bị phạt tù
Nhiều quốc gia cũng ban hành quy định chặt chẽ về việc nuôi chó. Tại Đức, người nuôi chó phải có giấy phép nuôi chó và trả thuế nuôi chó hằng năm. Người nuôi chó cũng phải tuân thủ các quy tắc về việc rọ mõm cho chó khi ra công cộng, nhặt phân của chó sau khi đi dạo và không để chó sủa ồn ào trong giờ nghỉ ngơi.
Đồng thời, người nuôi chó cũng phải có bảo hiểm trách nhiệm dân sự cho trường hợp chó gây hại cho người hoặc tài sản của người khác.
Tại Singapore, người dân chỉ được phép nuôi một số giống chó nhất định và phải tuân thủ các điều kiện về diện tích nhà ở, số lượng chó nuôi, việc đeo vòng cổ và dây xích khi ra ngoài.
Ngoài ra, người nuôi chó cũng thanh toán các khoản phí liên quan đến việc đăng ký, tiêm phòng và kiểm soát sinh sản cho chó.
Việc nuôi chó cần được thực hiện một cách có ý thức, tuân thủ các quy định của pháp luật và tôn trọng quyền lợi của người khác. Để làm được điều này, không chỉ cần sự vào cuộc của các cơ quan quản lý, cụ thể là các quy định rõ ràng trong việc nuôi và chế tài nếu cần thiết.
Ở nước Anh, người nuôi chó có thể bị phạt tiền không giới hạn hoặc phạt tù tới 6 tháng (hoặc cả hai) nếu để chó nuôi mất kiểm soát, gây ảnh hưởng tới người khác.
Chủ nuôi cũng có thể không được phép sở hữu chó trong tương lai và chó nguy hiểm có thể bị tiêu hủy.
Nếu để chó của mình làm bị thương người khác, chủ nuôi có thể bị phạt tù tới 5 năm hoặc bị phạt tiền (hoặc cả hai). Nếu cố tình dùng chó để làm bị thương người khác, chủ nuôi có thể bị buộc tội "cố ý gây thương tích".
Trường hợp tệ nhất nếu để chó của mình hại chết người, chủ nuôi có thể bị phạt tù tới 14 năm hoặc phạt tiền không giới hạn (hoặc cả hai).
Nếu xét riêng về việc quản lý giống chó được cho là nguy hiểm, phương án thường thấy ở các nước là quy định rõ thế nào là giống chó nguy hiểm và cấp giấy phép sở hữu.
Ở Singapore, Úc hay xa hơn là Tây Ban Nha đều quy định bất kỳ ai muốn sở hữu các giống chó được xếp loại nguy hiểm như Pitbull, Rottweiler, Staffordshire hay Bull Terrier sẽ cần phải có giấy phép đăng ký với chính quyền địa phương. Điều kiện để cấp giấy phép thì mỗi nơi mỗi khác.
Theo trang banpitbulls.org, tính đến nay đã có 41 quốc gia ban hành lệnh cấm nuôi chó Pitbull hoặc ban hành các điều kiện nghiêm ngặt về việc sở hữu và nhập khẩu loài chó dữ này.
Cần có quy định hạn chế nuôi chó dữ
Theo luật sư Lê Văn Hoan (Đoàn luật sư TP.HCM), điều 66 Luật Chăn nuôi năm 2018 quy định khi nuôi chó, chủ vật nuôi phải thực hiện các yêu cầu như thực hiện tiêm vắc xin phòng bệnh dại, phải có biện pháp bảo đảm an toàn cho người và vật nuôi khác, giữ gìn vệ sinh môi trường, bảo đảm điều kiện vệ sinh thú y.
Trường hợp chó, mèo tấn công, gây thiệt hại thì phải bồi thường thiệt hại theo quy định của pháp luật. Về việc quản lý vật nuôi là chó, phụ lục 15, thông tư 07/2016 (được sửa đổi, bổ sung bởi thông tư 09/2021) của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cũng đã quy định rõ chủ chó phải đăng ký việc nuôi chó với UBND cấp xã tại các đô thị, nơi đông dân cư.
Chủ chó phải xích, nhốt hoặc giữ chó trong khuôn viên gia đình; bảo đảm vệ sinh môi trường, không ảnh hưởng xấu tới người xung quanh. Khi đưa chó ra nơi công cộng phải bảo đảm an toàn bằng cách đeo rọ mõm cho chó hoặc xích giữ chó và có người dắt.
Mặc dù quy định là vậy, nhưng có lẽ pháp luật vẫn chưa theo kịp sự phát triển của xã hội. Việc gia đình, cá nhân nuôi chó, nhưng không phải loại chó nào cũng hiền và mức độ nguy hiểm là khác nhau, tuy nhiên pháp luật chưa có sự phân biệt về tiêu chí liên quan đến mức độ nguy hiểm của các loại vật nuôi, trong đó có chó.
Với tình trạng nguy hiểm của một số loại chó như Pitbull thì chúng ta cần có chính sách hạn chế nuôi, hoặc quy định điều kiện cụ thể đối với việc nuôi loại chó này nhằm hạn chế việc gây nguy hại đến con người, tránh tình trạng đáng tiếc có thể xảy ra như trong thời gian vừa qua.
TUYẾT MAI
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận