Ông A Tróa (ở thôn Long Ri, xã Xốp, huyện Đắk Glei, Kon Tum) bị lôi kéo, dụ dỗ bỏ hàng chục triệu đồng mua nồi cơm điện, máy lọc nước ozon của Công ty Thiên Ngọc Minh Uy - Ảnh: B.D. |
Tuổi Trẻ giới thiệu ý kiến của hai người nước ngoài, đại diện cho công ty nước ngoài bán hàng đa cấp tại VN.
* Bà Evita Singson (chủ tịch Điều hành Nu Skin VN):
Phải chế tài mạnh mẽ
Đến nay sau ba năm Nu Skin vào thị trường VN, dư luận không mấy thiện cảm với các doanh nghiệp bán hàng đa cấp (còn gọi là bán hàng trực tiếp). Đó là thiệt thòi lớn cho các doanh nghiệp kinh doanh đa cấp hoặc bán hàng trực tiếp chân chính.
Tuy nhiên các định kiến xã hội đối với mô hình kinh doanh này vẫn còn là do các mô hình đa cấp bất chính vẫn tiếp tục hiện diện và những tác hại xã hội của mô hình này vẫn còn.
Chúng tôi bắt đầu kinh doanh tại thị trường VN vào thời điểm có thể nói là vừa thuận lợi vừa khó khăn.
Thuận lợi là công ty vào thị trường khi mà ngành bán hàng đa cấp đã tạo dựng được lòng tin nhất định ở phía các cơ quan nhà nước và một số người VN đã chấp nhận trải nghiệm sản phẩm để trở thành khách hàng, chấp nhận bắt đầu cơ hội kinh doanh trong ngành này để trở thành nhà phân phối, tin tưởng vào sự tốt đẹp của ngành để trở thành những nhân viên.
Các doanh nghiệp bán hàng đa cấp có hành lang pháp lý vững chắc để hoạt động, có sự hỗ trợ từ các cơ quan quản lý nhà nước.
Khó khăn là bên cạnh những thiện cảm, chúng tôi gặp không ít những ác cảm đến từ các định kiến, từ những biến tướng do các mô hình bán hàng đa cấp bất chính tạo ra.
Tuy nhiên chính từ khó khăn này đã giúp doanh nghiệp hiểu rằng càng cần phải tuân thủ tốt, cần quản lý hệ thống nhà phân phối chặt chẽ hơn để tiếp tục tạo dựng lòng tin.
Đến thời điểm này, các chế tài mà Nu Skin VN đưa ra cho nhà phân phối là có, tuy nhiên chưa phát sinh trường hợp nào nghiêm trọng để phải dùng các biện pháp xử lý cao nhất.
Nhưng để tránh những sai phạm xảy ra, chúng tôi đã xây dựng bộ quy tắc áp dụng cho nhà phân phối, chúng tôi cũng có phòng quản lý quy tắc hoạt động nhà phân phối để hỗ trợ và nhắc nhở các lãnh đạo cấp cao về quy trình, tài liệu cũng như có những buổi huấn luyện, hướng dẫn nhà phân phối về tiêu chuẩn đạo đức trong kinh doanh, các tôn chỉ, mục đích kinh doanh để các nhà phân phối hiểu rằng cơ hội kinh doanh, sự thành công của họ phải được xây dựng theo chuẩn mực kinh doanh đúng đắn.
Tôi cho rằng để tình trạng biến tướng đa cấp ở VN có thể dẹp bỏ, cần có ba yếu tố. Thứ nhất, các biện pháp, chế tài từ các cơ quan chức năng cần triển khai mạnh mẽ.
Thứ hai, từ chính nhận thức của cộng đồng, cần có sự phân biệt rõ, đâu là đa cấp chân chính, đâu là mô hình kim tự tháp bất chính để không trở thành những nạn nhân, người bị hại.
Cuối cùng là sự hợp lực của các doanh nghiệp bán hàng trực tiếp chân chính trong việc đảm bảo tuân thủ, truyền thông xã hội nhằm xây dựng và duy trì những hình ảnh đàng hoàng của ngành.
“Các nhà phân phối phải hiểu rằng cơ hội kinh doanh, sự thành công của họ phải được xây dựng theo chuẩn mực kinh doanh đúng đắn |
||
Bà EVITA SINGSON |
* Ông Sam Cheong (phó chủ tịch Hiệp hội Bán hàng trực tiếp Malaysia - DSAM):
Kinh nghiệm quản lý từ Trung Quốc
Trung Quốc cũng đã trải qua thời kỳ hỗn độn, đầy tranh cãi của mô hình kinh doanh đa cấp khi có thời gian nước này bùng phát biến tướng bán hàng đa cấp kiểu đầu tư tài chính tương tự mô hình Liên Kết Việt. Trung Quốc từng cấm hẳn kinh doanh mô hình này.
Tuy nhiên, theo đàm phán Tổ chức Thương mại thế giới (WTO), Trung Quốc buộc phải chấp nhận cho phép bán hàng đa cấp phát triển trở lại nhưng điều kiện quản lý khắt khe hơn.
Theo đó, hoạt động bán hàng đa cấp tại Trung Quốc hiện nay được điều chỉnh bởi quy tắc quản lý bán hàng trực tiếp (Regulation on direct selling administration, có hiệu lực thi hành từ ngày 1-12-2005).
Các quy định tại quy tắc này hạn chế sản phẩm được kinh doanh theo phương thức đa cấp bao gồm các sản phẩm: mỹ phẩm, thực phẩm chức năng, sản phẩm vệ sinh, thiết bị chăm sóc cơ thể và đồ dùng nhà bếp.
Các quy định này cũng yêu cầu các công ty nội địa hoặc nước ngoài muốn tham gia hoạt động bán hàng trực tiếp ở Trung Quốc phải nộp đơn xin cấp giấy phép bán hàng trực tiếp của Bộ Thương mại và phải đáp ứng các điều kiện như: nhà đầu tư không có hồ sơ về hoạt động kinh doanh bất hợp pháp nghiêm trọng trong năm năm trước khi nộp đơn; đối với nhà đầu tư nước ngoài phải kinh doanh bán hàng trực tiếp tối thiểu là ba năm ở nước ngoài, vốn điều lệ đăng ký không thấp hơn 80 triệu nhân dân tệ, ký quỹ một khoản tiền vào một ngân hàng được chỉ định theo quy định của quy tắc này...
Sau khi công ty bắt đầu hoạt động, số tiền ký quỹ sẽ được điều chỉnh hàng tháng, và lượng tiền duy trì là 15% doanh số bán hàng trong tháng trước đó. Tính đến thời điểm này, Trung Quốc có 43 công ty (cả trong và ngoài nước) đã được cấp giấy phép bán hàng trực tiếp.
Ngoài ra, các doanh nghiệp muốn kinh doanh mô hình này cũng bắt buộc phải có nhà máy sản xuất tại Trung Quốc. Việc quản lý bằng cách quy định sản phẩm bán hàng đa cấp phải được sản xuất tại Trung Quốc giúp cơ quan quản lý kiểm soát giá cả, chất lượng... hàng hóa. Những quy định được ban hành nói trên nhằm hạn chế các nguy cơ dẫn đến bán hàng đa cấp bất chính.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận