Binh sĩ Pháp ở căn cứ quân sự Satory gần Paris chuẩn bị lên đường tham gia bảo vệ an ninh - Ảnh: Reuters |
Mỗi khi xảy ra khủng bố, Paris lại thực thi các biện pháp mới. Tính ra từ năm 1986 đến nay, Quốc hội Pháp đã bỏ phiếu thông qua không dưới 14 văn bản luật nhằm thích ứng với phương thức và chiến thuật mới của các nhóm khủng bố.
Lần này các giải pháp chính nhằm vào ba nhánh: chống lại nạn “đầu độc cực đoan hóa” trong nhà tù, tăng cường biện pháp nghe lén và theo dõi những người ra vào Pháp.
Thủ tướng Manuel Valls khẳng định trước Quốc hội hôm 14-1: “Trước tình hình đặc biệt phải có các giải pháp đặc biệt”. Lần này thậm chí các giải pháp đặc biệt sẽ được tiến hành một cách... đặc biệt: rất khẩn cấp.
Nghe lén nhiều hơn
FBI bắt được kẻ lên âm mưu tấn công ở Washington Theo CBS News, Cục Điều tra liên bang Mỹ (FBI) vừa bắt giam một thanh niên 20 tuổi tên Christopher Lee Cornell nhờ nguồn tin mật. Từ mùa hè năm 2014 tới tháng 1-2015, Cornell đã tạo tài khoản trên Twitter với tên Raheel Mahrus Ubaydah. Trên mạng xã hội, Cornell đưa lên các video, những tuyên bố và nhiều nội dung khác cho thấy hắn ủng hộ hoạt động của tổ chức Nhà nước Hồi giáo tại Iraq và Syria. Ngày 20-8-2014, Cornell gửi tin nhắn cho nguồn tin của FBI nói rằng hắn muốn tiến hành một cuộc tấn công thánh chiến tàn bạo. Cornell và nguồn tin còn gặp nhau tại Cincinnati hồi tháng 10 và gặp lại vào tháng 11 năm ngoái. Ở lần gặp sau, Cornell tiết lộ với nguồn tin hắn đang nhắm tới mục tiêu tấn công là các nghị sĩ quốc hội ngay tại trụ sở. Cornell cũng khoe với nguồn tin về kế hoạch sử dụng vũ khí nóng và cả việc hắn đã nghiên cứu kỹ lưỡng như thế nào để thực hiện âm mưu. Theo nguồn tin của FBI, Cornell đã mua hai súng bán tự động và khoảng 600 băng đạn để thực hiện âm mưu. |
Thực tế là ngay sau khi xảy ra vụ tấn công tòa soạn Charlie Hebdo, chỉ trong ba ngày, cuộc điều tra do tổng công tố Paris chủ trì đã thực hiện 48 cuộc nghe lén điện thoại và 39 vụ lục soát.
Đó là điều hiếm xảy ra vì lấy được giấy phép nghe lén kéo dài, do bộ phận của Tổng cục An ninh nội vụ (DGSI) hoặc của cơ quan tình báo (DGSE) phụ trách, thường rất nhiêu khê.
Mỗi giấy yêu cầu nghe lén phải trình bày lý do kỹ càng và được ủy ban phụ trách chuẩn thuận; thủ tục đó phải được làm lại sau mỗi bốn tháng.
Tình hình mới hiện nay được cho là sẽ khiến các yêu cầu nghe lén tăng lên khủng khiếp trong bối cảnh các tên khủng bố giờ đây có thể sử dụng nhiều điện thoại.
Một thách thức khác về mặt kỹ thuật: những kẻ tình nghi giờ đây cũng chẳng cần đến điện thoại mà chuyển sang dùng Facebook hoặc trao đổi qua tin nhắn trên các nền tảng của trò chơi điện tử được cho là rất khó phát hiện.
Như thế thì các bộ phận theo dõi nghe lén sẽ phải yêu cầu bổ trợ các công cụ mới thích ứng với các phương cách giao tiếp thời di động.
Cho dù 75% thông tin tình báo có được về các tổ chức thánh chiến đến từ thu thập kỹ thuật (nghe lén, lập hồ sơ...) thì vai trò con người cũng rất quan trọng.
Bởi lẽ theo dõi một cá nhân đòi hỏi cần rất nhiều người: chẳng hạn để theo dõi một cá nhân 24/24 giờ, người ta tính ra phải mất 25 nhân sự làm việc 8 giờ/ngày.
DGSI Pháp hiện chỉ có 3.600 nhân viên và bên tình báo DGSE có 5.090, còn Cục Chống khủng bố (SDAT) thuộc cảnh sát tư pháp chỉ có vài trăm người. Vì lẽ đó an ninh Pháp chỉ đầu tư theo dõi sát sao những cá nhân có nguy cơ cao nhất.
Nhưng có lẽ Thủ tướng Valls rất quyết tâm khi ông tuyên bố hôm 14-1: “Nếu không tăng cường đáng kể nhân sự và phương tiện thì bên an ninh nội địa sẽ bị quá tải”.
Tháng 11-2014, Quốc hội Pháp từng thông qua luật cho phép khóa ngay lập tức các trang mạng tuyên truyền quảng bá cho Hồi giáo cực đoan. Luật này mạnh đến mức tạo thay đổi trong Luật báo chí Pháp vốn có từ năm 1881.
Theo đó, chẳng hạn các nhà mạng phải khóa lập tức “vĩnh viễn” các trang mạng công bố video hoặc bài viết có tính quảng bá bạo lực cực đoan. Theo yêu cầu mới của Thủ tướng Valls, Bộ Nội vụ phải có đề xuất “trong vòng tám ngày” về việc kiểm soát Internet và các mạng xã hội.
Theo dõi đi lại
Dù Mỹ từng áp dụng hồ sơ theo dõi mọi hành khách đi máy bay nội địa lẫn quốc tế sau vụ tấn công ngày 11-9-2001 nhưng điều đó không được phép ở Pháp. Nhưng an ninh Pháp thỉnh thoảng vẫn có được nguồn thông tin tỉ mỉ đó khi đồng nghiệp Mỹ chuyển cho để nhờ theo dõi giúp cá nhân hoặc đường dây đáng ngờ nào đó.
Giới an ninh Pháp thì vẫn mong có được chỉ thị được phép thu thập thông tin cá nhân. Thật ra Pháp cũng đã sẵn có cơ quan Tracfin do Bộ Kinh tế - tài chính quản lý với nhiệm vụ phát hiện các dòng tiền đáng ngờ nhằm ngăn chặn việc tài trợ cho một chiến dịch khủng bố nào đó. Chỉ cần được bật đèn xanh là họ sẽ nhanh chóng tiến hành.
Thủ tướng Pháp cũng khẳng định hệ thống giám sát thông tin cá nhân của hành khách ở Pháp đã sẵn sàng để kết nối với hệ thống của toàn châu Âu vào tháng 9-2015.
Song song đó là biện pháp ngăn chặn công dân sang Syria (nằm trong luật về chống khủng bố thông qua tháng 11-2014) khá cứng rắn với việc ban lệnh cấm ra khỏi nước (bằng cách tịch thu thẻ căn cước hoặc hộ chiếu).
Riêng với trẻ vị thành niên, chính quyền ban lệnh cấm theo yêu cầu của gia đình. Nhưng việc phát hiện những thanh thiếu niên có tư tưởng Hồi giáo cực đoan muốn sang Syria “học nghề” cũng khá khó khăn vì thiếu nhân sự. Lực lượng phụ trách việc này chỉ có 205 người.
Giải pháp ngăn chặn tù nhân chuyển sang tư tưởng cực đoan khi thụ án cũng được đặc biệt chú ý. Theo lực lượng an ninh nhà tù của Pháp, hiện nước này có ít nhất 134 tù nhân có dấu hiệu “bạo lực kiểu cực đoan Hồi giáo”.
Phía quản lý hiện đã tập trung khoảng 15 tên trong số này nhốt riêng biệt trên một tầng ở nhà tù Fresnes nhằm tránh nguy cơ chúng “kết nạp” thêm bạn tù mới. Phương pháp này cũng sẽ sớm được áp dụng tại các nhà tù khác ở Pháp.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận