16/05/2013 06:12 GMT+7

Nước mắt rơi ở lễ tri ân

LƯU TRANG
LƯU TRANG

TT - Hãy cho biết sự giống và khác nhau giữa trồng một cái cây và nuôi một con người? Câu hỏi mà thầy Nguyễn Văn Hiền, phó hiệu trưởng Trường THPT Đa Phước, huyện Bình Chánh (TP.HCM), đặt ra trong lễ tri ân và trưởng thành dành cho học sinh khối 12 (ngày 11-5) khiến những học trò mới lớn phải chau mày suy nghĩ.

aS0CnFgB.jpgPhóng to
Những đôi mắt đầy lệ của học sinh lớp 12 Trường THPT Đa Phước, huyện Bình Chánh (TP.HCM) trong lễ tri ân và trưởng thành tại trường sáng 11-5-2013 - Ảnh: Như Hùng

Em Nguyễn Thị Thanh Trúc, lớp 12A2, được chọn trả lời câu hỏi này vì em là học sinh vừa đoạt giải nhất kỳ thi học sinh giỏi môn sinh học cấp thành phố.

Câu chuyện cái cây hư

"Biết ơn, trả ơn là truyền thống, đạo lý tốt đẹp của dân tộc ta. Các em hãy nhớ lấy điều đó và hãy hành động đi, hành động ngay từ bây giờ trước khi quá muộn. Bởi tất cả những người nuôi dạy ta, nâng đỡ ta không thể ở bên ta mãi mãi"

Thầy Nguyễn Duy Tuyển (hiệu trưởng Trường THPT Đa Phước)

Em nói: “Thưa thầy, cái cây hay con người muốn lớn lên thì phải có sự nuôi dưỡng, chăm sóc. Cây phải được chăm bón, tưới nước, người phải được nuôi nấng, dạy dỗ. Sự khác nhau là ở chỗ, cái cây cần chất dinh dưỡng để phát triển, còn con người thì ngoài dinh dưỡng còn cần có tình yêu thương. Cây trưởng thành cho hoa trái, bóng mát, người trưởng thành thì cống hiến tài năng, tri thức của mình dựng xây quê hương”.

Trong khi hội trường vỗ tay cho câu trả lời khá đầy đủ, thầy Hiền ôn tồn: “Cây cong, mình uốn cho thẳng, người hư thì phải dạy cho ngoan. Nhưng còn một điểm khác nhau mà thầy muốn nói, đó là cái cây bị hư, cái cây mà ta không thích, ta có thể chặt bỏ để thay cây mới. Còn người hư thì không ai bỏ đi cả mà vẫn phải uốn nắn để nên người. Sự hiện diện đầy đủ của 304 học sinh khối 12 hôm nay đã chứng minh điều đó”.

Cách dẫn chuyện của thầy hiệu phó khiến những học sinh còn bồng bột trong suy nghĩ vỡ ra thật nhiều điều.

Thầy hỏi Thanh Trúc khát vọng cho bản thân, cho gia đình và cho quê hương rồi nhấn mạnh: “Ước mơ của em thật đẹp, đó là mong quê hương ngày càng phát triển hơn. Quê hương Đa Phước còn nghèo, ước mong các em sẽ thưởng thành và đóng góp công sức để dựng xây mảnh đất này”.

Một món quà thật đặc biệt được gửi đến cô học trò giỏi môn sinh học này: một chiếc bình bằng đất nung có in hình cây trúc, cùng một cặp chén “vinh quy” dành để em mời cha mẹ của mình khi đã thành đạt trên con đường học vấn.

Món quà càng ý nghĩa hơn khi Trúc đề nghị: “Thưa thầy, em rất mong được cô Nguyễn Thị Hoàng, tổ trưởng tổ sinh học, trao cho em món quà này, bởi không có cô thì không có em ngày hôm nay”. Món quà đầy ý nghĩa trước khi ra trường cùng những tình cảm của thầy cô giáo chắc chắn là kỷ niệm không thể nào quên với những học trò trường huyện.

“Hát yêu thương người khi còn có thể”

Có hơn 30 năm công tác, gắn bó với biết bao thế hệ học trò, thầy Phan Văn Hoai, tổ trưởng tổ tin học, được coi là cây đa, cây đề của Trường Đa Phước. Ấy vậy mà người thầy sắp đến tuổi về hưu này vẫn chịu khó cập nhật những thay đổi trong suy nghĩ của học trò. Thầy mày mò tải các hình ảnh từ mạng xã hội rồi ghép với những hình ảnh đối lập để có được đoạn phim gây rung động chiếu trong lễ tri ân.

Đó là hình ảnh cô gái ngồi bên bữa trưa đầy màu sắc trong một quán ăn nhanh, tay đang cầm điện thoại xịn tự chụp hình để cập nhật lên Facebook với status (trạng thái): “Bữa trưa của mình đơn giản thế này thôi”. Một hình ảnh thật sự quen thuộc với lứa tuổi học sinh. Nhưng liền đó là hình ảnh người mẹ đang túi bụi với gánh hàng rau và bữa trưa đạm bạc kiểu “ăn cho qua bữa”. Và lời bình: “Bạn có biết để có được bữa ăn đơn giản đó, mẹ bạn đã phải tích cóp từng đồng bạc lẻ”.

Hiệu ứng của đoạn phim và tiếng nhạc trong bài hát Nhật ký của mẹ (sáng tác: Nguyễn Văn Chung) còn sinh động hơn bất kỳ những lời răn dạy đầy tính sách vở nào. Bên dưới, những giọt nước mắt bắt đầu lăn.

Tiếng “thuyết minh” của thầy hiệu phó Nguyễn Văn Hiền càng dồn nén và tâm trạng hơn: “Bạn xấu hổ: tại sao mẹ mình không đẹp, không sang bằng mẹ người khác. Nhưng bạn có biết tóc mẹ bạc để tóc bạn được xanh, tay mẹ nứt nẻ sần sùi để da bạn được hồng hào trắng trẻo. Bạn mặc cảm: sao mẹ không đón mình bằng xe tay ga như mẹ người khác. Bạn có biết số tiền nuôi bạn từ bé đến nay, mẹ đã có thể mua biết bao nhiêu chiếc xe tay ga cho mình. Bạn cằn nhằn vì mẹ keo kiệt, cho tiền nhỏ giọt, nhưng từ khi sinh ra bạn đã cho mẹ được những gì...”.

Phía dưới, nhiều học sinh nức nở. Và hình ảnh cuối cùng khiến tim người xem thót lại: “Hãy tưởng tượng một hôm bạn đi học về thấy ngôi nhà im lìm trống trải, mẹ bạn không còn tồn tại nữa. Bạn sẽ cảm thấy như thế nào?”, và tiếng thầy vang lên giữa hội trường im bặt: “Hãy yêu thương người khi còn có thể”.

“Dễ khóc quá” - một học sinh vừa lau nước mắt vừa nghẹn ngào khi nghe câu chuyện ngụ ngôn thầy kể về người thợ săn và con vượn mẹ. Vượn mẹ trúng đạn nhưng trước khi tắt thở vẫn cố gắng nhặt lá cây lót ổ cho con và vắt cho con giọt sữa cuối cùng. Người thợ săn thiện xạ đã bỏ chạy khi nhìn thấy cảnh tượng ấy của tình mẫu tử.

Câu chuyện được kể đúng trong Ngày của mẹ đã khiến những cô cậu học trò không cầm được nước mắt. Tách khỏi lớp và chọn một chỗ ngồi ở bậc thang phía sau hội trường rồi òa khóc, Thủy Tiên, học sinh lớp 12A2, nói trong nước mắt: “Em nghĩ đến cha mẹ mình. Em thấy mình nợ cha mẹ nhiều quá. Em đi học về đã quá trưa mà mẹ vẫn còn ngoài ruộng. Cha em là công nhân phải tăng ca buổi tối để nuôi hai con ăn học. Nghĩ lại em thấy mình chưa giúp được gì cho cha mẹ”.

LƯU TRANG
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên