18/09/2011 07:15 GMT+7

Nước mắt phu vàng - Kỳ 4: Trăm nẻo đường phu

HOÀNG LỘC
HOÀNG LỘC

TT - Bà Lợi mở loa ngoài điện thoại nói oang oang: “Mày kiếm cho tao mấy thằng lính nhỏ con nhưng phải khỏe. Nhiều thằng to xác vô làm mấy bữa đã gục, hết bệnh này đến bệnh nọ. Có thằng già bị phù chân nằm một chỗ, tao đưa vào bệnh viện vẫn chưa chịu chết kia kìa”.

2o0QwKC5.jpgPhóng to
Nhiều phu vàng bị đày ải giữa rừng sâu không biết ngày về - Ảnh: Hoàng Lộc

Kỳ 1: Vào hầmKỳ 2: Vắt sức giữa rừngKỳ 3: Phận phu nữ

Săn phu

Bà Lợi là người gốc đâu đó ở Tương Dương, Nghệ An, chính là chủ cai đầu tiên tôi được một tay “cò” phu vàng giới thiệu khi đến thị trấn Khâm Đức, Quảng Nam. Mặc bộ đồ màu nâu sẫm, kẻ hình ca rô, xách trên tay chiếc giỏ xách bà rảo khắp các địa điểm phu vàng thường lui tới ở thị trấn để săn phu vào bãi. Bà Lợi hớt hải: “Dạo này chị “khát” lính lắm! Nếu mày chịu vô làm lính chị sẽ trả lại tiền xe cộ, ăn uống dọc đường từ quê vô đây cho mày”. Bà bảo vừa gọi điện về quê (Nghệ An) bảo thằng “đệ” tuyển thêm ít lính. Bà giải thích về trường hợp lúc nãy bằng một cái khoát tay rõ mạnh: “ối dào! Thằng đó già rồi chị đưa từ quê vào, tốn kém hết bao nhiêu tiền của thế mà mới làm hai tuần thì chân nó tự nhiên phù ra sưng húp. Mấy ngày đầu nó còn lết đi cà nhắc, tuần sau thì nó gục hẳn nằm một chỗ, ăn uống phải có người đút. Sợ nó chết giữa rừng, chị thuê xe mang nó về bệnh viện ở quê. Đến nay nó vẫn chưa chết”. Tôi thắc mắc sống còn hơn chết chứ, bà Lợi đáp xanh rờn: “Chết đền mạng khỏe hơn là sống dai dẳng mình phải nuôi ngày này qua ngày khác, vừa tốn công vừa tốn tiền”. Bà Lợi cho biết trước đó cũng có một người già chết vì bị phù chân. “Nó chết nhanh quá không kịp trở tay, chị phải thuê xe, hộ tống xác về đến quê. Tiền thuê xe, tổ chức ma chay, đền mạng đã 60 chục triệu đồng mà gia đình bên kia vẫn chưa chịu”.

Ở các bãi vàng số phu trụ lại lâu dài rất ít nên bắt buộc các chủ cai phải ráo riết săn lính mới. Nơi nhắm tới của các cuộc săn lính là các vùng quê nghèo và đối tượng chủ yếu là thanh niên trai tráng. Với điều kiện chủ cai sẽ chi hết tiền ăn, tiền xe đi lại, nhiều phu vàng vô tình dính nợ để rồi dù không muốn cũng phải làm việc quần quật trong hầm vàng để trả số nợ trên. Giá của một phu vàng rẻ mạt - đó chỉ là mấy trăm ngàn đồng mà chủ cai bỏ ra để trả tiền xe vào bãi. Đội - phu vàng làm việc với tôi trong bãi vàng Phước Chánh do chủ cai Khánh “béo” quản lý - cho biết: “Lúc vào tiền xe, tiền ăn uống dọc đường chủ cai bao hết. Cứ tưởng tốt lắm, hồi sau vào bãi mới biết mình đã mắc nợ với số tiền hơn 400.000 đồng. Làm trả nợ xong gần một tuần rồi tiếp tục ở lại làm để kiếm tiền về ít nhất phải ba tháng chủ cai mới trả lương, coi như muốn ra khỏi bãi vàng cũng mất hơn ba tháng chấp nhận đày ải”.

Luật vàng

Ông Hoàng (Ngọc Lặc, Thanh Hóa) - một chủ cai khét tiếng ở bãi vàng Phước Thành cai quản trên 15 phu từ thanh niên trai tráng đến phụ nữ - bảo: “Tao từng bắt hai thằng lính tự mài dao, đặt sẵn ngón tay lên khúc gỗ để tao chặt vì tội dám qua mặt giấu vàng. Sau lần đó bọn nó chỉ biết làm chứ không dám hó hé, trúng bao nhiêu đều phải cống nộp chừng đó”. Đầu trọc lóc, da đen, vẻ mặt bặm trợn, ông Hoàng nói: “Sống chết với vàng nên chỗ nào có vàng là tao tăm ra ngay, thằng nào giấu vàng nhìn nét mặt là tao biết. Đừng hòng giấu. Nguyên tắc làm việc của tao là phu phải biết thân biết phận làm việc thật thà, giấu giếm tao mà bắt được coi như tao chém chết tươi”. Để có lực lượng phu vàng thường xuyên vào các bãi vàng “chiến đấu”, ông Hoàng cho biết: “Vài tháng tao phải về quê một lần để tuyển chọn thêm lính. Mỗi lần được chục đứa thanh niên khỏe mạnh, bao tiền xe, tiền ăn cho tụi nó gần hết cả chục triệu đồng nên phải đày cho ra vàng mới thôi”. Tại bãi vàng Phước Chánh nơi tôi làm việc, chủ cai tên Mười (Thái Nguyên) lán bên cạnh được các phu vàng sợ một nước vì mức độ hành xác lính khủng khiếp. Không cần nói nhiều nhưng các phu vàng ở đây đều phải lấm la lấm lét và làm việc triền miên. “Lão ít nói nhưng đứa nào cũng sợ. Thằng nào mới vô không chịu được “nhiệt” (không chịu được áp lực công việc - PV) đòi nghỉ là bị xử thẳng tay”, một phu vàng cho biết. Qua lán mấy lần tôi chứng kiến cảnh tượng chủ cai Mười mắt lim dim nằm trên phản gỗ để truyền đạm.

Hôm tôi đến ngã ba Cây Cốc, Hà Lam, Thăng Bình, Quảng Nam để vào bãi vàng Phước Chánh, biết tôi chưa có bãi làm bà chủ chiếc xe du lịch Anh Thư chuyên chở các phu vàng vào bãi bấm điện thoại gọi ngay cho một chủ cai: “Ông anh có nhận thêm quân không? Trên xe em có thằng muốn vào bãi. Thanh niên, to, khỏe lắm”. Không rõ đầu dây nói gì, mặt bà rầu rầu giải thích: “Xui cho chú mày, đại ca này vừa bị truy quét nên tạm thời chưa nhận lính”. Bà gọi điện cho một chủ cai khác, bên kia là giọng nữ nói khá lớn: “Mày bảo nó vào thị trấn nghỉ vài ngày đợi tao đưa lính ngoài quê vô dắt một lần cho tiện”. Bà chủ xe Anh Thư nhét vào tay tôi tấm danh thiếp kèm lời dặn dò: “Nhớ gọi vô số ni để biết đường giới thiệu vô bãi”.

Giấc mộng phu vàng

Dương, quê Nam Định, là chủ cai hiếm hoi xuất thân từ thân phận làm phu mà tôi gặp. 18 tuổi, Dương theo anh em vào vùng núi Phước Sơn (Quảng Nam) đầu quân cho chủ cai làm phận phu vàng. Sau khi học được quy trình đãi vàng Dương tách ra làm riêng. Tự tuyển quân, thuê bãi hoạt động. Năm 2006 Dương trúng đậm với số tiền 4,4 tỉ đồng. 20 tuổi, cầm trong tay số tiền lớn Dương tìm mọi cách chuyển số tiền về quê mua đất, xây nhà. Có nhiều tiền Dương quyết định xây một căn nhà ba lầu với chi phí trên 2 tỉ, trong nhà sắm sanh toàn đồ nội thất xịn hết 1 tỉ. Còn lại hơn 1 tỉ Dương quyết định làm ăn lớn. Nhà gửi lại cô em gái trông coi, Dương lập đội thuê lính, đầu tư máy móc, bãi và trở thành chủ cai từ đó với hàng chục phu làm việc cho mình. Niềm vui chẳng được tày gang, giữa rừng sâu số tiền ngày một vơi dần, đào mãi chẳng thấy vàng đâu. Càng đầu tư càng lỗ nặng. Cạn tiền đến nỗi lương không trả nổi cho lính nên lính lác cứ thế mà dần bỏ đi hết. Còn căn nhà Dương quyết định thế chấp nốt để đầu tư, nhưng càng đầu tư càng nợ nần ngập đầu. Bao nhiêu tiền đổ vào các bãi vàng đều “bốc hơi” bay hết. Hôm gặp Dương tại dãy phòng trọ phu vàng thường lui tới nghỉ qua đêm ở thị trấn Khâm Đức, tôi thấy Dương nằm dài trên chiếc giường ọp ẹp bên cạnh là chai nước suối và gói mì tôm nhai rau ráu. “Trời cho tao trúng vàng sớm quá để rồi trắng tay. Giá như hồi đó tao không đầu tư vào vàng nữa mà tiết kiệm tiền làm một việc gì đó thì đâu đến nỗi. Giờ mỗi tháng tao phải vay chỗ này, mượn chỗ kia để trả tiền lãi ngân hàng 17 triệu đồng. Không có tiền nên cũng chẳng dám về quê...” - Dương nói trong nuối tiếc.

______________________

“Ngôi mồ” chỉ là căn chòi nhỏ phủ bạt, bên trong có một bàn thờ đặt sát vách núi, cạnh miệng hầm vàng. Trên bàn thờ, ba chiếc nón bảo hộ màu vàng treo đối xứng với ba lư hương lạnh ngắt. Đó là “mồ ba mũ” như cách mà phu vàng gọi...

Kỳ cuối: Những nấm mồ hoang

HOÀNG LỘC
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên