Đại biểu dự hội thảo khoa học về chữ quốc ngữ tại Phú Yên. |
Hội thảo do Trường ĐH Khoa học xã hội và nhân văn TP.HCM, Đại học Phú Yên và Viện Nghiên cứu phát triển phương Đông tổ chức.
Hơn 100 báo cáo khoa học, tham luận của các nhà ngôn ngữ học, các nhà nghiên cứu trình bày tại hội thảo.
“Các nhà khoa học đã bàn bạc, thảo luận nhằm cải tiến, thống nhất chuẩn mực về chữ quốc ngữ. Nhìn lại quá trình hình thành, phát triển đồng thời khắc phục những bất cập về vị trí dấu thanh, về phụ âm đầu, tìm hiểu những dấu vết phương ngữ trong Từ điển Việt - Bồ - La” - PGS.TS Nguyễn Công Đức (Đại học KHXH&NV TP.HCM) nói.
Phú Yên được các nhà khoa học chọn là nơi tổ chức hội thảo lần này bởi nơi đây - tại nhà thờ Mằng Lăng, một trong những nhà thờ công giáo lâu đời nhất tại Việt Nam - còn lưu giữ cuốn sách bằng chữ quốc ngữ đầu tiên Phép giảng tám ngày của linh mục Alexandre de Rhodes in năm 1651 tại Roma, Ý.
Một số tham luận của các nhà khoa học và giới nghiên cứu trình bày tại hội thảo cũng đã đề cập đến địa danh Nước Mặn (thuộc huyện Tuy Phước, Bình Định) - liệu đây có phải là nơi phôi thai chữ quốc ngữ? Bởi tài liệu in đầu tiên có sử dụng một số chữ quốc ngữ hiện nay đã xuất hiện trong cuốn sách Tường trình về khu truyền giáo Đàng Trong xuất bản năm 1631 của linh mục Christophoro Borri.
Ông Borri làm việc một thời gian dài tại Nước Mặn. “Việc linh mục Borri sử dụng một số chữ quốc ngữ trong các tác phẩm của ông cũng như một số linh mục khác cùng thời sử dụng chữ quốc ngữ trong các báo cáo viết tay, điều đó chứng minh rằng ngay từ năm 1618 - 1620 đã có một khởi đầu hình thành chữ quốc ngữ ở Nước Mặn” - nhà nghiên cứu Nguyễn Thanh Quang phát biểu.
400 năm hình thành và phát triển, chữ quốc ngữ góp phần quan trọng trong quá trình chấn hưng văn hóa dân tộc Việt Nam.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận