Chiều 15-7, cộng đồng doanh nghiệp ngành thực phẩm ở TP.HCM tiếp tục góp ý cho dự thảo sửa đổi nghị định số 09/2016/NĐ-CP (nghị định 09) của Bộ Y tế về tăng cường vi chất dinh dưỡng vào nguyên liệu sử dụng trong chế biến thực phẩm.
Hy vọng là lần kiến nghị cuối cùng
Ông Nguyễn Hoài Nam - phó tổng thư ký Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu thủy sản Việt Nam - cho hay ông hy vọng đây là lần cuối cùng cộng đồng doanh nghiệp kiến nghị về vấn đề này. Bởi hơn 8 năm qua, họ đã có nhiều ý kiến về các bất cập của nghị định 09, nhưng chưa giải quyết được triệt để.
Cụ thể, quy định bất cập nhất là bắt buộc "muối dùng để ăn trực tiếp, dùng trong chế biến thực phẩm phải được tăng cường iốt, và bột mì dùng trong chế biến thực phẩm phải được tăng cường sắt và kẽm", gây nhiều bất cập từ khi soạn thảo nhưng vẫn chưa được lắng nghe.
Theo các doanh nghiệp, hai quy định này không phù hợp với khoa học và quản lý rủi ro, không phù hợp với thực tiễn cũng như kinh nghiệm quốc tế, gây khó khăn lớn cho sản xuất và kinh doanh.
Không những vậy, quy định chỉ mới chú ý đến lợi ích bổ sung vi chất cho nhóm người thiếu hụt, mà không tính đến nguy cơ cho sức khỏe của nhóm người đã đủ hoặc thừa vi chất khi bắt buộc bổ sung đại trà.
Ông Đặng Thành Tài - phó chủ tịch Hội Sản xuất nước mắm Phú Quốc - cho biết nghị định 09 quy định muối dùng trong chế biến thực phẩm bổ sung iốt, nhưng bản thân cá cơm đã có hàm lượng iốt tự nhiên. Về quy trình sản xuất, nước mắm Phú Quốc có đặc thù là ủ chượp trong thùng gỗ, phương pháp truyền thống hoàn toàn tự nhiên và năm 2012 được EU bảo hộ chỉ dẫn địa lý.
"Với quy trình sản xuất nước mắm đã được bảo hộ ở châu Âu, nước mắm Phú Quốc không thể bổ sung iốt theo nghị định 09", ông Tài nêu tính bất khả thi của quy định mà Bộ Y tế đang lấy ý kiến.
Xuất khẩu cũng bị ảnh hưởng
Ngay cả lĩnh vực sản xuất mì ăn liền, các doanh nghiệp trong ngành này cũng cho biết việc bổ sung iốt cho thực phẩm công nghiệp không có hiệu quả, do iốt hầu như mất hết trong quá trình chế biến.
Các kết quả xét nghiệm đối với hủ tiếu, mì ăn liền của Công ty Acecook, chả giò thịt, thịt heo hầm của Công ty Vissan, sốt gia vị của Công ty TNHH Nam Phương V.N có bổ sung muối iốt đều không phát hiện được iốt trong sản phẩm cuối.
Ông Phạm Trung Thành - trưởng ban đối ngoại của Công ty cổ phần Acecook Việt Nam - tính toán chi phí phát sinh trong việc tránh nhiễm chéo giữa các loại nguyên liệu có tăng cường vi chất dinh dưỡng sử dụng cho sản xuất sản phẩm tiêu dùng nội địa và xuất khẩu… qua đó mất thêm 13,5 tỉ đồng/năm.
Ngoài ra, hoạt động xuất khẩu cũng ảnh hưởng do nhiều thị trường như Nhật Bản, Úc... không cho phép sử dụng iốt trong thực phẩm.
Ông Nguyễn Phúc Khoa - chủ tịch hội đồng quản trị VISSAN - cũng khẳng định quy định bổ sung vi chất dinh dưỡng mang lại lợi ích cho người tiêu dùng không rõ ràng. Nhưng quy định này làm gia tăng chi phí và giá thành sản phẩm của doanh nghiệp, làm giảm khả năng cạnh tranh sản phẩm tại thị trường trong và ngoài nước.
Trước các ý kiến của doanh nghiệp, bà Lý Kim Chi - chủ tịch Hội Lương thực thực phẩm TP.HCM - cho biết sẽ tiếp tục kiến nghị Chính phủ chỉ nên khuyến khích bổ sung iốt cho muối và sắt, kẽm vào bột mì dùng trong chế biến thực phẩm công nghiệp.
Bản thân các doanh nghiệp sẽ tự tìm hướng sản xuất phù hợp để đưa vi chất dinh dưỡng thân thiện vào trong sản phẩm, đảm bảo chất lượng và thực hiện đúng trách nhiệm xã hội.
8 năm kiến nghị vẫn không được lắng nghe
Ngày 29-1-2016: Chính phủ ban hành nghị định số 09/2016/NĐ-CP (nghị định 09), quy định về tăng cường vi chất dinh dưỡng vào thực phẩm.
Năm 2017: Các doanh nghiệp ngành thực phẩm bắt đầu phản ánh khó khăn và kiến nghị Chính phủ sửa đổi các quy định trên vì ảnh hưởng đến cả xuất khẩu và tiêu dùng nội địa.
Ngày 15-5-2018: Chính phủ ban hành nghị quyết số 19-2018/NQ-CP (nghị quyết 19), yêu cầu Bộ Y tế nghiên cứu, sửa đổi nghị định 09 theo hướng bãi bỏ quy định tăng cường iốt vào muối và sắt, kẽm vào bột mì. Thay vào đó, chỉ khuyến khích doanh nghiệp chế biến thực phẩm sử dụng.
Tháng 11-2021: Nghị định 09 không có sửa đổi, 5 hiệp hội ngành nghề cùng đánh giá thực trạng, kết quả tác động sau 5 năm thực hiện quy định nghị định 09 và tiếp tục kiến nghị thực hiện nghị quyết 19.
Từ tháng 3-2023 đến tháng 1-2024: Văn phòng Chính phủ ban hành hai văn bản truyền đạt ý kiến chỉ đạo của Phó thủ tướng Trần Hồng Hà, yêu cầu Bộ Y tế chủ trì, phối hợp với các bộ khẩn trương nghiên cứu, sửa đổi, bổ sung nghị định 09 và trình Chính phủ trong quý 3- 2024.
Ngày 15-7: 5 hiệp hội tổ chức hội thảo "Góp ý về chính sách tăng cường vi chất dinh dưỡng vào nguyên liệu sử dụng trong chế biến thực phẩm", tiếp tục kiến nghị bỏ quy định bổ sung iốt cho muối dùng trong chế biến thực phẩm và bỏ tăng cường sắt và kẽm vào bột mì dùng trong chế biến thực phẩm.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận