03/10/2022 09:43 GMT+7

'Núi đôi' xuất hiện cục u, đừng quá lo

XUÂN MAI
XUÂN MAI

TTO - Nhiều phụ nữ đã rất lo lắng nghi ngờ mình bị ung thư vú khi phát hiện u trên vú, u sợi bọc tuyến vú... Có nhiều dạng khối u ở vú, khi nào mới nghi ngờ ung thư?

Núi đôi xuất hiện cục u, đừng quá lo - Ảnh 1.

Bác sĩ siêu âm vú cho một bệnh nhân - Ảnh: T.D.

Theo kết quả một nghiên cứu, có khoảng 60% các cục u trong vú phụ nữ trong độ tuổi sinh đẻ không phải là ung thư và trên 90% nữ ở vào tuổi tiền mãn kinh có thay đổi sợi bọc tuyến vú và được xem là một biểu hiện của quá trình lão hóa.

Phần lớn khối u tại vú là lành tính, do đó chị em không nên lo lắng quá mức, nên lưu ý một số dấu hiệu như cảm giác đau, dày hoặc cộm tại một chỗ của vú không thay đổi theo thời gian, hoặc có nổi hạch cổ hoặc nách kèm theo thì nên đến bác sĩ chuyên khoa.

Bác sĩ Nguyễn Triệu Vũ

Khó thoát khỏi lo lắng là ung thư

Thấy vú phải có một khối u không đau nhức, chị M. (35 tuổi) đi khám thì được bác sĩ chẩn đoán là bướu sợi tuyến lành tính với kích thước 15x9mm. Với tình trạng của chị, bác sĩ không chỉ định điều trị gì.

"Dù ở vùng an toàn nhưng khó mà thoát khỏi tâm lý lo lắng nếu khối u chuyển thành ung thư. Tôi muốn loại bỏ khối u và cũng được bác sĩ tư vấn có hai phương pháp là hút và mổ. Tôi đang phân vân giữa việc tiếp tục theo dõi điều trị hay loại bỏ khối u ngay từ đầu vì đã nghe một số người cho rằng bị bướu sợi tuyến như tôi rồi sẽ trở thành ung thư", chị M. trăn trở.

Tương tự chị M., câu hỏi về việc thay đổi sợi bọc tuyến vú có trở thành ung thư không cứ mãi quẩn quanh trong đầu chị H. (29 tuổi) kể từ lúc bác sĩ thông báo kết quả chị bị thay đổi sợi bọc tuyến vú. Chị cho biết 8 tháng trước vú của mình có 1 u nhỏ, đi khám thì bác sĩ nói thay đổi sợi bọc tuyến vú. Lúc này bác sĩ khuyên khối u lành tính, không đáng lo và không kê đơn thuốc.

Đến 3 tháng sau chị H. đi tái khám thì bác sĩ cũng thông báo kết quả như lần đầu và dặn dò 6 tháng sau tái khám. Đúng hẹn, chị H. đi tái khám thì bác sĩ thông báo khối u ung thư với kết quả siêu âm u có kích thước 43mm x 24mm và có 1 hạch.

"Bây giờ bệnh viện địa phương chuyển tôi vào bệnh viện tuyến trên để điều trị. Giờ tôi phải làm gì đây? Tôi buồn và xuống tinh thần quá. Tôi luôn đặt câu hỏi là bác sĩ có chẩn đoán sai hay không hay u hóa thành ung thư", chị H. lo sợ.

Ở tuổi 23 nhưng T.T. thường xuyên bị nhức vú bên phải, kèm theo tê cánh tay phải và vai phải khoảng suốt 1 tuần. Khi sờ vào ngực thì thấy có cục u nhỏ trên ngực. Khối u này có trước khoảng 2 tuần sau khi T. có cảm giác đau. Lo lắng, T. đến bệnh viện khám và nhận thông báo thay đổi bọc tuyến vú 2 bên. Dù bác sĩ chỉ nói theo dõi nhưng T. cũng rất lo vì sợ khối u chuyển thành ung thư.

Không phải bệnh, phần lớn lành tính

Bác sĩ Nguyễn Triệu Vũ - trưởng khoa ung bướu Bệnh viện TP Thủ Đức (TP.HCM) - cho biết thay đổi sợi bọc tuyến vú hay còn gọi là xơ nang hay nang vú là tình trạng trong mô tuyến có những xơ dày, kèm theo nang (là những bọc có chứa dịch ở trong). Đây là tình trạng thay đổi sợi bọc tuyến vú chứ không phải khối u, càng không phải bệnh.

Biểu hiện của thay đổi sợi bọc tuyến vú là người phụ nữ có cảm giác hơi đau, căng bầu vú, nhất là gần tới ngày hành kinh. Khi sờ vào bầu vú thì có cảm giác cộm, xơ sợi hay có mảng dày lên ở nhu mô vú, tình trạng này chủ yếu gặp ở nữ giới từ 20-50 tuổi và giảm hẳn khi mãn kinh.

Bác sĩ Nguyễn Thị Song Hà (chuyên sản phụ khoa - vô sinh - hiếm muộn) cũng cho biết thay đổi sợi bọc tuyến vú (còn gọi là xơ nang tuyến vú) là chứng bệnh khá phổ biến, là một dạng tổn thương lành tính, thường gặp ở nữ giới và không ảnh hưởng đến sức khỏe nếu không gây đau.

Theo sinh lý bình thường của người phụ nữ, mỗi chu kỳ kinh nguyệt chịu ảnh hưởng tác động của estrogen và progesterone làm mô tuyến vú giãn ra, giữ nước và căng lên, đôi lúc khi sờ nắn có cảm giác như cục u, bướu.

Sau khi hành kinh, các cảm giác này giảm dần rồi trở lại bình thường. Trải qua nhiều chu kỳ kinh nguyệt, việc kích thích này cứ lặp đi lặp lại làm cho mô tuyến vú trở nên chắc và hình thành các nang nhỏ chứa dịch trong các ống dẫn bị tắc hoặc bị giãn. Khi đó tuyến vú có những vùng tạo thành những u cục hay những mảng chắc gồ lên dưới da hoặc những hạt rất nhỏ rải rác khắp hai vú đó là thay đổi sợi bọc tuyến vú.

Ngoài thay đổi sợi bọc tuyến vú, bác sĩ Vũ cho biết bướu sợi tuyến vú là một trong những u vú thường gặp nhất ở phụ nữ, đặc biệt trong khoảng từ 20-40 tuổi. Đa số các trường hợp đều ổn định và lành tính nên chỉ cần theo dõi, không cần thiết can thiệp.

Phần lớn các khối u ít gây triệu chứng. Khi khối u lớn thường gây cảm giác cộm, hơi đau và khi sờ cảm nhận được khối u bên trong (thường có dạng hình tròn hoặc bầu dục, dai và chắc).

Mỗi bệnh nhân có 1-2 khối u, tuy nhiên có trường hợp bị nhiều khối u cùng lúc và cùng hai bên vú, (còn gọi là đa vú sợi tuyến). Về nguyên nhân, hiện chưa rõ, có thể liên quan đến những rối loạn nội tiết tố, do đó người bệnh có cảm giác vú hơi căng, đau nhiều hơn khi gần tới chu kỳ kinh nguyệt.

Đau vú khi đến chu kỳ kinh nguyệt, có khác thường?

Bác sĩ Vũ cho biết thêm, đau vú khi đến chu kỳ kinh nguyệt là cảm giác thường gặp của đại đa số chị em phụ nữ. Nếu chú ý nhịp điệu cơ thể thì chị em phụ nữ sẽ thấy đau vú xuất hiện khi gần tới ngày hành kinh và sẽ giảm dần khi vào chu kỳ kinh nguyệt và hết đau sau khi kết thúc chu kỳ này. Những chị đau vú nhiều thường có tình trạng thay đổi sợi bọc đi kèm, và mô vú dày thường đau nhiều hơn mô vú mỏng.

Nguyên nhân có thể do ảnh hưởng của nội tiết tố, cảm giác đau rõ ràng nhất khi sát chu kỳ hành kinh. Cảm giác này thay đổi tùy theo người và thời gian kéo dài, có thể từ 1 - 5 ngày. Khi bước vào ngày hành kinh thì mức độ đau giảm lại. Một số ít trường hợp chị em phụ nữ đau âm ỉ và kéo dài. Phần lớn trường hợp đau vú vì lý do này thì không cần dùng thuốc và bất cứ can thiệp nào

Khi nào nguy hiểm?

ket qua sieu am

Hình ảnh siêu âm cho thấy hai bên vú của một người phụ nữ bị thay đổi sợi bọc tuyến vú - Ảnh: X.M. chụp lại

Bác sĩ Vũ cho hay sự thay đổi sợi bọc tuyến vú thường không có giới hạn và thường thay đổi theo chu kỳ kinh nguyệt và phần lớn lành tính.

Tuy nhiên cần lưu ý một số trường hợp người phụ nữ nên đến khám bác sĩ như: mảng xơ sợi, mảng dày không thay đổi sau vài chu kỳ kinh nguyệt hoặc càng lớn dần, hoặc gây đau nhiều quá hoặc kèm theo hạch nách, cổ... Tùy theo tình trạng cụ thể, bác sĩ sẽ làm thêm một số xét nghiệm khác như siêu âm, chụp nhũ ảnh hoặc sinh thiết...

Đối với bướu sợi tuyến, phần lớn lành tính và một số trường hợp khối u tự nhỏ đi khi người phụ nữ bước vào tuổi mãn kinh. Nếu như khối u nhỏ không gây triệu chứng và được bác sĩ sẽ khảo sát, đánh giá bướu sợi tuyến lành tính thì chị em phụ nữ chỉ cần theo dõi mà không cần phẫu thuật, can thiệp. Tuy nhiên những khối u lớn, khối u gây khó chịu hoặc gây bất thường mà cảm giác không an tâm thì có thể mổ lấy hết khối u và gửi khối u xét nghiệm.

Ở bệnh nhân trẻ khi có những triệu chứng điển hình nêu trên, chỉ cần siêu âm tuyến vú thì có thể xác định được bệnh. Tùy tình huống cụ thể, một số trường hợp có thể phối hợp thêm các phương pháp khác như chụp nhũ ảnh, MRI hay làm thêm những xét nghiệm về mặt tế bào như chọc hút lấy tế bào khối u để xét nghiệm nhằm xác định chính xác là khối u lành tính hay ác tính.

"Tùy theo tình huống, nguyện vọng của bệnh nhân cũng như trang thiết bị của bệnh viện, bác sĩ sẽ chọn được phương pháp nào thích hợp nhất cho từng bệnh nhân cụ thể", bác sĩ Vũ nói.

Bác sĩ Song Hà lưu ý thêm, nếu xuất hiện những dấu hiệu như bất cân xứng giữa hai vú, tiết dịch hoặc biến dạng núm vú, xuất hiện khối u hoặc hạch ở nách thì chị em nên đi khám ngay để được chẩn đoán và điều trị kịp thời, tránh những hậu quả đáng tiếc xảy ra, đây cũng là cách để phát hiện sớm ung thư vú.

Dù rất ít gặp nhưng vẫn ghi nhận có trường hợp bị bướu sợi tuyến vú ở bé gái tuổi dậy thì. Theo bác sĩ Vũ, những trường hợp này khi can thiệp lấy khối u thì chú ý lấy đúng phần khối u, hạn chế tối đa phạm vào mô vú bình thường xung quanh vì bé gái mới dậy thì thì bầu vú còn phát triển. Nếu lấy khối u không khéo, làm tổn thương mô vú bình thường xung quanh thì có thể ảnh hưởng đến việc phát triển bầu vú của bé gái sau này.

'Truy tìm' ung thư vú từ xa qua ứng dụng di động

Theo các chuyên gia, nếu được kiểm soát ngay từ khi đang là “hạt mầm” thì sẽ ngăn chặn cơ hội bám chặt rễ di căn vào cơ thể, qua đó mang lại cơ hội lớn để cứu sống bệnh nhân ung thư.

XUÂN MAI
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên