13/12/2006 03:33 GMT+7

Nữ Vệ út và báu vật 60 năm

TRẦN ĐÌNH TÚ
TRẦN ĐÌNH TÚ

TT - Trong số những thiếu niên tình nguyện ở lại bảo vệ thủ đô và xông lên chiến hào ngày ấy có một cô bé - nữ Vệ út duy nhất ở Hà Nội. Câu chuyện của người nữ Vệ út này 60 năm sau đầy ắp kỷ niệm yêu thương về những đồng đội nhỏ tuổi.

RCgjJ7uH.jpgPhóng to
TH2x4Oqx.jpg
Nữ Vệ út Vũ Thị Nhâm năm 1950 tại Việt Bắc và bây giờ - Ảnh: tư liệu - T.Đ.Tú
TT - Trong số những thiếu niên tình nguyện ở lại bảo vệ thủ đô và xông lên chiến hào ngày ấy có một cô bé - nữ Vệ út duy nhất ở Hà Nội. Câu chuyện của người nữ Vệ út này 60 năm sau đầy ắp kỷ niệm yêu thương về những đồng đội nhỏ tuổi.

Búp bê và bài thơ Vệ quốc

Con đường đến với Vệ quốc quân của cô bé Vũ Thị Nhâm - nữ Vệ út duy nhất của Trung đoàn Thủ đô - cũng như bao thiếu niên Hà Nội trong cơn bão tố của dân tộc: muốn trả thù những kẻ đã đốt cháy nhà mình.

Tháng 12-1946, trước ngày toàn quốc kháng chiến, cô bé Nhâm chỉ mới 13 tuổi và được phân công trong đội cứu thương cảm tử của Vệ quốc đoàn.

Giờ đây, ở tuổi gần 80, bà Nhâm vẫn nhớ như in những đồng đội trong những ngày lửa đạn ấy. Bà kể: “Trong những ngày tham gia đội cảm tử, những Vệ út chúng tôi vẫn giữ được nét hồn nhiên của những đứa trẻ Hà Nội, không sao nguôi được nỗi nhớ nhà, nhớ bố mẹ. Nhưng cuộc chiến ác liệt làm chúng tôi quên mau. Giữa bom đạn, vậy mà bản tính trẻ con vẫn hồn nhiên.

Tôi nhớ có lần nhặt được một con búp bê bằng vải rất đẹp mà tôi nghĩ là của một cô bé con một nhà tư sản đánh rơi khi đi tản cư, tôi mang về đơn vị giặt sạch sẽ rồi cất rất kỹ. Ban ngày vượt lửa đạn làm liên lạc, cứu thương và ban đêm lại mang búp bê ra ôm ngủ ngon lành, trên môi vẫn nở nụ cười như không hề có chiến tranh”.

Bà Nhâm đến nay vẫn còn cất giữ một bài thơ mà bà gọi là báu vật của đời bà trong suốt 60 năm qua, chẳng lửa đạn hay thời gian nào đốt cháy được. Bài thơ của một anh Vệ quốc quân tặng bà trong những ngày khói lửa khi bà khóc nhớ mẹ, nhớ nhà:

Em mới tuổi mười ba/ Tuy bé lòng hăng hái/ Bỏ nhà quyết xông pha/ Nắng mưa quen dãi dầu/ Đói rét dạ chẳng sờn/ Bố mẹ nhà hiu quạnh/ Mong đợi đứa con thơ/ Ngoài kia súng còn nổ/ Chinh chiến gác tình quê/ Ngày mai vui độc lập/ Mẹ ơi con sẽ về!

Anh hùng tuổi lên mười

P63Vz2LS.jpgPhóng to

Sáng sớm 18-2-1947, đồng bào chở đò đưa bộ phận cuối cùng của Trung đoàn Thủ đô vượt sông Hồng Ảnh tư liệu

Theo tư liệu lịch sử Đội TNTP Hồ Chí Minh, chiến công và sự hi sinh của những Vệ út trong Trung đoàn Thủ đô đã đóng vai trò rất to lớn trong 60 ngày đêm Hà Nội kháng chiến, phá hủy và thu được nhiều vũ khí... Cùng thời gian đó, trên cả nước xuất hiện các đội thiếu niên như đội thiếu niên Sài Gòn, Biên Hòa, Đồng Tháp Mười… đã noi gương Vệ út thủ đô hưởng ứng toàn quốc kháng chiến.

Cuối năm 1947, Trung đoàn Thủ đô có chủ trương đưa trả những Vệ út về gia đình nhưng không sao thực hiện được. Vệ út toàn là những đứa trẻ mồ côi và không còn người thân, những Vệ út có người thân thì không biết gia đình đi tản cư kháng chiến đã về đâu.

Đầu năm 1948, Trung đoàn Thủ đô tìm ra cách giải quyết: những Vệ út trên 15 tuổi được trở thành những người lính thực thụ, được biên chế vào những đơn vị chiến đấu, còn lại 30 chiến sĩ nhỏ tuổi dưới 14 được giữ lại để thành lập đội tuyên truyền, sau là Đội tuyên văn của Trung đoàn Thủ đô.

Đến năm 1950, Đội tuyên văn giải tán, các Vệ út mỗi người một nơi: người vào quân ngũ tham gia những trận đánh, người thành anh lính làm phim có mặt trên khắp trận địa, người trở thành nghệ sĩ nhân dân đầu ngành của một môn nghệ thuật…

Họ bặt tin nhau đến 50 năm. Mãi đến năm 1996, Vệ út Đặng Văn Tích mới có cơ hội gặp mặt một số Vệ út để viết cuốn tư liệu tại Lai Xá, Hoài Đức (Hà Tây). Nhưng trong lần gặp mặt ấy cũng chỉ có ít người…

Bà Nhâm là bác sĩ Quân y viện 108, sau năm 1975 bà chuyển công tác sang Vụ Chăm sóc sức khỏe (Bộ Y tế) đến khi về hưu, hiện bà sống tại khu tập thể Quân đội ở phố Tôn Thất Thiệp, Hà Nội. Đối với bà, nhiều chiến sĩ thiếu niên ngày ấy dũng cảm như anh hùng. Bà đã từng được chiến đấu với những người anh hùng đó, để lại trong bà niềm khâm phục đến bây giờ vẫn còn nguyên vẹn.

Bà Nhâm kể: “Năm 1946 trong 60 ngày đêm tôi và Trần Ngọc Lai cùng trung đội trưởng Cát Văn Soan, tiểu đoàn 103 (Trung đoàn Thủ đô) chiến đấu ở khu Đông Kinh Nghĩa Thục. Lai nhỏ hơn tôi hai tuổi, nhanh nhẹn, ít nói nhưng sống tình cảm. Lai không kể nhiều về gia đình và chỉ biết Lai trốn nhà ở lại với lực lượng kháng chiến bảo vệ thủ đô. Lai là người có khả năng xử lý nhanh những tình huống nguy cấp và lúc nào cũng mang theo mình vài quả lựu đạn giắt bên hông như người lính thực thụ”.

Sáng sớm 7-2-1947, trời Hà Nội u ám như mùa đông, khi bà và Lai vừa tỉnh dậy đã trông thấy những chiếc xe tăng và xe thiết giáp quân Pháp từ đầu cầu Long Biên tiến vào đường Trần Nhật Duật để đánh úp chiến lũy Trường Ke. Ở Trường Ke, trung đội trưởng Cáp Văn Soan chỉ có 15 chiến sĩ và mấy khẩu tiểu liên đang lo tìm cách chống địch.

Khoảng 8 giờ sáng, quân Pháp nổ súng bắn như vãi đạn và đưa bộ binh đánh thẳng vào Trường Ke. Bà định lao đi xin cứu viện theo lời của trung đội trưởng Soan thì Lai cản lại: “Chị để em đi!”. Giữa những làn lửa đạn, Lai như con sóc lao vụt ra ngoài. Đôi tay nhỏ nhắn của Lai bám thoăn thoắt vào đường máng dẫn nước tụt nhanh xuống thoát khỏi nhiều làn đạn địch sượt qua rồi chạy nhanh về phía ban chỉ huy tiểu đoàn bên kia phố. Hơn 10 phút sau, Lai trở về cùng đoàn quân cứu viện.

“Quân Pháp biết có một thiếu niên làm giao liên đã dũng cảm cắt làn đạn đi tìm quân cứu viện cho Trường Ke, nên viên chỉ huy ra lệnh binh lính phải bao vây bắt sống cho được người giao liên dũng cảm đó. Trong một lần lao đi tìm cứu viện, Lai lọt vào vòng vây của lính Pháp. Giặc quyết bắt sống nên tràn tới nhưng Lai không hề nao núng, tháo ngay ngòi nổ quả lựu đạn và ném về phía quân Pháp. Một tiếng nổ chát chúa, ba tên Pháp nằm sóng soài trên mặt đất, những tên khác kinh hãi lùi ra xa. Lai cũng từ từ gục xuống. Một dòng máu đỏ chảy dài và thấm đẫm chiếc áo mỏng Lai đang mặc” - bà Nhâm bồi hồi nhớ lại.

Lai ngã xuống, những tiếng thét “Trả thù cho em Lai” vang dậy cả Trường Ke, những tiếng xung phong xen lẫn tiếng lựu đạn, tiếng súng nổ ầm ầm. Quân Pháp xô nhau chạy kéo theo những xác chết và những tên bị thương chạy về phía khách sạn Đồng Lợi. PGS-TS-NSND Lê Ngọc Canh - Vệ út năm xưa từng có mặt trong đám tang Trần Ngọc Lai - hồi tưởng: “Ngay tối hôm ấy, cả trung đội làm lễ truy điệu cho liệt sĩ Trần Ngọc Lai. Những người có mặt không kìm được lòng trước cảnh cô bé Vệ út Vũ Thị Nhâm đầm đìa không chịu rời xác chú bé Lai, người mà cô xem như em ruột”.

Trưởng ban liên lạc Trung đoàn Thủ đô, đại tá Nguyễn Trọng Hàm (nguyên tham mưu phó Quân khu Thủ đô, năm 1946 là trung đội trưởng trung đội 2, tiểu đoàn 102) kể: “Sau khi Trần Ngọc Lai hi sinh, câu chuyện về cậu bé anh hùng đã lan truyền trên tất cả chiến tuyến, trên từng góc phố, căn nhà. Các đơn vị chiến đấu coi Lai là tấm gương để học tập, trụ vững tinh thần chiến đấu cho những ngày sau”.

-------------------------

Những đứa trẻ tuổi lên 10 vẫn kiên cường băng qua lửa đạn, tiếp tế khí giới và quân nhu từ ngoại thành cho các chiến sĩ thủ đô. “Chúng tôi cứ lặng lẽ đi trong đêm, đường tối mịt mà phía trước bầu trời thủ đô rực lên, ai cũng muốn bước thật nhanh”.

Đón đọc kỳ tới:Tiểu đội nhí và “chiến thuật xe bò”

TRẦN ĐÌNH TÚ
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên