22/04/2023 09:02 GMT+7

Nữ trung tá 25 năm cảm hóa bệnh nhân trại giam

Nơi góc giường bệnh xá, nữ trung tá đến hỏi han và thăm khám sức khỏe từng phạm nhân. Những mái đầu đã bạc không giấu được xúc động cảm ơn cán bộ y tế đã chăm sóc sức khỏe cho họ suốt hàng chục năm qua.

Nữ trung tá Trần Thị Vĩnh Thủy chăm sóc sức khỏe cho phạm nhân K. lớn tuổi nhất trong trại giam Ngọc Lý - Ảnh: HÀ THANH

Nữ trung tá Trần Thị Vĩnh Thủy chăm sóc sức khỏe cho phạm nhân K. lớn tuổi nhất trong trại giam Ngọc Lý - Ảnh: HÀ THANH

Vướng vào vòng lao lý với tội danh lừa đảo chiếm đoạt tài sản, phạm nhân N.M.K. (78 tuổi) phải trả giá bằng bản án 30 năm. Tại trại giam Ngọc Lý (Bắc Giang), bà K. là phạm nhân lớn tuổi nhất. 

Do tuổi cao sức yếu, lại bị bệnh tim bẩm sinh, trong những năm tháng ở trại giam, bà K. được cán bộ y tế tận tình chăm sóc sức khỏe.

Trong câu chuyện kể, bà xúc động nhớ lại ngày mới vào trại may mắn nhận được tình thương, sự quan tâm của các cán bộ quản giáo, cán bộ y tế, giúp bà sớm nhìn nhận được lỗi lầm của mình và yên tâm cải tạo đợi ngày trở về.

Đôi lúc chúng tôi cũng gặp phải phạm nhân gây khó dễ, do đó cần áp dụng phương pháp "lạt mềm buộc chặt", "mềm nắn, rắn buông", xem xét từng đối tượng phạm nhân để điều chỉnh cách giáo dục, cảm hóa họ.

Chị VĨNH THỦY

Đánh thức mầm thiện

25 năm công tác tại trại giam Ngọc Lý, nữ trung tá Trần Thị Vĩnh Thủy (46 tuổi, cán bộ y tế) nói nếu không có lòng yêu nghề thì có lẽ chị cũng như các đồng nghiệp ở đây không thể gắn bó với công việc đến tận bây giờ.

Ra trường năm 1998, chị Thủy được phân về công tác tại trại giam Ngọc Lý. Mới đầu còn nhiều bỡ ngỡ trong công việc, dần dà qua thời gian tiếp xúc nhiều với phạm nhân đã giúp nữ cán bộ y tế trang bị được thêm kiến thức, đáp ứng được công việc được giao.

Chị bộc bạch công tác chăm sóc sức khỏe trong trại giam với bệnh nhân phạm nhân khác hơn rất nhiều so với môi trường bên ngoài. Trong trại giam, nhiều người có tiền án, tiền sự, có người nhiễm HIV. 

Công việc đối mặt với nhiều hiểm nguy, nhưng khó khăn hơn cả là phạm nhân khi vào trại thường mang tâm lý tiêu cực, hoang mang lo sợ, ân hận, day dứt với hành vi phạm tội của mình; có người tự ti, mặc cảm, thậm chí tỏ thái độ chống đối.

Nữ trung tá kể có trường hợp phạm nhân giấu bệnh không chịu chia sẻ với cán bộ y tế, hoặc có phạm nhân giả vờ bệnh để được đi khám mà không phải đi lao động. Do đó, mỗi cán bộ phải luôn đồng hành, theo sát với phạm nhân, tìm hiểu về nhân thân của họ. 

Ngoài công tác y tế, chị còn nắm bắt tâm sinh lý của từng người, qua đó giáo dục tâm lý để đánh thức mầm thiện trong họ, giúp phạm nhân an tâm cải tạo, sớm hoàn lương trở về với gia đình và xã hội.

Nên duyên cùng đồng nghiệp trong trại giam

Cả tuổi thanh xuân gắn bó với trại giam, trung tá Thủy bẽn lẽn "bật mí" chuyện gia đình. Dù công việc có khó khăn, vất vả nhưng đổi lại đã giúp chị "an cư, lạc nghiệp", lại còn cho chị gặp gỡ được người bạn đời. 

Anh cũng là cán bộ y tế ở trại giam Ngọc Lý, gắn bó với chị từ ngày đầu về trại. Chị tâm tình có lẽ chỉ có "người đồng chí, đồng đội, đồng việc" mới có thể sẵn sàng thấu hiểu và san sẻ cho nhau trong công việc cũng như trong cuộc sống.

Nhớ nhất là hơn hai năm đằng đẵng với cuộc chiến dịch bệnh COVID-19. Môi trường trong trại giam đặc thù, công tác phòng chống dịch còn vất vả hơn gấp bội.

Dịch bệnh bùng phát, dù nhà ở sát cổng trại giam nhưng vợ chồng chị chẳng ai được về nhà, ở tại trại giam cùng với các cán bộ và phạm nhân. Thậm chí hai vợ chồng cũng chẳng được gặp nhau dù làm cùng đơn vị (chồng làm ở khu trung tâm chỉ huy, còn chị Thủy làm ở phân trại). 

Lúc đó, hai vợ chồng đành nhờ bà nội lên trông nom nhà cửa, chăm sóc cho các con.

"Con em của cán bộ chiến sĩ trong trại giam thường thiệt thòi hơn vì bố mẹ phải đi sớm về muộn, không có nhiều thời gian chăm sóc con, quan tâm nhiều đến các con. Nhưng vợ chồng tôi cũng cố gắng thu xếp, lúc nào không phải trực thì giúp đỡ, động viên con cố gắng" - chị tâm tình.

Với 25 năm công tác, trung tá Thủy nhẩm tính khoảng 20 năm chị trực giao thừa ở bệnh xá, còn lại số lần được đón giao thừa bên gia đình chỉ đếm trên đầu ngón tay. 

Khoảnh khắc giao thừa thiêng liêng ai ai cũng nhớ gia đình, nhớ con cái nhưng họ động viên nhau cố gắng vượt qua nỗi nhớ nhà để hoàn thành tốt nhiệm vụ được giao.

Niềm vui nhất của nữ cán bộ y tế chính là chứng kiến các phạm nhân ở trại thay đổi nhận thức, yên tâm cải tạo, cải tạo tốt để nhận được sự khoan hồng của Đảng và Nhà nước.

Trại giam Ngọc Lý (thuộc Cục C10, Bộ Công an) hiện đang giam giữ khoảng 4.800 phạm nhân, trong đó có hơn 600 phạm nhân nữ. Ở đây, các phạm nhân thường được học các nghề như dệt may, kim hoàn, làm túi, làm vàng mã...

Nhờ sự động viên, giáo dục của cán bộ quản giáo, các phạm nhân đã học thêm được con chữ, chăm chỉ lao động, học nghề với mong mỏi sau khi hoàn lương sẽ tìm được việc làm ổn định cuộc sống.

Cảm hóa phạm nhân bằng tình thương

Gương mặt toát lên vẻ cương nghị, nhưng mỗi khi nhắc đến trường hợp phạm nhân trong độ tuổi thanh thiếu niên, trung tá Thủy không giấu được xúc động, nét cương nghị nhường chỗ cho sự dịu dàng trong đáy mắt.

Những phạm nhân ấy lớn lên, trưởng thành trong trại giam, tâm sinh lý phát triển mà không được gần gũi bố mẹ, hằng ngày chỉ có cán bộ quản giáo nhắc nhở, giáo dục. Ngoài trách nhiệm công việc được giao, chị Thủy còn thường xuyên động viên, chuyện trò, tìm hiểu từng hoàn cảnh, cảm hóa phạm nhân bằng tình thương.

Nhờ lợi thế "tính nữ" đã giúp chị dễ dàng gần gũi, động viên phạm nhân, tạo được niềm tin để họ cởi bỏ được ngại ngần mà chia sẻ câu chuyện của mình với các cán bộ y tế.

Nữ trung tá công an đi gìn giữ hòa bình quốc tếNữ trung tá công an đi gìn giữ hòa bình quốc tế

TTO - Đằng sau gương mặt dịu dàng là bản lĩnh kiên cường được tôi luyện nhiều năm, trung tá Lương Thị Trà Vinh đã sẵn sàng là nữ sĩ quan công an Việt Nam đầu tiên lên đường thực hiện nhiệm vụ gìn giữ hòa bình quốc tế.

Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên