Thanh Lam (bìa trái) trong chuyến đi dự hội thảo Grace Hopper Celebration (GHC) ở Mỹ. Đây được xem là một trong những hội thảo về công nghệ dành cho phụ nữ lớn nhất thế giới - Ảnh nhân vật cung cấp
Đầu năm 2021, phóng viên Tuổi Trẻ "xông nhà" Thanh Lam nhân dịp bạn về Việt Nam nghỉ lễ.
* Ý định chinh phục các công ty công nghệ lớn của Lam có từ lúc nào?
- Tôi nhập học Trường ĐH Khoa học tự nhiên (ĐH Quốc gia TP.HCM) đúng vào năm trường có sáu anh sinh viên được Google nhận thực tập. Các anh tiếp cho tôi một khát khao lớn và một cơ sở để tin rằng đường đến các công ty công nghệ lớn không phải là giấc mơ, mà là thực tế có thể đạt được.
Năm hai ĐH, tôi có thời gian dạy kèm về thuật toán cho một số du học sinh. Các bạn động viên tôi có tiềm năng và nên ứng tuyển vào Google. Thế là tôi bắt đầu nộp hồ sơ lần đầu tiên.
* Kết quả lần đầu đó thế nào?
- Tôi rớt ngay vòng hồ sơ. Người ta nhận xét tôi chưa có nhiều kinh nghiệm dù đã có thời gian đi làm cho một số công ty từ năm nhất. Năm ba ĐH, tôi vượt qua vòng hồ sơ của Google nhưng không đậu phỏng vấn. Cùng lúc, tôi dự tuyển thực tập sinh cho Facebook. Tôi qua vòng phỏng vấn đầu nhưng dừng lại ở vòng sau. Lý do là ngoại ngữ cần rèn luyện thêm.
Năm thứ tư tôi tiếp tục thử sức. Lần này Facebook "gật đầu" cho tôi một suất thực tập 3 tháng ở Anh, sau đó đề nghị tôi ở lại làm việc. Google cũng đề xuất cho tôi một công việc toàn thời gian tại Đức. Sau khi cân nhắc, tôi quyết định chọn Facebook.
* Theo bạn thì vì sao mình được chọn?
- Lý do cụ thể tôi cũng không rõ. Theo tôi, điểm GPA không quan trọng lắm. Thay vào đó, hồ sơ cần có một số điểm nổi bật và thể hiện được bản thân có thể thích nghi với môi trường quốc tế. Chẳng hạn trong những năm ĐH, tôi cố gắng tham gia các kỳ thi lập trình online, nhiều hoạt động học tập, giao lưu để tăng kỹ năng.
Ngoài ra, mỗi năm tôi đều thực hiện một số dự án. Có thể là dự án riêng hoặc của một nhóm, có thể là dự án nhỏ hoặc lớn. Không cần làm những gì khổng lồ. Trước hết mình phải thích, phải có ý nghĩa và bản thân phải học được nhiều điều qua dự án đó.
Những mục khác trong hồ sơ cũng không cần thật sự hoành tráng nhưng cần cho thấy mình tiến bộ qua từng năm. Các công ty thích tìm một ứng viên chịu khó học hỏi. Cũng không nên "nhảy" quá nhiều công ty mà không để lại những thay đổi tích cực nào.
* Về chuyên môn, học hoàn toàn ở Việt Nam bạn có bị "lép vế" trước các đồng nghiệp từ những nước phát triển hay không?
- Trước khi sang Anh tôi có chút băn khoăn như thế. Nhưng sang rồi mới biết những kiến thức học được ở ĐH trong nước trang bị cho tôi nền tảng khá chắc chắn. Người ta thường nói ĐH ở Việt Nam thiên về lý thuyết nhưng mặt khác sẽ giúp hiểu biết rất sâu. Thậm chí có đồng nghiệp nước ngoài còn tưởng tôi đã học thạc sĩ!
Tuy nhiên, về kỹ năng thì không bằng. Các bạn châu Âu rất tự tin, giỏi hơn về nhiều mặt như khả năng thuyết trình, hỏi đáp, tư duy và cách xử lý tình huống...
Có lộ trình rõ ràng
Những năm phổ thông, Đỗ Thanh Lam giành giải nhất Hội thi tin học trẻ toàn quốc, hai huy chương vàng và bạc cuộc thi Olympic truyền thống 30-4 và giải khuyến khích kỳ thi học sinh giỏi quốc gia môn tin học. Thầy Phạm Nguyễn Sơn Tùng - giảng viên Trường ĐH Khoa học tự nhiên (ĐH Quốc gia TP.HCM) - nói Thanh Lam luôn biết cách làm cho mình trở nên đặc biệt. Từ cách làm việc đến cách học tập, Lam luôn rõ ràng cụ thể và luôn có lộ trình để đạt được cái mình mong muốn.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận