Tú Chinh tập luyện tại tổ hợp thể thao New Clark City ngày 5-12 và bảng so sánh thành tích với đối thủ Ảnh: K.XUÂN - Đồ họa: N.KH.
Đội tuyển điền kinh Việt Nam với 46 VĐV sẽ thi đấu từ ngày 6 đến 10-12 tại tổ hợp thể thao New Clark City.
“Ngoài việc có hai VĐV nhập tịch rất mạnh phân bổ thi đấu ở cả hai nội dung, Philippines còn cố tình xếp cự ly 200m thi đấu trước 100m để phá sức Tú Chinh. Dù gặp rất nhiều khó khăn, nhưng cô trò tôi sẽ nỗ lực hết sức mình.
HLV NGUYỄN THỊ THANH HƯƠNG
Chủ nhà lại làm khó
Có mặt tại làng VĐV từ ngày 2-12, nhưng điều kiện tập luyện của các VĐV không mấy thuận lợi do ảnh hưởng của siêu bão Kammuri. Ngày 4-12, do lắp đặt hệ thống máy móc trên sân điền kinh để chuẩn bị thi đấu nên ban tổ chức (BTC) không cho bất cứ đội nào vào sân chính tập luyện. Các VĐV phải di chuyển ra sân phụ để tập.
Ông Dương Đức Thủy - trưởng bộ môn điền kinh - cho biết thông thường muộn nhất là một tháng trước khi SEA Games diễn ra, các đoàn phải biết được sơ đồ đường chạy marathon (42km) để chuẩn bị tập luyện.
Do marathon (42km) là quãng đường rất dài, có thể lên - xuống dốc, nhiều khúc cua, địa hình phức tạp nên VĐV phải được biết để luyện tập hay để ít nhất là không bị lạc đường khi thi đấu.
Nhưng Philippines đã quyết "giấu" đường chạy đến tận cuộc họp kỹ thuật ngày 5-12 mới công bố. Và ngay ngày thi đấu đầu tiên của điền kinh vào hôm nay (6-12), BTC xếp marathon thi đấu luôn.
Điều này khiến đội chạy marathon Việt Nam vô cùng lo lắng, trong khi nội dung này cũng được hi vọng giành HCV từ các VĐV Phạm Thị Hồng Lệ, Phạm Thị Huệ.
Cạnh tranh khốc liệt Việt Nam - Thái Lan
Tại SEA Games 29, điền kinh Việt Nam từng giành 17 HCV, vượt qua Thái Lan để đứng đầu khu vực. Đây cũng là đỉnh cao nhất mà điền kinh Việt Nam từng giành được tại đấu trường SEA Games.
Tuy nhiên vào lúc này, điền kinh Việt Nam chỉ đặt chỉ tiêu giành 13-14 HCV khi VĐV Bùi Thị Thu Thảo (nhảy xa) bất ngờ không tham dự SEA Games vì lý do cá nhân. Còn "nữ hoàng" tốc độ Lê Tú Chinh phải đối mặt với các VĐV nhập tịch rất mạnh từ Philippines.
Ông Thủy phân tích: "Tại SEA Games 30, đội nào giành được 15 HCV trở lên sẽ đứng đầu Đông Nam Á. Cuộc đua năm nay rất khốc liệt bởi Thái Lan sẽ tìm mọi cách để lấy lại vị thế số 1, còn Việt Nam cũng quyết bảo vệ ngôi vị mình đang nắm giữ".
Trong số các VĐV được kỳ vọng đoạt HCV, các nữ VĐV vẫn là chủ lực với Nguyễn Thị Oanh (mục tiêu giành 3 HCV ở các nội dung 1.500m, 3.000m vượt chướng ngại vật, 5.000m); Quách Thị Lan, Nguyễn Thị Huyền (400m và 400m rào); Khuất Phương Anh (800m); Nguyễn Thị Thanh Phúc (đi bộ 20km); Phạm Thị Hồng Lệ (marathon); Lê Tú Chinh (100m, 200m)... Các VĐV này cũng sẽ là chủ lực để tranh vàng ở hai nội dung tiếp sức nữ 4 x 400m và 4 x 100m.
Thách thức lớn từ... VĐV sinh viên Mỹ
Ở đường chạy 100m, Philippines hiện đang sở hữu VĐV nhập tịch từ Mỹ là Kristina Knott - người có phong độ ấn tượng hơn Tú Chinh trong năm 2019. Thành tích tốt nhất một năm qua của Knott là 11,42 giây ở Giải Grand Prix châu Á (Tú Chinh: 11,67 giây). Trên bảng xếp hạng các VĐV nữ cự ly 100m ở châu Á, Knott xếp hạng 7, còn Tú Chinh hạng 17.
Ở nội dung 200m, trong năm 2019, Tú Chinh chỉ đạt thành tích 23,79 giây, kém xa kỷ lục 23,32 giây mà cô thiết lập ở SEA Games 2017. Philippines lúc này cũng đang sở hữu một trong những VĐV trẻ mạnh nhất châu Á ở nội dung này là Zion Corrales-Nelson (cũng nhập tịch từ Mỹ). Từng đạt thành tích 23,16 giây trong năm 2019, Zion hoàn toàn bỏ xa Tú Chinh.
Cả Knott và Zion đều xuất thân từ Giải thể thao sinh viên Mỹ (NCAA) và còn trẻ (Knott 24 tuổi, Zion 21 tuổi). Do đó, SEA Games 30 rất có thể sẽ trở thành bệ phóng để họ tung hoành ở đường chạy châu Á trong những năm tới.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận