09/06/2013 15:20 GMT+7

"Nữ hoàng" đội quân 400 lính cấy mướn

VĂN HẢI
VĂN HẢI

TT - Nắm trong tay quân số 400 người, được xem là đội gieo cấy mướn lớn nhất miền Tây, chị Nguyễn Thị Kim Liên (Mười Liên, 46 tuổi, ngụ ấp Vĩnh Thành, xã Vĩnh An, huyện Châu Thành, tỉnh An Giang) được mệnh danh là “nữ hoàng” của đoàn quân cấy mướn.

UCvfF1BP.jpgPhóng to
Đoàn quân cấy mướn hùng hậu hàng trăm người trên đồng - Ảnh: Văn Hải
CEvNWYsT.jpg

Chị Mười Liên - Ảnh: Văn Hải

Cánh đồng xã Tân Lập (Tịnh Biên) đang làm đòng nhưng đâu đó dưới ruộng vẫn còn in dấu chân của đoàn quân vạn cấy. Nhìn xa xa, cánh đồng lúa phất phơ vươn mình xanh tốt, Mười Long - ông “vua lúa” của vùng đồng đất phèn - tỏ ra ưng bụng với đội quân gieo cấy. Thấy đám lúa xanh đang làm đòng thẳng tắp, Mười Long cười khà: “Chị Mười Liên tài thật, dẫn cả một đoàn quân cấy mướn hàng trăm người, ai nấy cũng khéo tay. Năm nay, tôi sản xuất 1.000 công giống lúa jasmin. Biết tiếng chị Mười Liên đã lâu nên vụ hè thu này tôi thuê chị đến gieo cấy. Hôm nay, gần hai tháng lúa sắp trổ bông, trông thật đẹp...”.

Đoàn quân vạn cấy

Hôm gặp chị Mười Liên cũng là lúc chị đang chuẩn bị dẫn đoàn quân sang Đồng Tháp cấy mướn. Hễ nhắc đến đoàn quân của Mười Liên, nông dân trong tỉnh đều biết đó là “đội quân tóc dài” nức tiếng. Họ đi đến đâu là dệt lên những vạt mạ non xanh lì trên đồng ruộng đến đó. Để tổ chức được một đoàn quân cấy mướn hàng trăm phụ nữ như ngày nay, chị Mười Liên đã trải qua một quãng đường gian nan, vất vả. Chị kể, hồi trước gia đình nghèo, chị học hết cấp I thì nghỉ. Lớn lên chị đi làm thuê, cấy mướn đồng xa để phụ giúp gia đình. Năm 17 tuổi, mỗi ngày chị Mười Liên có thể đứng cấy 1 công lúa.

“Ngày trước, đời sống người dân ven kênh Mặc Cần Dưng rất khó khăn, nhiều gia đình có con em đều cho nghỉ học để làm thuê kiếm sống. Lúc đó, nghề cấy mướn chưa thịnh hành do ở địa phương chưa có công ty sản xuất giống. Do đó, phụ nữ tụi tôi chủ yếu vào nghề cấy giặm. Suốt ngày quần quật ngoài đồng, các chị em thường nói vui với nhau: “Nghề cấy mướn quanh năm bán mặt cho đất, bán lưng cho trời”. Khoảng thập niên 1990, dụng cụ sạ hàng rất thịnh hành, nông dân đua nhau mua về canh tác lúa. Thấy dụng cụ sạ hàng chiếm thế “thượng tôn”, chị em phụ nữ chúng tôi tưởng chừng nghề cấy đã bị mai một. Nhiều lúc ai cũng muốn bỏ nghề cấy để chuyển sang buôn bán tạp hóa cho đỡ cực” - chị Mười Liên nhớ lại.

Thế nhưng, thật bất ngờ, trên tỉnh lộ 941 ở xã vùng sâu Tà Đảnh, huyện Tri Tôn đột ngột hình thành Công ty TNHH dịch vụ nghiên cứu sản xuất giống cây trồng Bình Minh. Nhờ vậy, nghề cấy được vực dậy do nhu cầu sản xuất giống của công ty ngày càng mạnh. Còn nhớ, trước đây các kỹ sư cơ khí cũng chế tạo những chiếc máy cấy lúa ứng dụng trên đồng nhưng không hiệu quả. Do đó, nghề cấy truyền thống bắt đầu “thăng hoa” trở lại. Chị Mười Liên bồi hồi kể: “Ban đầu, được sự giới thiệu của nông dân, công ty đến tận nhà kêu tôi dẫn quân cấy mướn. Thời điểm bấy giờ trong xóm chỉ có khoảng 10 phụ nữ theo tôi cấy mướn. Còn các chị em khác và những bé gái mới lớn chưa mặn mòi công việc cực khổ này. Đảm nhận công cấy ngày càng nhiều, 10 chị em không kham nổi, tôi mới đến từng nhà vận động mọi người tham gia cấy mướn. Dần dà nghề cấy mướn thu nhập khá nên phụ nữ trong xóm xin gia nhập đội quân ngày càng đông. Từ đó đến nay, số lượng tăng lên hàng trăm người”.

Trung bình một ngày mỗi người cấy từ 4g-11g. Một công hai người cấy, mỗi người được nhận tiền công 150.000-200.000 đồng. Mỗi năm, đội quân của chị Mười Liên nhận cấy thuê hàng chục ngàn hecta. Tuy nhiên, trong quá trình đi cấy dẫn một đội quân đông như vậy rất phức tạp, nhất là đi cấy ở đồng xa. “Cấy đồng nhà thì mấy ông chồng cho đi. Còn cấy đồng xa thì mấy ổng ghen do lâu ngày mới về. Riêng tôi được chồng cảm thông nên cho đi cấy xa. Ban đầu đi đồng xa, nhiều phụ nữ rất ngại. Hay tin, tôi với ông xã đến tận nhà vận động, giải thích quyết liệt. Cuối cùng mấy ổng cũng cho vợ đi cấy xa. Trong chuyến đi, điều khó nhất vẫn là chỗ ăn chỗ ở, bởi hầu hết là phụ nữ. Do đó, khi nhận công cấy tôi đi trước để chọn địa điểm, rồi che bạt, che lều tạm trên đê cho các chị tá túc” - chị Mười Liên kể.

Mang quân đi cấy khắp nơi

Làm ăn ngày càng uy tín, đoàn quân cấy mướn do chị Mười Liên đứng đầu được nhiều người biết đến. Để tên tuổi đội cấy được vang xa, chị Mười Liên đã thành lập “nghiệp đoàn đội cấy Mười Liên”. Khi phục vụ đồng nhà xong thì đội quân gieo cấy của chị Mười Liên tràn sang các tỉnh thành khác. “Phụ nữ trong đội cấy đi làm mãn năm. Khi thì qua Tam Nông, tỉnh Đồng Tháp, đến mùa lúa xanh đầy đồng thì chuyển sang tỉnh Vĩnh Long, Long An. Mùa mưa thì xuôi về Cà Mau cấy lúa nước mặn cho người dân nuôi tôm... Ai vào nghề cấy cũng phải đi khắp miệt nên có việc làm và thu nhập liên tục. Hầu hết chị em cấy mướn hoàn cảnh đều khó khăn hoặc nghèo. Nhiều chị gia cảnh đơn chiếc, khốn khó, tôi phải đứng ra cho ứng tiền trước để làm kinh phí mua sắm xe, khi cấy hết mùa thì trả lại. Người này trả xong thì tiếp tục cho người khác mượn, đồng tiền cứ xoay vòng. Ngoài ra, trong đội cấy hễ có người ốm đau thì tôi cũng đứng ra lo liệu thuốc thang” - chị Mười Liên bộc bạch.

Với vai trò là người đứng đầu của đoàn quân vạn cấy, chị Mười Liên lúc nào cũng lo toan vì mọi người. Thậm chí, chị còn kêu gọi được hàng chục phụ nữ cùng quê đang làm ở Bình Dương với thu nhập thấp trở về bám quê sinh sống bằng nghề cấy mướn. Chị Mười Liên kể: “Tôi gọi điện thoại lên Bình Dương kêu được khoảng 30 cặp vợ chồng trở về quê gia nhập nghiệp đoàn. Thấy cuộc sống của họ trên đó khó khổ, tôi mới kêu họ về quê tham gia cấy mướn”.

Hơn 10 năm trong nghề cấy mướn, chị Mười Liên đã dẫn dắt đoàn quân vạn cấy đi khắp đồng bằng sông Cửu Long. Lần giở cuốn tập ghi chép nhật ký cấy mướn, chị Mười Liên khoe: “Sáu Đức mở công ty giống khoảng ba năm nay. Năm nào đến vụ sạ lúa cũng gọi điện dặn trước cho chúng tôi phải phân bổ 150-200 quân vào Lương An Trà để cấy cả nghìn công lúa. Ngoài ra còn có Tư Liêu, Hai Cảnh, Công ty giống Phú Phú Kim, Mười Long hoặc Công ty sản xuất gạo Trọng Chinh... cũng gọi đoàn quân gieo cấy đến để phục vụ hàng trăm hecta ruộng. Mấy ông “vua lúa” sản xuất giống rất khó tính nên đòi hỏi mình phải gieo cấy thật kỹ. Vì vậy, nghiệp đoàn chúng tôi luôn tích cực giữ gìn chữ tín lâu dài cho đoàn quân gieo cấy”.

Chia tay chị Mười Liên trong cơn mưa chiều nặng hạt, tôi thầm thán phục người được mệnh danh là “nữ hoàng” của đoàn quân vạn cấy quanh năm tay lấm chân bùn. Chị đã tổ chức được một đoàn quân cấy mướn thật hùng hậu và điều quan trọng là chị đã lo lắng được vấn đề cơm áo cho từng “quân lính” của mình.

Cấy mướn sống khỏe

Điểm đặc biệt là làm lính cấy mướn cho chị Mười Liên nếu giỏi thì lo lắng được cơm áo cho gia đình. Điển hình như vợ chồng anh Trần Văn Trắng mới tham gia đội cấy được bốn năm, họ có hai con đi học, đứa lớn đang học năm 2 ngành du lịch đại học Cần Thơ, đứa nhỏ đang học lớp 12.

Nhà không ruộng rẫy, quanh năm vợ chồng đều sống bằng nghề cấy mướn. Hôm rồi, con gái lớn về xin 15 triệu đồng để đi thực tập, vợ chồng lo được cho con số tiền ấy dù sau đó phải cấy ngày cấy đêm để bù lại. Vợ chồng anh Trắng ở trong số những người siêng năng và cấy giỏi nhất trong đoàn quân gieo cấy của chị Mười Liên.

VĂN HẢI
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên