08/03/2015 09:55 GMT+7

​Nụ cười tranh lộc ở lễ hội Làm chay

SƠN LÂM
SƠN LÂM

TT - Cũng nườm nượp người, cũng chờ thời khắc rồi chen nhau vào tranh lộc, nhưng hoạt động xô giàn ông Tiêu - hoạt động chính của lễ hội Làm chay luôn đầy ắp nụ cười của những người tham gia.

Nụ cười của những người lấy được lộc ở lễ hội Làm chay - Ảnh: Duy Trác

Không ngờ người dân ở đây dễ thương đến vậy. Việc lấy lộc hình như không quan trọng bằng việc họ làm vui cho những người xung quanh

Anh Nguyễn Kiên Định (quê Thái Bình)

Diễn ra trong ba ngày, từ 14-16 tháng giêng, lễ hội Làm chay, thị trấn Tầm Vu, huyện Châu Thành, Long An bao gồm nhiều hoạt động như thi múa lân, văn nghệ đờn ca tài tử, thả thuyền ghe đăng... nhưng hầu như ai cũng chờ đến hoạt động xô giàn ông Tiêu - hoạt động chính của lễ hội vào 24g ngày 16 tháng giêng.

Ông Nguyễn Công Toại - phó chủ tịch Liên hiệp Hội văn học nghệ thuật tỉnh Long An - cho biết ông Tiêu còn gọi là Tiêu Diện đại sĩ, vị bồ tát chuyên hàng yêu phục quỷ.

Hình tượng ông Tiêu được xem như một trong những hình tượng chính của lễ hội và hoạt động thỉnh rước ông Tiêu luôn là tiết mục long trọng nhất.

Ông Tiêu sau khi tạo hình được rước diễu hành qua phố và đến trưa 16 thì về tại giàn chính trước sân đình Tân Xuân. Tại đây, một hàng rào tre được dựng lên bao quanh hai giàn cầu tự và nhiều bánh, kẹo, lộc từ các địa phương trong huyện Châu Thành được bài trí trang trọng giữa sân.

Lễ hội Làm chay có nguồn gốc từ sự kiện Pháp xử bắn hai người yêu nước Đỗ Tường Tự và Đỗ Tường Phong (ông nội vợ của giáo sư Trần Văn Giàu), quân đội Pháp nghiêm cấm việc làm ma chay và khóc thương.

Nhân sự kiện dịch bệnh hoành hành mùa màng cùng thời điểm, nhân dân thị trấn Tầm Vu mượn cơ hội làm trai đàn để xua đuổi côn trùng phá hoại mùa màng, vừa làm lễ trai đàn cho những người yêu nước.

Ngày 5-3, UBND tỉnh Long An đã tổ chức đón nhận danh hiệu Di sản phi vật thể cấp quốc gia dành cho lễ hội Làm chay và danh hiệu Di tích lịch sử cấp quốc gia dành cho đình Tân Xuân.

Đúng 24g, tiếng cầu kinh chấm dứt. Một tiếng loa thông báo quý bà con tham dự lễ cẩn thận với các trẻ em nhỏ vì có thể gây nguy hiểm trong khi tranh lộc.

Tiếng loa vừa dứt, ông Tiêu được đốt cháy, dòng người phía ngoài vỗ tay hò reo và bắt đầu xông vào phía trong hàng rào lấy lộc.

Đây là lúc vui nhất của lễ hội. Tất cả những con dê, tòa nhà... bằng bánh kẹo đều được lật tung để chia nhau. Những người vào trước còn vốc từng chùm bánh, vật phẩm quăng ngược ra cho những người phía ngoài không chen vào kịp.

Cả chân nhang, nến cháy trên các lư đồng cũng được lấy đi, nhưng tuyệt đối không ai leo lên hai giàn cầu kinh để quấy phá, hay chạm tay đến những vật được xem là của đình như lư đồng, bát nhang, lọ hoa.

Nhìn kỹ, ai cũng tranh thủ lấy bánh, lấy kẹo đút nhưng tất cả đều... cười.

Những em bé quây quanh những người lớn giành được các bó hoa trước đó nhoẻn miệng cười xin: “Cho cành hoa làm lộc đi chú”. Những người này tuy đã nhanh tay lấy được các bó hoa lớn nhưng cũng chia lại. Tiếng cười không ngớt.

Sinh ra và lớn lên ngay trước sân đình, ông Toại cho biết mình tham gia tranh lộc từ nhỏ và chưa bao giờ phải bị... trầy xước. “Dân mình ở đây hiền lắm, nhìn thì đông đúc nhốn nháo chứ thực chất họ luôn tham dự với tâm trạng vui là chính” - ông Toại cho hay.

Anh Ngô Duy Trác, một người dân Tiền Giang lần đầu tham gia lễ hội, cho biết: “Lễ hội này đúng là vui thật, xưa giờ tui toàn nghe cảnh nhốn nháo và giành giật ở các lễ hội, nhưng không ngờ cảnh nhốn nháo ở đây lại... yên bình đến thế”.

Hơn nửa giờ, tất cả những vật phẩm trong giàn ông Tiêu đều được người dân chia nhau mang đi. Tiếng cười bắt đầu tản dần về lại các ngả đường trong thị trấn Tầm Vu.

 

SƠN LÂM
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên