Một nhóm bạn trẻ TP.HCM đón chào năm 2015 trong khi chờ xem bắn pháo hoa - Ảnh: Thuận Thắng |
Năm 2014 đã khép lại, nhưng những nụ cười ấy ai cũng muốn mang theo vào năm mới 2015.
Buổi sáng ngày cuối năm 2014, những đoàn ôtô nối nhau qua trạm thu phí Long Phước trên đoạn cao tốc TP.HCM - Long Thành.
Một hình ảnh thú vị: gần như tất cả bác tài đều nhoẻn miệng cười, khuôn mặt đầy vẻ thư thái trước khi nhấn ga đi tiếp. Có câu chuyện thú vị, có niềm vui nào họ vừa nhận được ở đây?
15.000 nụ cười mỗi ngày
Không biết cười thì đi làm việc khác Ông Lê Hà Luân, phó chủ tịch UBND TP Cao Lãnh (Đồng Tháp), đã nói vậy khi kể câu chuyện UBND TP Cao Lãnh đã “gom” nơi làm thủ tục hầu hết các lĩnh vực về một chỗ để người dân khỏi phải đi lòng vòng và: “Cán bộ công chức phải ý thức rằng mình phục vụ dân vô điều kiện, phải biết cười, niềm nở, tận tụy, tận tâm. Ai có suy nghĩ làm cán bộ là để “ăn trên, ngồi trước” thì xin mời làm việc khác”. 16g, ông Trần Văn Trường ở P.Mỹ Phú mở cửa bước vào. Trên tay ông cầm chiếc điện thoại mở sẵn tin nhắn thông báo hồ sơ đất đai của ông đã giải quyết xong. Ông bấm số thứ tự xong mới hai phút đã có tiếng loa thông báo mời ông đến bàn số 7 nhận kết quả. Cầm trên tay giấy chủ quyền, ông cười thật tươi: “Ở đây hẹn 10 ngày sẽ có hồ sơ. Hôm nay mới ngày thứ bảy mà tổng đài nhắn tin thông báo hồ sơ của tui đã xong, mời tui tới nhận”. |
Đó chính là nụ cười và sự tận tình của các nữ nhân viên bán vé thu phí đường cao tốc.
Trong vai một nhà xe, chúng tôi qua trạm thu phí Long Phước lúc 9g ngày 30-12-2014.
Xe vừa dừng, cô nhân viên Lê Thị Hương Giang đã cười thiệt tươi: “Em chào anh!”, rồi tay xé vé, tay nhận tiền vé, thối lại tiền lẻ nhanh chóng, môi vẫn giữ nụ cười duyên. Nhận vé và tiền thối xong, chưa kịp nhấn ga, Hương Giang lại cười: “Anh có rác trong xe không, em bỏ giùm cho?”.
Một bịch vỏ trái cây, thêm bịch cà phê vừa uống cạn được chuyền ra. “Còn bịch nilông ở băng sau để em bỏ giùm luôn” - lại nụ cười tươi của Giang. Không chút nề hà, những bịch rác được cô nhân viên thu phí nhận để khách qua trạm hiểu đó là việc của chính mình, không chút nề hà, ban ơn.
Những câu chuyện như vậy, giới tài xế đã tán chuyện với nhau từ cả năm qua. Ông Nguyễn Hồng Sơn, phó giám đốc Công ty cổ phần Dịch vụ đường cao tốc VN, đồng thời là trưởng Trung tâm điều hành đường cao tốc TP.HCM - Long Thành - Dầu Giây, cho biết cái khó nhất là đưa nụ cười, sự thân thiện ấy trở thành tính cách, phản xạ của gần 50 nhân viên nữ ở trạm thu phí chứ không phải chỉ là trách nhiệm, gượng ép.
“Mỗi ngày 15.000 lượt xe qua trạm, coi như các nhân viên phải nở ít nhất 15.000 nụ cười, không phải là thói quen thì chắc không ai ráng nổi” - ông Sơn nói.
Cười như với người thân của mình
Buổi chiều cuối năm 2014, trong phòng tiếp nhận hồ sơ của UBND Q.1 (TP.HCM), khoảng 40 người dân đang ngồi đợi. Tiếng loa mở to vừa phải thông báo số thứ tự khách.
Chị Hương Lan đến nộp hồ sơ xin làm thủ tục đăng bộ căn nhà mới mua. Cán bộ đưa cho chị một mẫu tờ khai, hướng dẫn chị điền vào. Chị ra bàn chờ ngồi viết, chốc chốc lại chạy vào hỏi cán bộ cách viết như thế nào cho đúng.
Chị cười: “Tui thấy ở đây cán bộ dễ thương quá chừng nên mới dám hỏi. Tui cũng đi làm ở nhiều nơi rồi và thấy có những cán bộ rất đáng sợ, sai một tí, thiếu một tờ giấy gì đó hay lên nhận hồ sơ chậm... là bị người ta mặt nặng mày nhẹ, thậm chí quát mắng. Tui đợi ở đây nãy giờ thấy ai cũng được đối xử lịch sự như mình cả. Nói thiệt, bữa nay đông người vậy, dù có đợi thêm nửa tiếng tui cũng không buồn”.
Gương mặt niềm nở của cán bộ bộ phận tiếp nhận hồ sơ UBND Q.1 (TP.HCM) - Ảnh: Tiến Long |
Người cán bộ mà chị Lan nhắc đến là chị Lệnh Tú Liên (27 tuổi), trực tại quầy 4, tiếp nhận hồ sơ về tài nguyên môi trường. Mỗi ngày, hai cán bộ quầy 4-5 tiếp nhận chừng 70-100 hồ sơ, tất bật không phút nào nghỉ tay.
Chị Liên từng là cán bộ thụ lý hồ sơ của Phòng tài nguyên - môi trường Q.1 ba năm liền. Chị nói công việc đó đã giúp ích rất nhiều cho chị.
Bây giờ chỉ cần xem qua hồ sơ là chị đã biết cần bổ sung những gì, rồi hướng dẫn tỉ mỉ để người dân không phải đi lại nhiều lần.
“Tôi luôn nghĩ những người đến đây cũng giống như người thân của mình đang đi làm giấy tờ về nhà đất, và thửa đất căn nhà của họ đang ở giống như mình cũng có nhà đấy thôi” - chị Liên nói.
Không chỉ ở UBND Q.1, mà mười phường thuộc quận này cũng có những cách làm riêng để gần gũi với người dân hơn.
Ở phường Bến Nghé, mỗi cột mốc quan trọng của đời người như khai sinh, kết hôn... đều được chủ tịch UBND phường trực tiếp tặng thiệp, kèm theo đó là những lời nhắc về việc tổ chức cưới xin, tang ma theo tinh thần văn minh, tiết kiệm được in phía sau.
Ở phường Cô Giang, UBND phường dành hẳn một căn phòng để lãnh đạo phường trực tiếp trao giấy chứng nhận kết hôn, chúc mừng những cặp vợ chồng mới.
Ở phường Bến Thành, việc sao y chứng thực được lưu lại bằng file trên máy tính, khi đi chứng thực lần sau người dân không cần phải photo nữa. Do đó, thủ tục được rút gọn khá nhiều...
Về thái độ ứng xử thân thiện này, ông Lê Trương Hải Hiếu, phó chủ tịch UBND Q.1, cho rằng đó là cả một quá trình, mà trước tiên là xây dựng một môi trường làm việc thân thiện trong chính cơ quan đó.
“Chúng tôi có quy chế ứng xử giữa cán bộ công chức với nhau, giữa cán bộ công chức với lãnh đạo nhằm xây dựng một tập thể gắn bó, đoàn kết để tập trung vào nhiệm vụ chính. Người dân đến ủy ban, dù đang bức xúc đến mức nào nhưng người cán bộ lễ phép, lịch sự là họ dịu lại ngay. Những lời cảm ơn, xin lỗi, thái độ ôn hòa, vui vẻ của cán bộ làm công việc “chạy” nhanh hơn, phục vụ người dân được tốt hơn” - ông Hiếu nói.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận