17/09/2011 11:04 GMT+7

NTC nhận ghế của Libya ở Liên Hiệp Quốc

H.MINH
H.MINH

TTO - Liên Hiệp Quốc đã thể hiện sự ủng hộ mạnh mẽ với Hội đồng chuyển đổi quốc gia Libya (NTC) bằng cách trao ghế của nước này ở Liên Hiệp Quốc, đồng thời xem xét lại những lệnh cấm vận từng được áp đặt với chính phủ tiền nhiệm.

jW9w5Zjk.jpgPhóng to
Từ trái sang, Tổng thống Pháp Nicolas Sarkozy, Chủ tịch NTC Mustafa Abdel Jalil và Thủ tướng Anh David Cameron ở Benghazi ngày 15-9. Venezuela gọi NTC là "chính phủ bù nhìn" - Ảnh: Reuters

Theo AP, cuộc bỏ phiếu ở Đại hội đồng đã cho phép NTC quyền đại diện cho Libya ở tổ chức đa phương lớn nhất hành tinh. Cựu phó đại sứ Libya Ibrahim Dabbashi, người từng lên tiếng ủng hộ quân nổi dậy từ sớm, đã có bài phát biểu trước Hội đồng Bảo an sau đó.

“Ngày hôm nay là một ngày trọng đại trong lịch sử của nhân dân Libya. Ngày hôm nay chứng kiến chế độ độc tài đã sụp đổ, giai đoạn khủng bố, đàn áp tự do và vi phạm nhân quyền đã kết thúc với người dân Libya”, ông Dabbashi nói.

Hội đồng Bảo an cũng đã nhất trí tuyệt đối về một nghị quyết thành lập phái bộ mới của Liên Hiệp Quốc tại Libya theo yêu cầu của NTC để hỗ trợ xây dựng một chính quyền mới. Nghị quyết này cũng giải băng các tài sản của hai công ty dầu khí Libya, dỡ bỏ lệnh cấm các chuyến bay của máy bay Libya ra nước ngoài và xem xét lại lệnh cấm vận bán vũ khí để những nhà lãnh đạo mới ở Libya có thể mua vũ khí.

Theo nghị quyết, vùng cấm bay thiết lập vào tháng 3 dưới thời Gaddafi vẫn giữ nguyên, nhưng sẽ được xem xét lại. Hai công ty dầu mỏ được giải băng tài sản là Công ty Dầu khí quốc gia Libya và Công ty Dầu mỏ Zueitina. Các tổ chức được xem xét giải băng tài sản là Ngân hàng Trung ương Libya, Ngân hàng Đầu tư ra ngoại quốc Libya, Cơ quan Đầu tư quốc gia Libya và Quỹ đầu tư Libya ở châu Phi. Tuy nhiên, lệnh đóng băng tài sản và cấm ra nước ngoài với ông Gaddafi, các thành viên gia đình ông cùng những quan chức cấp cao trong chế độ cũ vẫn giữ nguyên.

Phái bộ Liên Hiệp Quốc tại Libya sẽ có thời gian hoạt động ban đầu là ba tháng với quyền ủy nhiệm hỗ trợ chính quyền mới phục hồi an ninh và pháp quyền, hòa giải dân tộc và tham gia quá trình soạn thảo một hiến pháp mới cũng như chuẩn bị cho tổng tuyển cử. NTC không yêu cầu Liên Hiệp Quốc đưa lực lượng gìn giữ hòa bình đến Libya.

Việc NTC nhận được sự ủng hộ của Đại hội đồng có nghĩa là một quan chức đại diện cho NTC có quyền phát biểu ở đây trong các phiên họp sắp tới. Quyết định được thông qua khá dễ dàng với số phiếu 114-17 và 15 nước vắng mặt. Một số nước châu Phi và Mỹ Latin đã bỏ phiếu chống. Nhóm các nước Mỹ Latin cánh tả, ALBA, bao gồm Venezuela, Nicaragua và Cuba thuộc số ít các nước phản đối.

Đại sứ Venezuela tại Liên Hiệp Quốc, Jorge Valero, đã lên tiếng đại diện cho ALBA và cáo buộc quân đội NATO tiến hành “những cuộc không kích tội ác… để dựng lên một chính phủ bù nhìn” và nói việc trao ghế cho NTC ở Đại hội đồng “tạo ra một tiền lệ đáng trách”.

Nhóm Cộng đồng phát triển nam châu Phi cũng phản đối, với lập luận các nhóm nổi dậy chưa thành lập một chính phủ hoàn chỉnh. Hiện đã có gần 90 nước thành viên Liên Hiệp Quốc công nhận NTC là lãnh đạo hợp pháp và duy nhất của Libya.

H.MINH
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên