19/03/2015 09:20 GMT+7

​Nông nghiệp “thuận tự nhiên”

LÊ VÂN - DIỆU NGUYỄN
LÊ VÂN - DIỆU NGUYỄN

TT - Có người gọi Mai Thị Thúy Hằng là kẻ “đi tìm trời dưới đất” vì những ý tưởng khác biệt mà Hằng luôn thực hiện khiến mọi người bất ngờ.

Hằng (giữa) cùng các nhân viên chuẩn bị rau để giao cho khách - Ảnh: Hữu Khoa

Trong đó khái niệm “nông nghiệp thuận tự nhiên” là một ví dụ.

Đi ngược

Nhiều người e ngại rằng những gì Hằng đang làm là đi ngược lại với xu hướng chung của thị trường.

“Khách hàng không phải là thượng đế, thiên nhiên mới là thượng đế. Bạn đòi ăn thực phẩm trái mùa thì sẽ có người sản xuất chúng cho bạn, nhưng chất lượng của chúng thế nào? Cẩn thận với những gì bạn muốn!” là chia sẻ của Hằng trong buổi nói chuyện chủ đề “Khởi nghiệp để hạnh phúc”.

Thay vì chiều chuộng số đông, Hằng kiên định theo triết lý của ông Masanobu Fukuoka - người Nhật Bản (tác giả cuốn sách Cuộc cách mạng một cọng rơm): “Thượng đế là thiên nhiên và thiên nhiên là thượng đế”.

Vì thế, quy trình sản xuất sản phẩm nông nghiệp bảo đảm nghiêm ngặt sáu nguyên tắc: không thuốc diệt cỏ, không thuốc trừ sâu, không kích thích tăng trưởng, không phân bón hóa học, không biến đổi gen, không chất bảo quản.

“Tôi mất bốn năm thử sai để tìm ra được chỗ đứng trong chuỗi cung ứng, học cách làm nông nghiệp thuận tự nhiên từ nhiều nguồn khác nhau: nông dân, Internet, sách vở... Bây giờ tuy không còn lương “ngàn đô” như khi còn đi làm cho doanh nghiệp nước ngoài như trước đây nữa nhưng tôi hài lòng” - Hằng tự đánh giá về công việc của mình.

Những cánh bồ công anh

Chiến lược của Hằng cho Xanhshop, nơi cô và các đồng nghiệp đã gầy dựng, tựa cách sinh tồn của loài hoa bồ công anh.

Xanhshop là cây mẹ, những “hạt giống” là các nhân viên sẽ tự bung ra khởi nghiệp. Những hạt này đáp đến đâu thì triết lý sẽ lan tỏa đến đó. Nơi đó có thể là quê hương của họ hoặc bất cứ nơi nào họ muốn. 

Bạn Hồ Thị Ánh, quản lý chất lượng của Xanhshop, chia sẻ: “Tôi luôn mong muốn làm việc trong lĩnh vực “phát triển bền vững”, sau năm năm học và làm việc tại Pháp về quản lý công nghiệp thực phẩm, tôi chọn làm việc cho Xanhshop”.

Trong khi đó, bạn Võ Tòng Khuê dù tốt nghiệp khoa quản trị kinh doanh Trường ĐH Hoa Sen nhưng vẫn chấp nhận trải qua kiểm hàng, giao nhận hàng hóa, xuống nhà vườn để tìm hiểu vấn đề và tìm giải pháp cho nông dân tại Xanhshop. Từ đây Khuê đã chọn được con đường cho mình và đã tự khởi nghiệp.

Cô thực tập sinh người Quảng Trị Trần Thị Ngọc Giang chia sẻ lý do cô nhất định xin thực tập tại Xanhshop vì mong muốn được về quê hương để giúp ích cho nông dân, nơi có thể làm được những sản phẩm nông nghiệp “thuận tự nhiên”. “Hi vọng sẽ có nhiều người đến và đi từ Xanhshop, lan tỏa như hoa bồ công anh với tinh thần nông nghiệp xanh - thuận tự nhiên” - Hằng chia sẻ.

Khôi phục phiên chợ nông dân

Hiện tại Hằng dự tính khôi phục và nhân rộng mô hình “phiên chợ nông dân” ở những nơi đang có nhà cung cấp của Xanhshop. Cô đã thử nghiệm phiên chợ đầu tiên tại Vũng Tàu.

“Phiên chợ nông dân là mô hình rất thú vị nhưng đã bị mai một. Đó là chuỗi cung ứng ngắn nhất có thể. Và bởi người mua biết người bán giúp đơn giản hóa và giải quyết được rất nhiều vấn đề của chuỗi cung ứng thực phẩm hiện tại. Nó cũng giúp xây dựng cộng đồng địa phương gần gũi hơn" - Hằng chia sẻ. 

Theo Hằng, mô hình này nếu được khôi phục sẽ giúp những nông hộ quy mô nhỏ có thể thương mại hóa sản phẩm của họ tại địa phương. Và những người dân sống gần nơi nuôi trồng theo cách thức “thuận tự nhiên” cũng được hưởng lợi trực tiếp. Hơn ai hết, khách hàng tại chỗ chính là nguồn cầu bảo đảm cho người nông dân yên tâm sản xuất và giúp cho thực phẩm tự nhiên có giá cả hợp lý nhất cho người tiêu dùng. 

 

 

LÊ VÂN - DIỆU NGUYỄN
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên