12/07/2023 18:37 GMT+7

Nồng độ axit uric bình thường vẫn có thể bị gout

Tăng axit uric là một nguyên nhân gây nên tình trạng gout. Tuy nhiên đối với người có nồng độ axit uric bình thường cũng không loại trừ đang bị gout.

Triệu chứng của bệnh gout cấp là sưng đau, nóng đỏ thường ở bàn chân hoặc ngón chân cái - Ảnh: Awakening State

Triệu chứng của bệnh gout cấp là sưng đau, nóng đỏ thường ở bàn chân hoặc ngón chân cái - Ảnh: Awakening State

Tỉ lệ người dân mắc bệnh gout tăng nhanh ở các nước phát triển. Tại Việt Nam, số lượng người dân mắc bệnh này cũng ngày càng tăng.

Nồng độ axit uric không phải "tiêu chuẩn vàng"

Bác sĩ CKI Hoàng Văn Triều - khoa chấn thương chỉnh hình Bệnh viện Nguyễn Tri Phương (TP.HCM) - cho hay bệnh gout (dân gian còn gọi là thống phong) là một dạng viêm khớp phổ biến và phức tạp.

Đặc trưng của bệnh là các cơn đau, sưng, đỏ và đau đột ngột, dữ dội ở một hoặc nhiều khớp, thường gặp nhất là ở ngón chân cái. Tình trạng viêm, tấy đỏ, hoặc đau âm ỉ kéo dài sau một cơn gout cấp sẽ khiến người bệnh hạn chế vận động, thậm chí không đi được.

Bệnh gout thường đi cùng với các bệnh rối loạn chuyển hóa khác như đái tháo đường, rối loạn chuyển hóa lipid...

Tăng axit uric là một nguyên nhân gây nên tình trạng gout (tăng trên 420 µmol/l ở nam và trên 360 µmol/l ở nữ). Tuy nhiên, người có nồng độ axit uric bình thường vẫn có thể bị gout. Những người bệnh có nồng độ axit uric cao, nhưng không có triệu chứng của bệnh thì chưa kết luận chính xác là bị gout.

Do đó, nồng độ axit uric không phải là tiêu chuẩn vàng để chẩn đoán người bệnh có bị gout hay không, mà phải kết hợp nhiều yếu tố lâm sàng và cận lâm sàng. Người bệnh cần lưu ý, không phải xét nghiệm axit uric tăng cao là đã bị gout.

Một yếu tố rất đáng lưu ý với bệnh nhân gout là việc tuân thủ phác đồ rất quan trọng quyết định đến kết quả điều trị. Nếu không điều trị tốt sẽ dẫn đến những biến chứng của gout như: viêm khớp, thoái hóa khớp… gây biến dạng khớp và tàn phế. 

Ngoài ra còn một số biến chứng khác như suy thận, sỏi thận, gãy xương, các bệnh lý tim mạch…

Việc điều trị bệnh gout không chỉ dựa vào các loại thuốc mà cần quan tâm đến các vấn đề khác như chế độ ăn, chế độ sinh hoạt và vận động - Ảnh: X.M.

Việc điều trị bệnh gout không chỉ dựa vào các loại thuốc mà cần quan tâm đến các vấn đề khác như chế độ ăn, chế độ sinh hoạt và vận động - Ảnh: X.M.

"Điều trị bằng thuốc chỉ là phần ngọn"

Bác sĩ Triều cho biết thêm, việc điều trị gout không đơn thuần chỉ dựa vào các loại thuốc mà cần quan tâm đến các vấn đề khác như chế độ ăn, chế độ sinh hoạt và vận động… 

"Thực chất khi điều trị bằng thuốc đối với bệnh gout thì chỉ điều trị phần ngọn, còn phần gốc phụ thuộc vào chính người bệnh. Làm sao để người bệnh hiểu được nguyên nhân gây bệnh thì mới hợp tác, mang lại hiệu quả điều trị tốt nhất", bác sĩ Triều chia sẻ.

Vậy chế độ ăn và lối sống thế nào sẽ giúp hạn chế nguy cơ mắc bệnh gout và sẽ giảm mức độ bệnh nếu đã mắc?

Bác sĩ Triều khuyến cáo người bệnh cần có chế độ dinh dưỡng hợp lý, khoa học, giảm cân từ từ để giảm tải trọng lên các khớp.

Theo đó, cần tránh ăn nhiều các thực phẩm chứa nhiều purin - một trong những chất dẫn xuất, phân tách thành axit uric thường có nhiều trong nội tạng động vật, các loại thịt đỏ (thịt bò, thịt heo…).

Hạn chế sử dụng thuốc lợi tiểu, thuốc chứa salicylate vì chúng sẽ làm tăng nguy cơ tăng axit uric trong máu. Hạn chế uống rượu bia, đặc biệt nước ngọt có gas. Có thể uống rượu vang nhưng với lượng ít, với 150ml/ngày, uống nhiều nước để tăng thải axit uric.

Tăng cường ăn các loại rau củ quả. Bổ sung vitamin C khoảng 500mg/ngày. Tăng cường ăn các loại rau xanh như cải xanh, bổ sung protein từ các thực phẩm khác như sữa, trứng, thịt, cá…

Lưu ý hạn chế mang giày quá chật vì không tốt cho các khớp, đặc biệt các khớp bị đau, từ đó làm mức độ cơn đau nhiều hơn. 

"Nếu chúng ta không hạn chế tăng năng lượng cơ thể, ăn nhiều thức ăn giàu năng lượng… thì sẽ có nguy cơ chuyển thành axit uric, tiếp tục làm tăng nguy cơ viêm, tạo ra một vòng luẩn quẩn bệnh tật và mức độ ngày càng nặng", bác sĩ Triều kết luận.

Ai dễ mắc bệnh gout?

Nhóm người có nguy cơ mắc bệnh gout cao gồm: thừa cân, béo phì, nam giới sau 40 tuổi, nữ giới sau độ tuổi mãn kinh, người uống thuốc lợi tiểu… Nguy cơ này càng cao hơn khi chúng ta lạm dụng rượu bia, dùng chất kích thích, có lối sống không lành mạnh…

Ngoài ra, gout là một bệnh lý có yếu tố di truyền, các nhà khoa học đã tìm thấy một số gene có mối liên hệ với tình trạng tăng axit uric trong máu gây ra bệnh gout.

Làm gì để phòng ngừa bệnh gout?Làm gì để phòng ngừa bệnh gout?

TTO - Bệnh gout (gút) là một bệnh lý mãn tính nên người bệnh bắt buộc phải chấp nhận sống chung và điều trị suốt đời. Theo thống kê, bệnh gout đang có xu hướng gia tăng và ngày càng trẻ hóa.

Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên