25/04/2019 17:21 GMT+7

Nóng chuyện ngân hàng niêm yết trên sàn chứng khoán trước hạn chót 2020

A.HỒNG
A.HỒNG

TTO - Năm 2020 là hạn chót các ngân hàng phải niêm yết cổ phiếu trên sàn chứng khoán. Do vậy tại đại hội cổ đông năm nay, nhiều ngân hàng đã có câu trả lời rõ ràng về việc “bao giờ lên sàn”.

Nóng chuyện ngân hàng niêm yết trên sàn chứng khoán trước hạn chót 2020 - Ảnh 1.

Cổ đông đặt câu hỏi tại Đại hội cổ đông Ngân hàng An Bình tổ chức hôm nay, 25-4. Ảnh: A.H.

Tại đại hội cổ đông của Ngân hàng An Bình được tổ chức hôm nay, 25-4, trả lời câu hỏi của cổ đông khi nào sẽ niêm yết trên sàn chứng khoán để nâng cao tính thanh khoản cho cổ phiếu, ông Đào Mạnh Kháng, Chủ tịch Hội đồng quản trị Ngân hàng An Bình cho biết, ngay sau khi hoàn tất việc phát hành cổ phiếu chia cổ tức 7,4% của năm 2017 Ngân hàng tiến hành chốt danh sách cổ đông để lưu ký tập trung toàn bộ cổ phiếu tại Trung tâm lưu ký Chứng khoán Việt Nam (VSD). 

Ngân hàng cũng sẽ nộp hồ sơ niêm yết cho Sở Giao dịch Chứng khoán TP.HCM (HOSE).

Không chỉ Ngân hàng An Bình, một trong những nội dung quan trọng được thông qua tại Đại hội cổ đông Ngân hàng Hàng Hải VN (MSB) là sẽ niêm yết trên HOSE vào quý 3 năm nay nhằm mở rộng quy mô và minh bạch trong hoạt động. Ngân hàng Nam Á cũng có ý định niêm yết toàn bộ số cổ phiếu lên Sở Giao dịch Chứng khoán TP HCM (HOSE) và kế hoạch này đã được cổ đông thông qua hồi cuối tháng 3.

Trong khi đó Ngân hàng Bưu Điện Liên Việt có kế hoạch đưa cổ phiếu lên sàn vào năm 2020, cũng là hạn chót theo yêu cầu của Ngân hàng Nhà nước.

Có nhiều lý do khiến Ngân hàng Nhà nước yêu cầu các ngân hàng phải lên sàn, chậm nhất vào năm 2020. Theo các chuyên gia, việc niêm yết cổ phiếu trên sàn giao dịch tập trung sẽ giúp nâng cao thanh khoản cổ phiếu, minh bạch trong hoạt động kinh doanh của các ngân hàng. Vì khi lên sàn, các ngân hàng phải có trách nhiệm công bố thông tin hoạt động rõ ràng và thường xuyên hơn. 

Ngoài ra, việc niêm yết sẽ giúp các ngân hàng tiếp cận được với số lượng nhà đầu tư rộng rãi hơn, không chỉ trong nước mà nhà đầu tư quốc tế, để thu hút vốn.

Tuy nhiên đến nay mới chỉ có 17 ngân hàng niêm yết trên hai sàn chứng khoán và giao dịch trên UPCoM; trong đó có 10 ngân hàng niêm yết trên HOSE, 3 ngân hàng niên yết trên HNX. Trong năm 2018 vừa qua, có khoảng 10 ngân hàng lên kế hoạch niêm yết cổ phiếu trên sàn chứng khoán nhưng đến cuối năm mới chỉ có 3 ngân hàng niêm yết thành công trên HOSE là Techcombank, HDBank và TPBank. 

Một trong những nội dung quan trọng khác cũng được đưa ra thảo luận tại Đại hội cổ đông Ngân hàng An Bình được tổ chức hôm nay là kế hoạch chuyển trụ sở chính từ TP.HCM ra Hà Nội.

Mục đích của việc chuyển trụ sở này, theo Ngân hàng An Bình, Hà Nội là trung tâm chính trị, tài chính, kinh tế của cả nước và là nơi hội tụ nhiều tổ chức tài chính, kinh tế hàng đầu trong và ngoài nước. Hiện nay, trong số 32 ngân hàng TMCP tại VN, có 17 ngân hàng đặt trụ sở chính tại Hà Nội, 11 ngân hàng đặt trụ sở chính tại TP.HCM .

Việc đặt trụ sở tại Hà Nội sẽ giúp Ngân hàng tiếp cận với các cơ hội phát triển và nâng cao vị thế tại Hà Nội và khu vực phía Bắc, phát triển cân bằng giữa hai miền, thực hiện tốt hơn nữa chiến lược kinh doanh. Mặt khác, việc chuyển trụ sở cũng nhằm đáp ứng nhu cầu chỗ ngồi cũng như nhu cầu phát triển nhân sự cho các năm tiếp theo vì thời gian tới quy mô nhân sự sẽ tăng lên, một số mảng kinh doanh cần có một không gian chuyên biệt.

Trước đó vào cuối năm 2018, Ngân hàng Quốc Tế VN (VIB) lại chuyển trụ sở từ Hà Nội vào TP.HCM nhằm định hướng đẩy mạnh phát triển kinh doanh, nâng cao vị thế của ngân hàng tại đô thị hạt nhân của vùng kinh tế phía Nam. Đồng thời đây cũng là trung tâm du lịch, tài chính - thương mại và dịch vụ logistics tầm quốc tế.

A.HỒNG
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên