22/01/2015 18:01 GMT+7

Nón lá bài thơ qua cách nhìn của nghệ sĩ Pháp

HOÀNG OANH
HOÀNG OANH

TTO - Tối 21 tại Nhà ga 3A - Tôn Đức Thắng (TP.HCM) đã diễn ra hai buổi trình diễn nghệ thuật thị giác độc đáo có tên: Nón lá Poétry (Nón lá bài thơ).

Hình ảnh trong buổi trình diễn Nón lá Poétry của nhóm Théoriz tại TP.HCM. Ảnh: Saigon Open City
Hình ảnh trong buổi trình diễn Nón lá Poétry của nhóm Théoriz tại TP.HCM. Ảnh: Saigon Open City

Buổi trình diễn này do nhóm nghệ sĩ Théoriz đến từ Lyon (Pháp) thực hiện.

Hai buổi diễn miễn phí đã thu hút đông đảo khán giả trẻ đến xem để có những trải nghiệm mới lạ về chiếc nón bình dị của bà, của mẹ qua cách nhìn của những nghệ sĩ nước ngoài.

Buổi diễn bắt đầu bằng một phóng sự ánh sáng được trình chiếu trên  mảng tường rêu phong cũ kỹ phía ngoài, khán giả đứng xem để có cái nhìn khái quát về nghệ thuật trình diễn ánh sáng mà nhóm nghệ sĩ Théoriz thực hiện ở những lễ hội lớn khắp nơi trên thế giới.

Sau đó, khán giả được mời bước lên một căn phòng nhỏ và tối, ở đó đặt một chiếc đàn bầu với lời mời gọi: “Bạn hãy thử đánh đàn bầu”.

Lần lượt từ người khẽ gãy nhẹ tay vào sợi dây duy nhất của cây đàn, ngay lập tức  mỗi âm thanh phát ra được tương tác trực tiếp bằng những luồng ánh sáng lên một màn hình lớn đối diện, nơi có một chiếc nón lá lớn.

Tâm của chiếc nón lá là nơi phát ra luồng sáng đó, chói sáng hay dịu nhẹ tùy vào độ rung ngân của tiếng đàn.

Tiếp đó, tất cả lại bước vào một căn phòng khác, nơi  những chiếc nón lá nhiều kích cỡ được gắn lên tường trong một không gian sắp đặt tối giản.

Khi âm nhạc trỗi lên, những tia sáng lúc tạo thành những luồng chảy rực rỡ, lúc lại là những chấm nhỏ tinh nghịch nhảy múa trên những chiếc nón lá.

Ánh sáng tạo nên những con rồng, phượng, ngọn núi, cột đình bằng sự kết hợp với những chiếc nón, hoặc có khi chỉ đơn giản là những tia nắng nhỏ len lỏi qua vành nón, cộng hưởng với tiết tấu của tiếng đàn bầu cổ truyền Việt Nam được phối cùng những âm thanh điện tử phương Tây hiện đại…

Hình ảnh trong buổi trình diễn Nón lá Poétry của nhóm Théoriz tại TP.HCM. Ảnh: Saigon Open City
Hình ảnh trong buổi trình diễn Nón lá Poétry của nhóm Théoriz tại TP.HCM. Ảnh: Saigon Open City

Hầu hết những khán giả có mặt tại buổi trình diễn đều bất ngờ và thú vị trước màn trình diễn độc đáo và sáng tạo này. Họ không nghĩ rằng những chiếc nón lá bình dị thường thấy ở khu chợ, vùng quê lại có thể trở thành một chủ thể của nghệ thuật thị giác đương đại.

Nhóm Théoriz gồm ba nghệ sĩ David-Alexandre Chanel, Jonathan Richer và Maeva Moreau với nền tảng là những nhà soạn nhạc, thiết kế đồ họa, kỹ sư điện tử và khoa học máy tính.

Họ đã cùng nhau sáng tạo ra một kỹ thuật chiếu sáng 3D bằng video để kết hợp và tương tác giữa ánh sáng, âm nhạc và những vật thể hiện hữu.  

Hình ảnh trong buổi trình diễn Nón lá Poétry của nhóm Théoriz tại TP.HCM. Ảnh: Saigon Open City
Hình ảnh trong buổi trình diễn Nón lá Poétry của nhóm Théoriz tại TP.HCM. Ảnh: Saigon Open City

Vài năm trước, David và Jonathan từng đến VN và bị ấn tượng mạnh mẽ bởi chiếc nón lá của những người phụ nữ Huế, bởi cái cách mà những bài thơ được viết dưới vành nón để mỗi khi ánh sáng mặt trời rọi vào thì bài thơ cũng hiện ra đẹp đẽ.

Họ mua một vài chiếc nón và mang những ý tưởng đó về lại Pháp để có thể phát triển thành một màn trình diễn ánh sáng độc đáo. Thế là chương trình Nón lá Poetry ra đời và đã được trình diễn rất thành công tại Lễ hội ánh sáng Jerusalem (Israel) năm 2013.

Trong nhóm, cô gái Maeva Moreau vốn có bà là người Việt nên hành trình mang Nón lá Poetry đến VN lần này với Maeva gần như là một sự trở về đầy cảm xúc.

Cô cùng hai người bạn của mình đã cố gắng tái hiện những vệt sáng đi ngang qua từng nang lá đan nón để gợi lên những ý thơ trong tâm hồn người Việt, gợi lên những điều trầm lắng và mạnh mẽ của một biểu tượng văn hóa phương Đông.

Một đêm diễn nữa sẽ diễn ra tại địa điểm này tối 22-1. 

HOÀNG OANH
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên