26/03/2023 09:52 GMT+7

Nỗi sầu nửa thế kỷ của Pink Floyd

Ở một khoảnh khắc trong album The Dark Side of The Moon của ban nhạc rock vĩ đại Pink Floyd, có câu rằng: "Tôi không sợ chết. [...] Vì sao phải sợ chết?".

Pink Floyd và bìa album The Dark Side of The Moon - Ảnh: LOUDWIRE

Pink Floyd và bìa album The Dark Side of The Moon - Ảnh: LOUDWIRE

Tháng 3 này, khi tròn 50 năm kỷ niệm ngày phát hành album, ta giờ đây có thể tin Pink Floyd sẽ chẳng bao giờ phải sợ điều đó.

Với tổng cộng 975 tuần trên bảng xếp hạng Billboard 200 - tương đương gần 19 năm - nhiều hơn bất cứ album nào, cộng với 45 triệu bản bán ra trên toàn cầu, The Dark Side of The Moon và Pink Floyd đơn giản là bất tử.

Mọi thứ về tác phẩm này đều trở thành truyền thuyết. Từ chiếc bìa album hình ánh sáng khúc xạ qua một lăng kính tán sắc, đến track nhạc đầu chỉ có tiếng tim đập, tiếng đồng hồ kêu, tiếng chuyện trò thì thào và tiếng máy đếm tiền, đến cả những lời đồn đại quanh sự hô ứng của nó và bộ phim Phù thủy xứ Oz.

Chỉ trong 42 phút của The Dark Side of The Moon, ta dường như đã nghe được về toàn bộ cuộc đời, nó bắt đầu bằng tiếng nhịp tim bình bịch báo hiệu sự sống, rồi câu hát đầu tiên "Thở đi, hãy hít không khí vào", nhưng ngay lập tức đã bi ai cho rằng khi ta sống can đảm nhất lại là lúc ta "phóng đi vun vút về phía ngôi mộ trẻ", và rồi ban nhạc dành cả một track nhạc với tiếng bước chân chạy trong tiếng đàn synthesizer đầy hiểm họa.

Cứ thế, The Dark Side of The Moon dần đạt tới tầm vóc một tiểu thuyết hiện sinh và toàn bộ phần lời ca của Roger Waters đã làm nên một trong những tác phẩm âm nhạc đại chúng tiệm cận nhất với triết học.

Nhưng điều gì khiến một album u ám, lắt léo vào những hang cùng ngõ hẻm âm thanh như vậy lại được săn lùng từ thế hệ này qua thế hệ khác, vẫn chễm chệ trong danh sách Billboard 200? Lẽ nào cơn u uất và cả loạn thần của tuổi trẻ thập niên 1970 vẫn còn đó trong tuổi trẻ mọi thời kỳ, bởi thế giới chưa bao giờ thật sự tốt hơn?

Cái chết và cơn điên giăng mắc trong The Dark Side of The Moon. Nếu ví album này là dãy Himalaya thì đỉnh Everest của nó hẳn là Time, bản nhạc như lời bi phẫn về sự ngắn ngủi của cuộc đời. Đến lúc nhận ra muốn trở về nhà - ẩn dụ của cuộc sống - để "sưởi ấm xương ta bên ánh lửa" thì cũng đã muộn rồi. Xương đại diện cho cái chết, sưởi ấm cái chết thì được gì?

Album chạm đỉnh điểm của cảm thức hư vô khi bản nhạc cuối, Eclipse, tưởng tượng ra thời khắc nhật thực, mặt trăng "ăn" mặt trời, khiến vạn vật chìm vào bóng tối. Không gì hiện hữu, bất kể thứ ta yêu hay ghét, bảo vệ hay phá hủy, còn đây hay đã đi xa.

The Dark Side of The Moon mang tựa đề nghĩa là mặt tối của trăng, cụm từ để chỉ nửa mặt trăng ngoài tầm mắt con người. Nhưng, như lời một người gác cửa đã khép lại album: "Không có nửa tối của trăng. Sự thật là, toàn bộ mặt trăng đều tối".

Mà không chỉ mặt trăng, cả trái đất cũng tối, cả phần lớn vũ trụ cũng tối - điều đó có thể bi quan, song phải chăng chỉ khi biết mọi thứ sẽ lại trở về đêm đen vĩnh cửu thì ta mới không "xé vụn và lãng phí thì giờ như lẽ đương nhiên"?

Hát cùng The Beatles và "hội ngộ" Pink FloydHát cùng The Beatles và 'hội ngộ' Pink Floyd

TTO - Nỗ lực của các nhà sản xuất nghệ thuật đem đến cho công chúng khắp thế giới một bữa tiệc những lựa chọn thưởng thức có một không hai vào cuối tuần này.

Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên