Phóng to |
Lắp dải phân cách phân luồng giao thông trên đường Trần Hưng Đạo (Q.1, TP.HCM) - Ảnh: Mậu Trường |
Tôi thấy điều này không hợp lý. Số lượng xe và người dân sống ở nội ô rất đông nên nhu cầu rẽ trái, rẽ phải hay qua phía bên kia đường rất lớn. Việc lắp đặt dải phân cách sẽ dồn xe vào một chỗ giống như nút thắt cổ chai, vô tình làm kẹt xe tại những nơi mà người lưu thông buộc phải đi qua trong khi nhu cầu của họ là rẽ trái hoặc rẽ phải ở một nơi khác.
Đáng lưu ý là tại một số nơi mà ngành giao thông cho phép rẽ trái, rẽ phải hoặc cho người đi bộ băng qua đường hầu như không có tín hiệu đèn giao thông ưu tiên, dẫn đến tình trạng không ai nhường ai rất nguy hiểm cho người tham gia lưu thông, đặc biệt là cho người đi bộ. Cụ thể như giao điểm trước chợ Nguyễn Văn Trỗi ở đường Lê Văn Sỹ (Q.3) vừa lắp đặt dải phân cách gần đây, giao thông hết sức lộn xộn, tình trạng rẽ trái, rẽ phải lung tung, người đi bộ mỗi khi qua đây cứ thót tim vì có thể bị xe tứ phía va quẹt bất cứ lúc nào.
Có tuyến đường khi nâng cấp mở rộng, ngành chức năng lại lắp dải phân cách hết sức máy móc mà không cần khảo sát lưu lượng xe cộ hai bên dải phân cách ra sao. Cụ thể đường Nam Kỳ Khởi Nghĩa đoạn từ cầu Công Lý đến ngã tư Trần Quốc Toản, do lắp đặt dải phân cách không hợp lý đã dẫn đến ùn tắc giao thông triền miên vào giờ cao điểm (trước khi mở rộng, đường này không có dải phân cách thì giao thông không bị ùn tắc).
Dải phân cách chỉ hợp lý khi làm ở quốc lộ, tỉnh lộ. Nội ô không nhất thiết phải lắp đặt dải phân cách vì đường hẹp, hơn nữa luật đã quy định là phải giảm vận tốc khi lưu thông trong nội thành thì ngăn đường để giảm tai nạn là không hợp lý. Trong trường hợp hết sức cần thiết phải lắp đặt dải phân cách, ngành giao thông nên khảo sát kỹ lượng xe cộ trong giờ cao điểm để phân chia sao cho hợp lý, tránh tình trạng bên ùn tắc bên trống trơn. Nên chăng, chỉ làm dải phân cách di động ở một số ngã tư để tránh lấn tuyến khi chờ đèn tín hiệu.
Ông Nguyễn Vĩnh Ninh (phó giám đốc Khu Quản lý giao thông đô thị số 1-TP.HCM): Dải phân cách giúp giảm tai nạn giao thông TP.HCM có chủ trương lắp đặt dải phân cách trên nhiều tuyến đường nhằm hạn chế tai nạn giao thông do sự thiếu ý thức của một bộ phận người dân cố tình vi phạm Luật giao thông đường bộ. Tiêu chí lắp đặt là tuyến đường thường xuyên xảy ra tai nạn giao thông, tuyến đường mỗi hướng lưu thông có bề rộng từ hai làn xe trở lên. Trước khi triển khai lắp đặt dải phân cách, cơ quan quản lý đã tiến hành khảo sát lưu lượng xe, theo dõi tình hình giao thông, nghiên cứu vị trí khoảng mở để cho các phương tiện quay đầu và rẽ trái hợp lý cũng như bố trí đầy đủ thông tin cho người tham gia giao thông nhận biết... Từ khi lắp đặt dải phân cách, chưa có vụ ùn tắc giao thông nào xảy ra tại các vị trí khoảng mở. Riêng đối với người đi bộ, cơ quan chủ quản đã sơn các vạch sơn đi bộ cho người qua đường tại các giao lộ và khoảng mở. Theo Luật giao thông đường bộ, các phương tiện tham gia giao thông phải giảm tốc độ và nhường đường cho người đi bộ qua đường. Tuy nhiên, do ý thức của một số người tham gia giao thông chưa cao, không chấp hành nghiêm chỉnh Luật giao thông đường bộ, không nhường đường cho người đi bộ qua đường dẫn đến tình trạng người đi bộ qua đường khó khăn, cảm thấy không an toàn. Với nhiều giải pháp đã được triển khai một cách quyết liệt, trong đó có việc lắp đặt dải phân cách, tình hình tai nạn giao thông và ùn tắc giao thông trên địa bàn TP đã được kéo giảm. Theo số liệu của Ban an toàn giao thông TP, trong sáu tháng đầu năm nay, trên địa bàn do Khu Quản lý giao thông đô thị số 1 quản lý đã giảm 58 vụ tai nạn giao thông so với cùng kỳ 2011 (trong đó giảm 33 người chết, giảm 30 người bị thương). Số vụ ùn tắc giao thông cũng giảm 85,7% so với cùng kỳ. N.ẨN ghi |
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận