![]() |
Phóng viên Tuổi Trẻ trong vai ông già Noel đi phát quà cho các em thiếu nhi |
Đi làm ông già Noel
Quyết định đi sắm vai ông già Noel, tôi cứ nghĩ chỉ cần khoác lên người bộ đồ đỏ chói, gắn thêm bộ râu, đeo túi quà và cầm một cái chuông leng keng là có thể trở thành một ông già Noel “chính hiệu”.
Nhưng xem ra mọi việc không hề đơn giản tí nào. Chạy đến ba bốn công ty “dịch vụ ông già Noel”, nơi nào cũng đưa ra tiêu chuẩn phải cao ít nhất từ 1,6m, nặng 60kg trở lên, phải vui nhộn, hoạt bát, có giọng nói trầm ấm...
May mắn lắm tôi mới được Công ty KH nhận vào làm “ông già” với thù lao 50.000 đồng/buổi và tiền xăng là 10.000 đồng/ca để phóng xe máy chạy khắp thành phố phát quà cho trẻ con.
“Nhiều đêm Giáng sinh đi tặng quà cho con người ta đến khuya lơ khuya lắc, về đến nhà nhìn thấy hai đứa con mình nằm co ro, thui thủi trong căn phòng trọ mà thương đến ứa nước mắt...” - anh Nguyễn Văn Hoàng, người có nhiều năm làm ông già Noel, đã tâm sự với tôi như vậy. |
Tôi thật không hiểu vì sao dịch vụ đi phát quà chỉ có vài ngày và tập trung nhất là vào đêm 24-12 mà người ta lại thích làm ông già Noel đến thế, chỉ riêng đợt của tôi đã có tới 40 người được tuyển.
Người ta đi làm ông già Noel không hẳn chỉ vì muốn có thu nhập như tôi vẫn nghĩ. Ngô Minh Vương, sinh viên khoa ngoại ngữ Trường ĐH KHXH&NV TP.HCM, đi làm ông già Noel vì một lý do khá lãng mạn: được mặc đồ ông già Noel để tiếp cận, trao một bó hoa hồng cho một cô gái là người theo đạo Công giáo ở khu Ông Tạ mà cậu thương thầm đã lâu. Còn Trần Trung Tuyến - quê ở Quảng Nam, thợ sửa đồng hồ, ở trọ gần ga Hòa Hưng - bảo rằng cậu đi làm ông già Noel chỉ vì yêu thích trẻ nhỏ.
Trung bình mỗi ông già Noel có nhiệm vụ giao quà cho 10 khách hàng. Phóng xe gần chục cây số từ đường Trường Chinh về ngã tư An Sương rồi xuôi theo quốc lộ 1A quay ngược lại khu Xóm Mới, phường 13, Gò Vấp, tôi mới đến được địa chỉ giao quà.
Đó là một căn nhà ba tầng. Chủ nhà là một người yêu “chuyện thần thoại” nên đề nghị tôi trèo thang cây vào phát quà cho đứa bé bằng đường bancông (!?). Sau khi nhận quà - một quả bóng da và một con thú nhồi bông lớn, cu cậu cứ ôm chầm lấy tôi mà rứt râu trong tiếng cười vang của gia đình.
Theo qui định, nếu giao quà trễ thì khách có quyền không nhận và “ông già” phải bồi thường cho công ty. Vậy là có nhà, vì kẹt đường tôi đến trễ gần 20 phút, bà chủ nhà bước ra chửi như tát nước: “Bây giờ ông còn đến làm gì nữa? Ông về đi, con tôi ngủ rồi”.
Năn nỉ mãi bà chủ nhà mới dịu giọng, bảo tôi vào nhà chờ để đi đánh thức thằng bé. Vừa mệt vừa đói, chờ mất 20 phút, chủ nhân món quà mới thức giấc. Khi xé món quà ra, cu cậu quăng đùng vào góc nhà và khóc lớn.
Thì ra cậu ước muốn một bộ trò chơi điện tử, mà cha mẹ lại mua nhờ ông già Noel gửi tặng chiếc đồng hồ điện tử đeo tay. Thằng bé cứ hét ầm lên: “Ông già Noel giả, ông già Noel giả...”.
Lại ngậm ngùi lên đường tiếp tục đi phát quà. Khi ra đường, bỗng thấy bên kia một ông già Noel khác đang hối hả dẫn bộ chiếc xe chết máy mà túi quà vẫn còn to đùng, tôi nghĩ dẫu sao mình cũng còn... may mắn hơn.
Giọt nước mắt đêm đông
Giáng sinh năm 2004, một ông già Noel của Công ty Hoàng Khang, là sinh viên Trường ĐH Bách khoa TP.HCM, mang túi quà trên vai đi vào một con hẻm ở khu Bình Hưng Hòa trao quà thì bị một nhóm thanh niên côn đồ ép vào khu nghĩa địa cướp mất túi quà. Trong túi quà có nhiều món trị giá vài triệu đồng. Kết quả là cậu sinh viên phải bán cả chiếc xe gắn máy của gia đình dành dụm mua gửi từ quê vào để bồi thường cho công ty. |
Ba cha con thuê một căn phòng nhỏ trên đường Quang Trung, quận Gò Vấp (TP.HCM) để ở. Công việc chính hằng ngày của anh là đi phụ hồ nhưng cứ đến Giáng sinh là anh lại vào vai ông già Noel.
Noel năm nay, anh lại xin đi làm ông già Noel chuyên đi phát quà cho trẻ con ở quận Gò Vấp: “Thôi kệ, người ta đi chơi, còn mình đi phát quà kiếm chút tiền cho mấy đứa nhỏ”.
Anh Hoàng kể chiều Giáng sinh năm ngoái, khi anh lục tục chuẩn bị đi phát quà, cô con gái út cũng thỏ thẻ: “Ba cứ đi làm ông già Noel mà không mang quà về cho tụi con?”. Anh Hoàng xoa đầu con, hứa chắc chắn tối nay sẽ có quà mang về.
Nhưng đó là lời hứa của nhiều năm, chưa năm nào anh về nhà trước 2, 3 giờ sáng. Giáng sinh năm ngoái, gần 3g sáng chẳng có quà, chỉ hai cái bánh mì thịt đã lạnh cứng. Nhìn hai con ăn Noel muộn mà anh rơi nước mắt...
Mỗi ông già Noel đều vui cười, hóm hỉnh với đám trẻ con trong đêm Giáng sinh, nhưng đằng sau niềm hạnh phúc đó luôn có những thân phận khác nhau.
Nguyễn Văn Đại (vào vai ông già Noel từ hồi sinh viên) bây giờ đã có công việc ổn định, nhưng Giáng sinh năm nay vẫn tiếp tục đăng ký làm ông già Noel: “Cứ đến Giáng sinh thì không hiểu sao lại nhớ đến ánh mắt mấy đứa nhỏ, nụ cười thánh thiện của bọn trẻ khi gặp ông già Noel, hạnh phúc lắm!”.
Còn anh Hoàng cũng vẫn hứa với hai đứa con mình: ba sẽ mang quà của ông già Noel về cho các con trước nửa đêm. Tôi tin lời anh hứa năm nay đúng hẹn, bởi đứa trẻ nào, giàu sang hay nghèo hèn, cũng vẫn mong một giấc mơ tuyệt diệu trong đêm đông khi ông già Noel xuất hiện.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận