TT - Hiện nay khá nhiều chị em với tâm trạng lo lắng đi khám vì "không thấy đèn đỏ" trong vài tháng. Trong đó có cả những bạn gái trẻ hoang mang không thể làm mẹ sau này.
Phóng to |
Con trẻ là món quà vô giá của người mẹ - Ảnh: N.C.T. |
Bà N.T.X., 36 tuổi, trước đây kinh nguyệt rất đều, sau khi sinh con đầu lòng hai năm bỗng nhiên mất kinh bốn tháng, hai vú tiết sữa, cứ ngỡ mình mang thai, bà đến Bệnh viện Từ Dũ khám, siêu âm và xét nghiệm mới biết bị vô kinh thứ phát do tăng prolactin.
Hiện tượng không kinh nguyệt tạm thời hay vĩnh viễn được gọi là vô kinh. Có hai loại vô kinh: nguyên phát và thứ phát. Vô kinh nguyên phát được định nghĩa khi kỳ kinh nguyệt đầu tiên không xảy ra ở bé gái 16 tuổi. Vô kinh thứ phát xuất hiện khi một phụ nữ từng có kinh nguyệt nay bị mất kinh hơn ba chu kỳ liên tiếp.
Nguyên nhân
Chu kỳ kinh nguyệt bị ảnh hưởng bởi nhiều yếu tố: thay đổi nồng độ nội tiết, trạng thái căng thẳng, bệnh mãn tính, sức khỏe yếu hoặc yếu tố môi trường. |
- Rối loạn chức năng vùng hạ đồi. Do sụt cân trầm trọng, căng thẳng quá mức, tập thể dục quá độ, bệnh nặng.
- Rối loạn chức năng tuyến yên. Nồng độ prolactin/máu cao gây tăng tiết sữa.
- Bệnh nhược giáp: mệt mỏi, tóc khô dễ gãy, táo bón, tăng cân.
- Nồng độ androgens (nội tiết nam) tăng cao, nội sinh hoặc ngoại sinh. Triệu chứng kèm: rậm lông, giọng nói trầm, mụn trứng cá, cơ bắp phát triển.
- Suy buồng trứng sớm: do phẫu thuật vùng chậu, xạ trị, di truyền, bệnh lý tự miễn, tình trạng nhiễm trùng...
- Hội chứng buồng trứng đa nang. Biểu hiện ban đầu của hội chứng buồng trứng đa nang là kinh nguyệt không đều, thường thưa và kéo dài, máu kinh thất thường, ít. Sau 2-3 năm kể từ lần hành kinh đầu tiên, nếu kinh nguyệt vẫn không đều cần nghĩ nhiều đến hội chứng này. Nếu đúng là đa nang buồng trứng, các nang trứng sẽ tích tụ dần nội tiết tố, làm thay đổi đáng kể tình trạng nội tiết ở phụ nữ. Nồng độ nội tiết nam trong cơ thể tăng lên khiến lông phát triển giống như nam giới (mọc ria mép, lông mày rậm, lông chân, lông bụng nhiều). Do nồng độ hoócmone nữ cũng rất cao nên bệnh nhân vẫn có nhu cầu và khả năng hoạt động tình dục như bình thường.
- Dính buồng tử cung (do nạo hút thai hoặc nạo sinh thiết buồng tử cung trước đó).
Điều trị thế nào?
Ðiều trị vô kinh cần tìm nguyên nhân. Mục đích điều trị nhằm giảm triệu chứng do mất cân bằng nội tiết, tạo kinh nguyệt, ngăn ngừa những biến chứng do vô kinh gây ra, đạt được mong muốn có con tùy từng trường hợp cụ thể. Những trường hợp sụt cân quá nhiều, căng thẳng mệt mỏi thường xuyên cần được tư vấn hỗ trợ dinh dưỡng, nghỉ ngơi, giải trí...
Bệnh nhiễm trùng và những bệnh mãn tính gây vô kinh cần được điều trị. Bên cạnh đó, việc điều trị nội tiết thay thế có hiệu quả trong suy buồng trứng, nhằm ngăn ngừa các biến chứng do sự thiếu hụt estrogen gây ra. Ngoài ra, kỹ thuật hỗ trợ sinh sản có thể phù hợp với một số trường hợp vô kinh và hiếm muộn.
TS.BS LÊ THỊ THU HÀ(Bệnh viện Từ Dũ)
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận