13/08/2015 08:06 GMT+7

​Nói không với việc quen tay nhấn còi

LÊ HỒNG MẬN (Đà Nẵng)
LÊ HỒNG MẬN (Đà Nẵng)

TT - Bài viết "Tiếng còi thúc ép" (Tuổi Trẻ ngày 11-8) tiếp tục nhận được nhiều bàn luận. Chúng tôi giới thiệu thêm ý kiến về câu chuyện này.

Tôi sống tại Đà Nẵng, cũng là một đô thị lớn, cũng người người chen chúc nhau vào giờ tan tầm hay vào làm ca sáng, thế nhưng tôi rất hiếm khi thấy chuyện xe sau nhấn còi thúc ép xe trước nhường đường chỉ để rẽ phải.

Không phải không có ai vội, cũng không phải do đường quá rộng nên người ta dễ dàng tìm được một lối đi... mà có lẽ chuyện nán lại vài giây chờ đèn đỏ đã thành một thói quen tuân thủ luật, nên chẳng ai bảo ai, cứ yên tâm đứng đợi.

Thỉnh thoảng cũng có người rẽ phải vì một số lý do nào đó, nhưng việc xin đường hầu như rất hiếm khi dùng đến còi, thay vào đó là câu “Cho rẽ phải tí”...

Như vậy, vấn đề ở đây nằm tại ý thức của mỗi người. Trễ hẹn với bạn cà phê sáng, trễ giờ đón con, trễ giờ làm hay vội đưa một người vào viện, người nhà đang gặp chuyện bất trắc... ai cũng có cái lý để thể hiện sự vội vã của riêng mình. Thế nhưng, không phải ai cũng đủ thời gian để ngẫm ra chuyện nào thật sự gấp. Người ta tự ngụy biện cho mình một lý do để ý thức chi phối hành động, chứ thật sự nhấn còi inh ỏi để xin đường đi trước một vài giây cũng không giải quyết được vấn đề gì.

Thiết nghĩ, để cải thiện vấn đề này phần lớn thuộc về ý thức của người tham gia giao thông. Nếu mỗi người tự nhắc nhở mình rằng hôm nay không được phép vội vàng như thế, cứ thong thả chờ đèn đỏ thì tại các ngã ba, ngã tư, ngã năm sẽ giảm thiểu được phần lớn tiếng còi. Dần dà, người nhấn còi ít đi thì những người còn lại có muốn làm cũng ngại vì tự dưng thấy “trẽn”.

Dĩ nhiên, chuyện từ bỏ một thói quen là điều không dễ. Ông bà ta xưa có câu “Ăn trộm quen tay, ngủ ngày quen mắt”, nên đôi khi người đi đường cứ thấy đèn đỏ mà mình có thể rẽ phải thì “quen tay” nhấn còi nếu gặp xe phía trước cản đường. 

Vì vậy, cũng cần có một số chế tài nhất định về việc vi phạm rẽ phải khi đèn đỏ và nhấn còi inh ỏi xin đường khi đang đứng chờ đèn đỏ; các lực lượng chức năng như công an giao thông cũng nên tăng cường hướng dẫn giao thông tại các chốt trạm trong những giờ cao điểm để hạn chế tình trạng này.

Muốn để một thói quen ăn sâu vào tiềm thức trước hết cần tạo ra thói quen. Mà muốn tạo ra một thói quen ngược hẳn với thói quen đã có sẵn thì cần sự góp sức, chung tay của toàn xã hội - chứ không chỉ một người.

Vốn dĩ việc tham gia giao thông trên các tuyến đường Đà Nẵng được như bây giờ cũng nhờ vào sự chung tay góp sức của toàn xã hội, trong đó có sự tuyên truyền của các đơn vị liên quan, sự nghiêm túc của các cơ quan chức năng và ý thức của người dân Đà thành về một “thành phố đáng sống nhất Việt Nam”.

* Một cán bộ thuộc Phòng Cảnh sát giao thông đường bộ, đường sắt TP.HCM:

Không có biển báo, quẹo phải là sai luật

Theo quy định, những nơi nào cho phép rẽ phải khi đèn đỏ mới được rẽ, còn nơi nào không có biển báo, không có làn thì quẹo phải là sai luật.

Hiện nay nhiều tuyến đường trên địa bàn TP.HCM đã được phân làn bằng những tiểu đảo hoặc biển báo phụ để cho xe máy được phép rẽ phải. Việc có thêm làn rẽ phải sẽ giúp giải tỏa được một lượng xe rất lớn, đặc biệt vào giờ cao điểm, hạn chế tình trạng xe dồn đông và lâu ở các ngã tư. Nếu xe đậu cản trở lối làn xe rẽ phải ở khu vực dừng chờ đèn đỏ là cản trở giao thông, có thể gây ùn tắc. Ngược lại, đối với các ngã ba, ngã tư không có biển báo phụ, không có làn cho rẽ phải mà người sau bóp còi inh ỏi yêu cầu người trước nhường đường để quẹo là sai.

* Ông Nguyễn Thành Chung (giám đốc Sở GTVT  TP.HCM):

Sẽ bổ sung làn đường cho phép rẽ phải

Trong thời gian qua, tại ngã ba, ngã tư của các tuyến đường ở TP.HCM, các đơn vị chức năng thuộc Sở Giao thông vận tải TP.HCM đã nghiên cứu, cải tạo lại theo hướng mở thêm làn đường cho xe rẽ phải, nhiều nơi đã được đưa vào sử dụng và phát huy tác dụng. Tuy nhiên vẫn còn nhiều ngã ba, ngã tư các tuyến đường chưa có làn đường rẽ phải. Hướng sắp tới Sở Giao thông vận tải TP tiếp tục chỉ đạo các đơn vị liên quan nghiên cứu bổ sung, tuy nhiên không phải ngã ba, ngã tư nào cũng làm đường rẽ phải được vì còn phụ thuộc nhiều yếu tố như mật độ xe, độ rộng đường, vỉa hè...

QUANG KHẢI ghi

 

LÊ HỒNG MẬN (Đà Nẵng)
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên
    Tu\u1ed5i Tr\u1ebb ng\u00e0y 11-8) ti\u1ebfp t\u1ee5c nh\u1eadn \u0111\u01b0\u1ee3c nhi\u1ec1u b\u00e0n lu\u1eadn. Ch\u00fang t\u00f4i gi\u1edbi thi\u1ec7u th\u00eam \u00fd ki\u1ebfn v\u1ec1 c\u00e2u chuy\u1ec7n n\u00e0y." />