24/10/2024 05:43 GMT+7

Nỗi khổ lái xe cấp cứu: 'Sao đậu xe trước nhà tao?', 'Không có bệnh nhân mà sao hú còi?'

THU HIẾN
và 1 tác giả khác

'Tại sao mày đậu xe cấp cứu trước nhà tao?', 'Tụi bay ở đây làm gì, câu giờ kiếm tiền hay sao?', 'Mày ngon thì tông vô coi'...

Nỗi khổ lái xe cấp cứu: 'Sao đậu xe trước nhà tao?', 'Không có bệnh nhân mà sao hú còi?' - Ảnh 1.

Nhân viên Trung tâm Cấp cứu 115 đang tham gia sơ cấp cứu cho người bệnh - Ảnh: TTCC 115 cung cấp

Bất cứ lúc nào, bất cứ là ai và bất cứ ở đâu, tài xế lái xe cấp cứu là những người 'chạy đua với tử thần' giành giật sự sống cho người bệnh. Thế nhưng, không phải lúc nào họ cũng nhận được sự đồng cảm, chia sẻ.

"Tại sao mày đậu xe cấp cứu trước nhà tao vậy?", "Tụi bay ở đây làm gì, câu giờ kiếm tiền hay sao?","Mày ngon thì tông vô coi"... là những lời nhân viên lái xe cấp cứu Trung tâm Cấp cứu 115 (TP.HCM) vẫn phải nghe khi làm nhiệm vụ.

Những tình huống "dở khóc, dở cười" lái xe cấp cứu

Hơn tám năm lái xe cấp cứu, anh Phạm Minh Hùng, đội trưởng đội lái xe thuộc Trung tâm Cấp cứu 115, không ít lần gặp phải sự ngăn cản, chống đối của nhiều người khi đi làm nhiệm vụ cứu người. 

Cách đây khoảng ba tuần, nhận được cuộc gọi khẩn cấp báo tin có bà cụ lớn tuổi bị tai nạn giao thông, chấn thương vùng đầu. Xe cấp cứu đến, dừng tạm trước căn nhà trên đường Bà Hạt, quận 10 (TP.HCM) để sơ cứu cho bà cụ. 

Lúc này người trong nhà đang de chiếc xe ô tô ra ngoài, thấy xe cấp cứu dừng trước cửa liền quát lớn: "Tại sao mày đậu xe cấp cứu trước nhà tao vậy?".

Anh hết lời giải thích chỉ dừng sơ cứu cho người bệnh từ 10-15 phút nhưng người kia nhất quyết không đồng ý, tiếp tục dùng từ ngữ nặng nề mặc cho nhiều người dân cũng đứng ra giải thích. Gia đình này còn gọi điện đến đường dây nóng trung tâm yêu cầu phải có câu giải thích rõ ràng và có biện pháp xử lý cả ê kíp cấp cứu. 

"Sau khi đi cấp cứu về chúng tôi phải đến tận nhà để xin lỗi, sau 1-2 tiếng giải thích người nhà mới hiểu thông cảm", tài xế Hùng nhớ lại.

Tài xế Nguyễn Anh Tuấn nhớ lại trong một lần đi cấp cứu tai nạn vào đêm khuya tại đường Nguyễn Trãi (quận 1): "Khi cả ê kíp cấp cứu đang sơ cứu băng bó vết thương, cố định khúc xương gãy cho người bệnh, một người đàn ông say xỉn từ đâu lao đến, quấy phá lớn tiếng hét: "Tụi bay ở đây làm gì, câu giờ kiếm tiền người ta hay sao?". 

Các y bác sĩ sơ cứu nhanh chóng chuyển người bệnh lên xe. Khi chiếc băng ca vừa được đẩy lên, người này bất ngờ vung tay đập cửa kính xe. Khi xe cứu thương lăn bánh, người đàn ông vẫn đuổi theo đến ngã tư đường".

Nỗi khổ lái xe cấp cứu: 'Sao đậu xe trước nhà tao?', 'Không có bệnh nhân mà sao hú còi?' - Ảnh 2.

Ê kíp cấp cứu Trung tâm Cấp cứu 115 sơ cứu cho người bệnh - Ảnh: bác sĩ Nguyễn Duy Long cung cấp

Chặn đầu, giành đường với xe cứu thương

Tài xế Lâm Hoàng Long chia sẻ áp lực với xe cấp cứu luôn phải suy nghĩ làm thế nào để vượt qua dòng xe cộ đông đúc trên đường mà không để xảy ra va quẹt. 

Đường phố TP.HCM luôn đông xe, bệnh cấp cứu rơi vào khung giờ cao điểm khiến tâm lý tài xế lái xe cấp cứu bị áp lực. Bởi khi chạy giờ này không ít người dân cảm thấy bực mình, phản ứng, có trường hợp không nhường đường, thấy xe cấp cứu vẫn làm ngơ.

Cũng có không ít lần người đi đường nhất định không chịu nhường đường cho vì cho rằng trong xe không có bệnh nhân nhưng cứ hú còi. 

"Tôi thường xuyên bị phản ứng vì trên xe không có bệnh nhân mà bật còi ưu tiên làm chi? Nhưng người dân đâu có biết xe đang trên đường đến nơi đón bệnh nhân cũng cần phải gấp rút không kém khi có bệnh nhân trên xe. Có người nghe thấy tiếng xe cấp cứu lại cố tình chạy xe máy hoặc ô tô chắn đường phía trước, họ chạy chậm, cản trở xe cứu thương", anh Long kể.

Còn anh Trần Minh Khang, tài xế xe cấp cứu bị người đàn ông chặn xe tại giao lộ Lữ Gia - Nguyễn Thị Nhỏ mới đây, lớn tiếng thách thức: "Mày ngon thì tông vô coi". 

Đây không phải là trường hợp đầu tiên anh Khang gặp phải, rất nhiều trường hợp khác không hiểu vì lý do gì gây áp lực, cản trở tài xế xe cấp cứu. Trung tâm thường xuyên tổ chức các khóa đào tạo lái xe và kỹ năng ứng xử cho tài xế nên anh và đồng nghiệp có kỹ năng vượt qua những tình huống này.

"Liều thuốc" tốt nhất là sự chung tay chia sẻ

Với tài xế Hoàng Long, khoảnh khắc anh luôn đau đáu trong lòng nhất đó là chứng kiến bệnh nhân trở nặng nằm phía sau xe mình mà anh bất lực trước dòng xe đang ùn tắc hoặc có những trường hợp không nhường đường. 

"Chạy nhiều có kinh nghiệm, mình sẽ mở cửa kính xuống la lên trên xe có bệnh nhân rất nguy kịch, mong cô chú bác nhường đường. Lúc đó nhiều người thông cảm sẽ hỗ trợ mình qua nhanh hơn", anh Long chia sẻ.

Theo anh Long, rất nhiều người ý thức rất tốt, sẵn sàng nhường đường khi nghe thấy tiếng còi xe cấp cứu từ xa. Chính nhờ có những người dân ý thức trong việc nhường đường cho xe cấp cứu, tài xế như anh Long được "liều thuốc" tinh thần hỗ trợ trong lúc thực hiện công việc của mình.

Anh Phạm Minh Hùng chia sẻ không chỉ riêng bản thân anh, tất cả anh em lái xe đều mong muốn rằng mỗi người dân chung tay, chia sẻ khó khăn với tài xế trên đường đi cấp cứu. Bởi tính mạng người bệnh cấp cứu tính bằng phút, bằng giây, chỉ cần chậm một giây bệnh nhân sẽ gặp nguy hiểm.

Thêm chế độ, tăng cơ hội bám trụ với nghề

Trao đổi với Tuổi Trẻ, bác sĩ Nguyễn Duy Long - giám đốc Trung tâm Cấp cứu 115 - chia sẻ: "Tài xế lái xe cấp cứu phải chịu áp lực rất lớn, họ được xem như là một thành viên của một ê kíp cấp cứu. Việc nhân viên đi cấp cứu cho người bệnh gặp cản trở hoặc thái độ không hợp tác cũng không hiếm gặp.

Hiện nay chế độ chưa tính cho người tài xế vào vị trí chuyên môn. Thu nhập tài xế trung bình 10 triệu đồng nếu làm lâu năm, mới vào nghề chỉ khoảng 5 triệu đồng. Nguồn tiền chi trả từ cân đối thu nhập của Trung tâm Cấp cứu 115, trong khi hoạt động dịch vụ nguồn thu đơn vị lại không nhiều".

Trong khi đó, mạng lưới phát triển cấp cứu ngày càng mở rộng, chỉ tiêu khoảng 50 tài xế nhưng hiện chỉ có 30 người. Nhiều anh em để ổn định cuộc sống phải làm thêm bằng cách chạy xe công nghệ bên ngoài. Trung tâm Cấp cứu 115 kiến nghị TP.HCM xếp lực lượng lái xe vào nhóm đặc thù, có cơ chế chính sách để chăm lo, động viên cho anh em.

Biệt đội lái xe cấp cứu lặng thầm 'làm dâu trăm họ' - Ảnh 3.'Biệt đội đặc nhiệm' của nghề y

Là những người đầu tiên chứng kiến sự sinh ly tử biệt và niềm vui khi thoát khỏi cái chết của người bệnh, những người trong ngành cấp cứu ngoại viện được ví như những người lính đặc nhiệm tiên phong chiến đấu chống lại tử thần.

Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên