Bất kể ngày hay đêm, tiếng còi xe cấp cứu Trung tâm Cấp cứu 115 (TP.HCM) vẫn cứ vang lên liên tục ở mọi nẻo đường, trên những chiếc xe ấy chính là lúc các y bác sĩ đang giành giật sự sống cho người bệnh.
Họ như biệt đội đặc nhiệm được gọi đi giải quyết bước đầu những tình huống căng thẳng, có khi như ngàn cân treo sợi tóc, đối với sức khỏe của người dân.
Mong vui nhiều hơn...
Năm 2015, điều dưỡng Trần Minh Trung - Trung tâm Cấp cứu 115 (TP.HCM) - quyết định gắn bó với nghề cấp cứu ngoại viện.
Trải qua 8 năm làm việc, không ít lần anh cảm nhận được niềm vui khi cứu được người bệnh, nhưng cũng đôi lần ngậm ngùi suy nghĩ khi sự sống của họ bị "tử thần đánh cắp". Mỗi chuyến xe cấp cứu là một khoảnh khắc đáng nhớ đối với y bác sĩ, nhắc nhở bản thân mình phải nỗ lực hơn nữa.
Nhớ về một ca cấp cứu một ngày cuối năm, đường dây nóng Trung tâm Cấp cứu 115 vang lên, giọng một người phụ nữ lớn tuổi ngụ tại quận Tân Bình (TP.HCM) hớt hải báo cháu trai mình cần cấp cứu, trước đó bé có tiền sử mắc bệnh động kinh đã nằm bất động trong phòng.
Nhận được điện thoại nhân viên trực cấp cứu nhanh chóng hướng dẫn bà cụ xử lý tình huống, đồng thời ê kíp cấp cứu trong đó có điều dưỡng Minh Trung lập tức lên đường. Chỉ vài phút sau, chiếc xe đã lăn bánh lao vun vút, luồn lách qua các con hẻm, tiếng còi báo động xin đường liên tục rú lên.
Tới nơi, ê kíp cấp cứu nhanh chân vào nhà sơ cứu, tuy nhiên lúc này bé trai đã tím tái, có vết hoen tử thi, hàm cứng đờ, nhận định đã tử vong vài giờ trước. Sau nhiều lần nỗ lực hồi sức em vẫn không có dấu hiệu sinh tồn.
Thấy vậy, bà nội cháu bé chạy nhanh xuống nhà, khóa tất cả các cửa ra vào, bắt buộc bác sĩ phải cứu được cháu mình mới "thả" ra ngoài.
"Bà cụ gào thét vì cho rằng sẽ không biết ăn nói với mẹ bé ra sao. Biết được tâm trạng đang hoảng loạn của bà, chúng tôi nhanh chóng trấn an, giải thích rõ ràng nhưng bà nhất quyết không mở cửa. Đợi mãi đến khi công an tới, bà cụ mới mở cửa. Tất cả chúng tôi không trách móc gì bà cụ, vì bất cứ ai trong hoàn cảnh đó cũng khó bình tĩnh và giá như lúc đó bà gọi chúng tôi sớm hơn", điều dưỡng Trung nhớ lại.
Cuối tháng 12-2023, tổng đài cấp cứu 115 nhận được cuộc gọi từ người dân báo một sản phụ đang sinh rớt tại địa bàn xã Phong Phú, huyện Bình Chánh, TP.HCM. Ê kíp cấp cứu do y sĩ Hồ Khuê Tú, Trung tâm Cấp cứu 115, làm kíp trưởng đã nhanh chóng đến hiện trường. Tới nơi, sản phụ M.D. (19 tuổi) đã bị vỡ ối mặc dù mới mang thai 36 tuần.
Qua thăm khám, phát hiện một bàn chân thai nhi đã ra ngoài âm hộ. Xác định đây là tình huống sinh khó, phải đỡ sinh ngay lập tức, nếu không thai nhi sẽ bị ngạt. Y sĩ Tú buộc đỡ đẻ tại chỗ, sau khoảng 20 phút với sự hỗ trợ của cả kíp cấp cứu, chị D. đã "vượt cạn" thành công.
Tuy nhiên lúc này em bé đã tím tái, không khóc và cử động. Tình huống khẩn cấp buộc cả ê kíp cấp cứu ép tim cho bé, nỗ lực được đền đáp khi bé dần hồng hào trở lại, khóc lớn và tự thở được. Đôi bên thở phào nhẹ nhõm. Sau khi đảm bảo đường thở cho hai mẹ con, chiếc xe cấp cứu đã chuyển viện an toàn.
"Quá trình đỡ sanh rất căng thẳng, nếu thao tác không đúng có thể gây tai biến cho bé. Đỡ sanh thành công, bé tím tái, tôi lại được phen thót tim. May mắn bé được ấn ngực đã khóc lớn và hồng hào, giây phút đó tôi cũng vỡ òa hạnh phúc cùng gia đình", y sĩ Tú tâm sự.
Làm nghề phải có "máu nghề"
Gần 15 năm gắn bó với nghề, y sĩ Võ Văn Sậm - Trung tâm Cấp cứu 115 - luôn luôn tràn ngập niềm tự hào khi nhắc tới nghề của mình và ấn định làm nghề phải có "máu nghề".
Nhắc lại tình huống làm anh nhớ mãi là khi cấp cứu cho một bệnh nhân tính mạng như "đèn treo trước gió" vì đa chấn thương ở vùng đầu, gãy cột sống, gãy xương đùi do rớt từ giàn giáo hàng chục mét khi đang xây công trình.
Lúc này bệnh nhân vẫn còn đang nằm trên giàn giáo cách mặt đất hơn 5m, khi kíp trực cấp cứu đến nếu đợi đưa bệnh nhân xuống mặt đất thì tính mạng bệnh nhân khó đảm bảo. Y sĩ Sậm cùng các đồng nghiệp đã nhanh chóng khiêng nhiều vật dụng cấp cứu lên cầu thang bộ dài ngoằn ngoèo, bất chấp nguy hiểm để sơ cứu cho bệnh nhân.
Sau khi nẹp phần xương bị gãy, sử dụng thuốc sơ cứu cho bệnh nhân, tính mạng được đảm bảo, lúc này mới tìm cách đưa bệnh nhân xuống mặt đất.
"Nếu đợi đưa được bệnh nhân xuống, lúc đó cơ hội cứu sống của bệnh nhân chỉ còn vài phần trăm", y sĩ Sậm kể.
Ngoài những trường hợp trên, các y bác sĩ khi đi cấp cứu còn gặp không ít trường hợp say xỉn, gặp tai nạn trên đường khi cấp cứu đến nơi người bệnh kháng cự, không cho sơ cứu, chỉ khi có công an đến mới đồng ý cho sơ cứu.
Nhiều trường hợp mặc dù tài xế xe cấp cứu đã nỗ lực đến sớm, nhưng khi đến nơi bệnh nhân đã được người dân chuyển đi bằng xe máy, người nhà trách móc và định tấn công y bác sĩ. Để đảm bảo an toàn, họ bắt buộc phải ngồi trên xe cứu thương cố thủ cho tới khi công an đến.
Cần thêm chế độ cho nhân viên cấp cứu ngoại viện
Theo báo cáo thống kê của Trung tâm Cấp cứu 115 TP.HCM, số cuộc gọi vào đầu số 115 đã tăng từ 7.905 cuộc năm 2014 lên 348.752 cuộc năm 2022, cao nhất là năm 2021 với hơn 414.000 cuộc.
Nhu cầu cấp cứu của người dân trên địa bàn luôn vượt quá khả năng đáp ứng của mạng lưới cấp cứu ngoài bệnh viện.
Bác sĩ Nguyễn Duy Long - giám đốc Trung tâm Cấp cứu 115 - cho biết về cơ chế chính sách mặc dù Luật Khám chữa bệnh đã bổ sung loại hình "cấp cứu viên ngoại viện" tuy nhiên chưa có các quy định cụ thể về nội dung đào tạo, phạm vi hành nghề. Chế độ đãi ngộ đối với nhân viên y tế đang công tác trong lĩnh vực cấp cứu ngoại viện chưa tương xứng với đóng góp công việc.
Do đó, cần thêm các cơ chế, chính sách, giải pháp giúp nhân viên y tế, tình nguyện viên tham gia mạng lưới cấp cứu ngoài bệnh viện an tâm công tác, có động lực phát triển năng lực chuyên môn bằng chế độ, phụ cấp ưu đãi nghề phù hợp với mức độ nguy hại khi hoạt động ngoài hiện trường.
Những người hùng thầm lặng
Ngoài y bác sĩ, những người lái xe cấp cứu cũng được ví như những "người hùng". Sau nhiều năm lái xe dịch vụ, cảm thấy bản thân mình cần phải có trách nhiệm và đóng góp công sức cho người bệnh, anh Trần Đạo Tuyên đã quyết định về Trung tâm Cấp cứu 115 làm việc.
Ngoài việc phải là người am hiểu đường sá, sử dụng thành thạo công nghệ thì lái xe cấp cứu đòi hỏi phải có cái đầu nhạy bén, lấy người bệnh làm trung tâm.
"Mỗi chuyến xe cấp cứu tâm lý phải thật vững vàng, tôi phải quản lý được thời gian, tốc độ của xe mà chủ yếu dựa vào chấn thương của người bệnh để điều khiển xe đi nhanh hay chậm. Vào những giờ cao điểm phải tính toán được đường đi để tránh kẹt xe đến nơi sơ cứu người bệnh sớm nhất", anh Tuyên tâm sự.
Công việc vốn phải đối diện với nhiều khó khăn vất vả, đôi khi là cả những lời lẽ, hành động chưa đúng từ người bệnh, nhưng những người làm cấp cứu ngoại viện ai nấy đều nở nụ cười tự hào khi nhắc đến nghề của mình.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận