29/01/2014 08:55 GMT+7

Nơi dường như mùa xuân không đến

LÊ THANH HÀ
LÊ THANH HÀ

TTO - Bệnh viện Ung bướu TP.HCM những ngày cận tết Giáp Ngọ, người bệnh vẫn đông nghẹt thở. Nơi đây dường như mùa xuân không đến, chỉ có những ánh mắt u buồn, dáng hình héo hon, những phận người nghèo khó đớn đau vì bệnh tật.

Năm nào cũng vậy, ở Bệnh viện Ung bướu TP luôn có hằng trăm bệnh nhân không thể về nhà đoàn tụ cùng gia đình đón năm mới. Có người bệnh nặng không thể đi được, có người không có một mái ấm để về. Chỉ có nước mắt nghẹn ngào của những người sắp đi xa và những cái lắc đầu buồn bã “Tết nhất gì cô ơi” của thân nhân người bệnh.

Xuân buồn

Ngày 20-1, tại phòng 102 khoa chăm sóc giảm nhẹ - nơi giành cho bệnh nhân ung thư giai đoạn cuối, có bảy bệnh nhân nằm điều trị. Người bụng chướng to, người thân thể teo tóp, hai mắt trũng sâu, hơi thở nặng nhọc, giọng nói thều thào. Tất cả đều không thể tự đi được, ngồi lên nằm xuống đều phải có người nâng đỡ. Túc trực bên cạnh họ là những người thân yêu, dù mệt mỏi, đau buồn vẫn gắng gượng vì cha, mẹ, vợ, con… chẳng còn sống được bao lâu.

Nằm trên giường bệnh, bà Ngô Thị Nga (50 tuổi, Bình Dương) bị ung thư vú giai đoạn cuối, thốt từng chữ qua hơi thở khó nhọc. Miệng bà đầy nấm trắng, khuôn ngực vồng lên khối u lớn. Từ khi phát hiện căn bệnh ung thư quái ác cách đây bốn năm, gia đình bà ngày càng lún dần trong cảnh khốn khó. Đến nay bà đã thiếu nợ gần 50 triệu đồng chưa biết khi nào trả nổi. “Tôi chỉ mong được về nhà vui với chồng con ngày tết vài bữa nhưng bệnh thế này, sao về cô ơi…” - bà Nga rưng rưng nói.

Cùng phòng 102, anh Lương Tấn Dũng luôn tay xoa bóp cho vợ là chị Nguyễn Thị Bích Tuyền (37 tuổi, TP.HCM) bị ung thư buồng trứng giai đoạn cuối. Trước khi bệnh, chị Tuyền ở nhà chăm sóc hai con nhỏ và nhận ráp hộp quẹt gas hay lột hạt điều, ngày kiếm 30-40 ngàn đồng tiền chợ. Anh Dũng làm phụ hồ, ngày được hơn 100.000đ. Tiết kiệm, chắt chiu cả nhà cũng tạm đủ sinh sống, cho con đi học và trả tiền thuê nhà gần một triệu đồng/tháng. Cuối năm 2012, chị Tuyền phát bệnh ung thư phải nhập viện cắt bỏ tử cung, buồng trứng. Hơn nửa năm sau bệnh lại tái phát, bụng trứng lên đầy dịch. Giờ chị không thể tự đi được, cứ nằm yên không nói năng lời nào. “Vợ bệnh nặng, con còn quá nhỏ. Gia đình buồn lắm, còn đón xuân gì nữa chị. Biết mình khó qua khỏi, vợ tôi khóc hoài vì thương hai đứa nhỏ. Đau khổ biết chừng nào chị ơi…” - người đàn ông vạm vỡ vừa xoa bóp lưng cho vợ vừa cúi đầu giấu đôi mắt đỏ hoe.

Ở phòng 205, khoa nội 4 còn có bệnh nhân Nguyễn Đỗ Ngọc Phú (33 tuổi, TP.HCM) vừa bị ung thư trực tràng vừa ung thư gan. Bụng anh Phú chướng to, hai chân sưng phù, mắt và da vàng như nghệ. Dù rất mệt và nói không ra hơi nhưng anh cũng ráng nói vài câu về hoàn cảnh của mình. Vợ anh buôn bán nhỏ trước cổng một trường học, anh làm công nhân bao bì, lương mỗi tháng được 3,5 triệu đồng. Dù biết bị bệnh ung thư nhưng anh vẫn cố gắng đi làm. Đến khi không thể cố gắng được nữa anh mới nhập viện điều trị. Tiền bạc theo bệnh tình của anh cứ cạn kiệt dần nhưng bệnh ngày càng trầm trọng hơn…

“Giúp chúng tôi với”

Cầm danh sách bệnh nhân có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn do bệnh viện cung cấp, đến phòng bệnh nào tôi cũng gặp bệnh nhân hoặc người nhà đi theo “Xin cô giúp chồng tôi với, gia đình tôi khổ quá cô ơi”, “Cô ơi, cho tên con tôi mấy chữ vào bài báo được không cô”. Có bệnh nhân cũng bị ung thư nhưng lại nhờ tôi viết giùm cho hoàn cảnh một bệnh nhân khác. Những lời nói thiết tha cứ văng vẳng, những ánh mắt như nài nỉ và cả chứa chan hi vọng… cứ đè nặng trong tôi. Tôi cảm thấy bất lực vì không thể chuyển tải hết những hoàn cảnh khốn cùng của biết bao con người chỉ trong một bài báo. Tôi không biết làm gì hơn là đón nhận những lá đơn “xin cầu cứu”, “xin giúp đỡ”…của người bệnh. Đọc những con chữ nguệch ngoạc, những lời lẽ bi thương trong đơn của bệnh nhân, tôi hiểu rằng phải có thật nhiều những vòng tay góp sức mới có thể xoa dịu phần nào nỗi đau, khốn khổ của người bệnh.

Đơn “cầu cứu” của bà Phạm Thị Chăm viết, con trai bà là Lê Chí Cường (21 tuổi, An Giang, phòng 419 khoa nội 2) bị ung thư đường ruột gần hai năm nay. Bệnh ung thư giai đoạn cuối đã khiến Cường từ một thanh niên khỏe mạnh gần 50 kg giờ chỉ còn 30kg. Khi chưa bệnh, hàng ngày bà Chăm và con trai kiếm sống bằng công việc phụ bán cá với tiền công 100-200 ngàn đồng/ngày. Thời gian đầu, Cường chưa có thẻ bảo hiểm y tế bà Chăm phải bán hết tài sản trong nhà để chạy chữa cho con. Hết tiền, bà vay lối xóm thêm mấy chục triệu đồng nhưng cũng như muối bỏ biển. “Gia đình tôi đã lâm cảnh bần cùng, không biết trông chờ vào đâu. Con dâu thì bỏ đi, để lại cho tôi đứa cháu nội 18 tháng tuổi. Vừa trông cháu vừa nuôi con ở bệnh viện, tôi không biết còn có thể lo nổi nữa hay không” - bà Chăm vừa bế cháu vừa buồn rầu kể.

Anh Đặng Thành Thương (28 tuổi, Ninh Thuận) bị ung thư vòm hầu hơn một năm nay nằm cùng phòng với bệnh nhân Cường cũng cố gắng đưa cho tôi lá đơn có xác nhận của địa phương là hộ cận nghèo. Từ khi bị bệnh, vợ anh phải theo vào chăm sóc, bỏ lại ba đứa con (lớn nhất 8 tuổi, nhỏ nhất chưa được 2 tuổi) nhờ người thân chăm sóc. Và còn rất nhiều, rất nhiều những bệnh nhân có hoàn cảnh khó khăn, thuộc diện hộ nghèo, cận nghèo đã tuyệt vọng vì căn bệnh ung thư như ông Nguyễn Đức Thắng (52 tuổi, Đồng Nai) bị ung thư hạch, ông Ngô Văn Của (84 tuổi, TP.HCM) bị hạch lao ác tính, bà Thị Quang (75 tuổi, Bình Phước) bị ung thư da mí mắt, ông Nguyễn Văn Lam (74 tuổi, Long An) bị ung thư thanh quản vv…Tất cả những bệnh nhân này đều đang sống nhờ tình thương, sự giúp đỡ của những nhà hảo tâm và bệnh viện.

Không thể chăm lo hết

Dược sĩ Hà Thu Điểm - trưởng ban công tác xã hội Bệnh viện Ung bướu TP.HCM, cho biết năm nào bệnh viện cũng có khoảng 200-250 bệnh nhân ở lại bệnh viện ngày tết. Những bệnh nhân này thuộc diện quá nghèo, bệnh nặng hoặc quê ở xa không thể về nhà sum họp, đón xuân cùng gia đình. Đặc biệt, bệnh nhân nghèo điều trị ở bệnh viện rất đông nhưng khả năng hỗ trợ của bệnh viện cho người bệnh có giới hạn, không thể giúp đỡ được cho tất cả bệnh nhân nghèo. Trung bình mỗi tháng bệnh viện chi từ quỹ sổ vàng khoảng nửa tỉ đồng cho các hoạt động hỗ trợ bệnh nhân nhưng vẫn chưa thấm tháp vào đâu.

bJmlfE2e.jpg
Bà Ngô Thị Út và con gái út đang học đại học phải đi làm thêm để có tiền trang trải - Ảnh: L.T.H
Vip3lIgy.jpg
Bệnh nhân Lê Chí Cường và con trai 18 tháng tuổi phải vào bệnh viện ở cùng cha vì mẹ đã bỏ đi

Theo dược sĩ Thu Điểm, những bệnh nhân nghèo có giấy xác nhận của địa phương hoặc được các khoa, phòng đề xuất lên sẽ được bệnh viện hỗ trợ tiền thuốc, cơm từ thiện ngày ba bữa (500 suất/ngày). Với bệnh nhân nặng, không còn khả năng điều trị bệnh viện giúp xe miễn phí đưa về nhà. Bệnh viện còn phối hợp với các nhà hảo tâm tổ chức xe đưa bệnh nhân về quê ăn tết miễn phí. Trong dịp tết bệnh viện sẽ trích quỹ sổ vàng lì xì cho mỗi bệnh nhân ở lại bệnh viện 500.000 đồng và một hộp bánh. “Ngày tết cũng có nhiều nhà hảo tâm, tổ chức từ thiện đến bênh viện chia sẻ và hỗ trợ tiền, quà cho bệnh nhân ung thư, nên người bệnh cũng được an ủi phần nào” - dược sĩ Thu Điểm nói.

Dù thường xuyên đến Bệnh viện Ung bướu TP nhưng lần nào bước vào cổng bệnh viện tôi cũng có cảm giác nặng nề, thương cảm. Tiền thuốc thang chạy chữa đã cạn kiệt, nợ nần bủa vây, cuộc sống bế tắc, tính mạng mong manh…là tình cảnh chung của rất nhiều bệnh nhân nghèo, bệnh ung thư đã ở giai đoạn cuối. Với họ, còn thiết tha chi nữa mùa xuân...

LÊ THANH HÀ
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên