07/08/2022 10:13 GMT+7

Nỗi đau gia đình trên phim Việt

MI LY
MI LY

TTO - Làm phim Bên bờ biển về người cha tệ bạc và người mẹ uất nghẹn, đạo diễn Quản Phương Thanh không hề che giấu: "Tôi kể câu chuyện về chính gia đình tôi".

Nỗi đau gia đình trên phim Việt - Ảnh 1.

Diễn viên Chiều Xuân và Huỳnh Kiến An trong phim ngắn Bên bờ biển - Ảnh: ĐPCC

Phim Đêm tối rực rỡ khiến người xem ớn lạnh vì bạo lực gia đình, cũng đến từ trải nghiệm của diễn viên kiêm biên kịch Nhã Uyên.

Dòng phim gia đình xứng đáng được khai thác nhiều hơn ở Việt Nam.

Những gia đình vụn vỡ

Bên bờ biển kể về một đôi vợ chồng già vụn vỡ, do NSƯT Chiều Xuân và diễn viên Huỳnh Kiến An đóng. Người chồng tệ bạc có con riêng bên ngoài, khiến người vợ sống trong uất nghẹn.

Khi họ đến một ngôi nhà bên bờ biển để dự đám cưới con gái, nhiều cuộc cãi vã xảy ra khiến những vết thương tinh thần được vá víu sơ sài nay bung chỉ, nứt toác.

Đêm tối rực rỡ (đạo diễn Aaron Toronto, biên kịch Nhã Uyên) lấy bối cảnh một tang gia kỳ lạ, nơi phơi bày mọi góc tối của một gia đình cùng đã vụn vỡ. 

Phim gần như lột trần bộ mặt xấu xí của nạn bạo hành gia đình bằng những cảnh quay chân thực khiến diễn viên phải lao lực, nhưng tất cả vẫn quyết tâm diễn đến cùng vì biết ý nghĩa cảnh tỉnh đằng sau những cảnh phim.

Diễn viên Huỳnh Kiến An đóng vai người cha tệ bạc, ác một cách thuần khiết trong cả hai bộ phim này. Ở Đêm tối rực rỡ, nhân vật đẩy vợ con vào u uất vì những lần đánh đập, tra tấn dã man về cả thể chất, tinh thần. Còn ở Bên bờ biển, người cha không chỉ phụ bạc vợ mà còn gia trưởng, trọng nam khinh nữ ra mặt.

"Sau mỗi cảnh nhân vật ông Toàn hành hạ vợ con, tôi càng thêm ghét nhân vật này. Nhưng mình vẫn phải làm tốt để lên án nạn bạo hành gia đình - Huỳnh Kiến An nói khi đóng Đêm tối rực rỡ - Có những bài học làm cha làm mẹ mình có thể học tới suốt cuộc đời, học đến khi nào mình nhắm mắt thì thôi".

Huỳnh Kiến An chia sẻ về phim Bên bờ biển: "Tình trạng trọng nam khinh nữ không ở đâu xa, nó ở rất gần trong mỗi gia đình, chúng ta phải thay đổi nó".

Trong Bên bờ biển, NSƯT Chiều Xuân diễn tinh tế khi nhận một vai rất khó: người vợ có chồng bội tình, nhưng bề ngoài vẫn phải tỏ ra hạnh phúc, đầm ấm để dự lễ cưới con gái. Mọi nỗi đau của bà ứ nghẹn vào trong.

Nhưng rồi nhiều diễn biến bất lợi xảy ra: gia đình thông gia thiếu tiền làm lễ cưới nên hỏi xin với thái độ trịch thượng, lại công khai coi thường con gái bà, và đỉnh điểm là chồng bà không chịu bỏ tiền cho con gái làm đám cưới vì muốn để dành tiền nuôi con trai riêng. Người vợ không thể kìm nén được nữa và nỗi đau của bà bùng cháy theo cách tồi tệ nhất.

Nỗi đau gia đình trên phim Việt - Ảnh 2.

Một cảnh bạo hành trong phim Đêm tối rực rỡ - Ảnh: ĐPCC

Đòi hỏi diễn xuất tinh tế

"Đào sâu vào chỗ tối tăm, sẽ thấy được ánh sáng" là thông điệp của đạo diễn người Mỹ Aaron Toronto (Đêm tối rực rỡ) khi làm phim về nỗi đau của gia đình Việt Nam.

Trong Thưa mẹ con đi của đạo diễn Trịnh Đình Lê Minh, một phim cũng có diễn xuất tinh tế, mâu thuẫn gia đình Việt được mô tả theo lối nhẹ nhàng, ẩn khuất suốt cả phim và bùng nổ trong một cảnh "đinh". 

Người con trai có bạn đời đồng tính ở Mỹ, anh không muốn và không thể thực hiện tâm nguyện của mẹ là về quê, lấy vợ và trông coi mảnh đất hương hỏa.

Đạo diễn Trịnh Đình Lê Minh cũng đào sâu vào chỗ tối tăm nhưng với ngôn ngữ điện ảnh dịu dàng, ẩn chứa những vết nứt tinh tế. Anh dựng nên hình tượng một người mẹ vất vả làm dâu, cống hiến cho gia đình chồng, thương con nhưng kỳ vọng rất nhiều ở con. 

Chính sự kỳ vọng đó khiến đứa con bối rối. Đó là hình mẫu người mẹ có thể tìm thấy ở rất nhiều gia đình Việt Nam. Và anh cũng tìm được ánh sáng, khi từng bước để nhân vật gỡ những mảng rối trong lòng.

Chủ đề gia đình là một chủ đề sâu và rộng, đòi hỏi sự quan sát và thể hiện tinh tế ở nhà làm phim. Điều này dòng phim độc lập Việt Nam đã và đang khai thác tốt, trong khi ít phim thương mại Việt làm được.

Bố già là một trong số ít phim thương mại thành công về chủ đề này. Thêm thắt nhiều chi tiết, mảng miếng hài để phim dễ xem hơn, nhưng bộ phim của Trấn Thành vẫn đủ sâu sắc khi khắc họa mối quan hệ cha con giằng xé vì khác biệt thế hệ nhưng vẫn rất thương nhau.

Về diễn xuất, phim gia đình luôn đòi hỏi diễn xuất tinh tế, bởi đời sống gia đình là thứ không còn gì xa lạ với khán giả, nhà làm phim không thể thuyết phục họ nếu diễn viên đóng kiểu mô phỏng, giả tạo. 

Dù Bên bờ biển chỉ là phim ngắn 25 phút, chưa phải phim truyện dài, nghệ sĩ Chiều Xuân vẫn khẳng định đây là vai diễn khó. Đọc xong kịch bản, chị chưa biết phải diễn ra sao khi nhân vật thiên hẳn về nội tâm. Nhưng đạo diễn Quản Phương Thanh đã khuyên chị diễn thật đời thường, không lệ thuộc kỹ thuật.

Quản Phương Thanh (đạo diễn A Scene by The Sea - Bên bờ biển) nói với Tuổi Trẻ: "Không chỉ mình tôi mà toàn bộ êkip đều muốn làm bộ phim này vì đồng cảm với câu chuyện, một câu chuyện rất phổ biến trong các gia đình Việt Nam. Tôi lấy trải nghiệm của chính cá nhân mình để làm phim.

Khi tôi đi học làm phim ở Nga, chúng tôi muốn làm rất nhiều thể loại từ hành động, kinh dị... nhưng thầy tôi nói một câu: Tại sao các em không làm phim về chính mình? Không phải các em hiểu mình nhất sao?".

Phim Việt đầu tư hàng chục tỉ nhưng lỗ nặng Phim Việt đầu tư hàng chục tỉ nhưng lỗ nặng

TTO - 60 tỉ đồng và 33 tỉ đồng là kinh phí của hai phim Việt ra rạp gần đây nhất. Cả hai đều chỉ thu từ 1 đến 2 tỉ đồng trong đợt mở màn. Phim Việt đang được đầu tư mạnh tay hơn trước đây nhiều nhưng vì sao chưa ăn khách?

MI LY
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên