Lớp học chữ bên hiên trại phong
Chị hiền của người khuyết tật
Nối dài ước mơ cho người điếc
Thầy Phan Công Hiếu (phải) quan sát các em có được ăn no, ăn ngon miệng không - Ảnh: Lê Trịnh |
Nhiều lần chứng kiến hình ảnh ấy, người hiệu trưởng đã không cầm được nước mắt.
Trái tim thôi thúc thầy Phan Công Hiếu (38 tuổi, hiệu trưởng Trường tiểu học Đăng Hà, xã Đăng Hà, huyện Bù Đăng, tỉnh Bình Phước) phải làm gì đó. Bếp ăn miễn phí dành cho các em bắt đầu đỏ lửa.
Bếp ăn của tình thầy trò
Thầy kể từ năm 2006, khi được điều động về làm hiệu trưởng, thầy đã nhiều lần chứng kiến học trò cắp sách đến trường với cái bụng lép kẹp. Nắm cơm muối, nửa trái bắp là bữa trưa của nhiều em. Giờ học chiều, không ít em do đói mà run rẩy tay chân đứng không vững, chữ viết xiêu vẹo. Cuối cùng không chịu nổi, một số em đành phải xa thầy cô, xa con chữ.
Ý tưởng vận động tổ chức một bếp ăn cho các em nhen nhóm trong thầy và đồng nghiệp. Ban giám hiệu nhà trường quyết tâm không để một học sinh nào phải bỏ học vì thiếu thốn cái ăn.
Nghĩ là làm, bếp ăn tình thương khởi động bằng việc xây dựng quỹ liên đội, viết thư vận động gửi đi nhiều nơi, các thầy cô trong trường trực tiếp đi gõ cửa những nhà hảo tâm, góp ít thành nhiều.
Thuở ban đầu, bếp ăn của trường chỉ đủ chu cấp cho trên 10 em học sinh. Hôm nay, sau gần tám năm hoạt động, đã chu cấp đủ cho 50 em. Các em ăn cơm ở đây đều là học sinh nghèo người dân tộc thiểu số học hai buổi, nhà xa trường và là những học sinh chăm ngoan.
Bếp cơm dành cho học sinh nghèo của một trường tiểu học nơi vùng sâu nhưng bữa nào cũng có canh rau với chút thịt, có món mặn và đồ xào. Tuy không có những bữa thịnh soạn nhưng bếp cơm này đã giúp học sinh được no bụng, không còn trường hợp đói lả giữa buổi học.
Những bữa cơm đạm bạc còn giúp các em cảm nhận được tình yêu thương của thầy cô giáo nơi đây bởi tất cả công đoạn đi chợ, nấu nướng đều do các thầy cô, các cô chú tạp vụ, bảo vệ... cùng chung tay.
Cần thêm những bàn tay góp lửa
Chứng kiến các em cùng quây quần bên mâm cơm trưa, ai cũng bùi ngùi, buồn vui xen lẫn. Theo thầy Hiếu, mỗi ngày bếp ăn chi tiêu gần 500.000 đồng cho 50 suất ăn - một con số không nhỏ nếu nhân lên cho cả năm học.
Nhưng bù lại, hơn tám năm bếp cơm tồn tại đã tô màu sắc mới cho diện mạo ngôi trường. Các em thương thầy cô nên càng ngoan ngoãn, lễ phép, học hành tiến bộ.
Phụ huynh cảm động với cái tâm của nhà trường nên tạo nhiều điều kiện hơn cho con em đến lớp... Không có học sinh bỏ học. Với người làm công việc chăm sóc những mầm non đất nước, không niềm vui nào to lớn hơn.
Tám mùa xuân trôi qua, nồi cơm thầy Hiếu khởi xướng ngày nào vẫn từng ngày tỏa ngát hương thơm gạo mới. Mỗi ngày một bữa, các em được ăn cơm nóng, canh ngọt trong sự ân cần chăm sóc của các thầy cô. Chính nồi cơm này đã tiếp sức cho hàng trăm học sinh nghèo, con em đồng bào các dân tộc thiểu số tại đây.
200 bài dự thi, công bố xếp hạng vào 6-9 Đến nay, sau ba tháng phát động, cuộc thi viết “Hạt giống tâm hồn Việt” do báo Tuổi Trẻ tổ chức, Công ty Bibica và First News tài trợ đã nhận được 200 bài dự thi của bạn đọc từ khắp nơi trên cả nước, giới thiệu những “hạt giống” làm nảy nở cảm hứng sống đẹp, sống tốt bằng những hành động thiết thực, đầy ắp tình yêu thương. Hiện nay, ban tổ chức đã ngưng nhận bài viết. Những bài dự thi hay, phù hợp tiêu chí của “Hạt giống tâm hồn Việt” đã được chọn đăng tải trên địa chỉ http://hatgiongtamhon.tuoitre.vn. Mời bạn đọc theo dõi. Những bài dự thi xuất sắc đã được chọn đăng hằng tuần trên báo Tuổi Trẻ. Mỗi tác giả sẽ nhận 2 triệu đồng nhuận bút, bộ sản phẩm Bibica và 200 quyển sách Hạt giống tâm hồn của First News. Những nhân vật có câu chuyện xúc động sẽ được chọn làm người thụ hưởng trong game show “Vì bạn xứng đáng” của VTV. Các tác phẩm truyền cảm được xếp hạng chung cuộc gồm giải nhất, nhì, ba sẽ được thông báo với quý bạn đọc sau ngày 6-9. Tuổi Trẻ trân trọng cảm ơn sự quan tâm, cộng tác quý báu của tất cả bạn đọc với cuộc thi. |
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận