Trung Quốc lại tuyên bố ngang ngược trên biển Đông
Một cuộc biểu tình của người Philippines phản đối tham vọng chủ quyền của Trung Quốc - Ảnh: Daily Inquirer |
Theo AFP, khảo sát của Pew được thực hiện với 48.600 người tại 44 quốc gia, trong đó có 11 nước châu Á, từ tháng 3 tới tháng 6-2014. Hơn 50% những người được hỏi ở khu vực châu Á bày tỏ sự quan ngại tranh chấp lãnh thổ giữa Trung Quốc với các nước láng giềng có thể dẫn tới xung đột quân sự. Cuộc thăm dò được tiến hành sau khi Trung Quốc thực hiện hàng loạt hành động khiêu khích trên biển Đông và biển Hoa Đông.
Trong thời gian này, Trung Quốc liên tục triển khai máy bay và tàu chiến tới biển Hoa Đông. Nghiêm trọng hơn, chính quyền Trung Quốc còn đưa cả giàn khoan và tàu chiến tới vùng thềm lục địa và vùng đặc quyền kinh tế (EEZ) của Việt Nam, khiến cộng đồng quốc tế phẫn nộ. Sau đó, Bắc Kinh còn công bố bản đồ vơ lấy toàn bộ biển Đông, quần đảo Senkaku/Điếu Ngư ở biển Hoa Đông và cả bang Arunachal Pradesh của Ấn Độ.
Tương đương khủng bố
Lại tuyên bố ngang ngược Ngày 15-7, Trung Quốc lại thể hiện thái độ khiêu khích khi lớn tiếng đòi các nước khu vực phải rút khỏi các đảo trên biển Đông, Theo Tân Hoa xã, Bộ Ngoại giao Trung Quốc đòi các nước “lập tức rút nhân sự và thiết bị ra khỏi các đảo của Trung Quốc bị chiếm đóng bất hợp pháp” và đe dọa “sẽ quyết tâm bảo vệ chủ quyền và quyền hàng hải”. Bắc Kinh cũng đòi Mỹ “phải giữ thái độ trung lập”. |
Kết quả khảo sát cho thấy người dân chín trong số 11 nước châu Á tỏ ra lo ngại về nguy cơ xung đột. Tại Philippines, 93% người được hỏi cho rằng Trung Quốc có thể gây chiến để thỏa mãn tham vọng chủ quyền vô lý. Con số này là 85% ở Nhật và 84% tại Việt Nam. Thậm chí ngay ở Hàn Quốc, một quốc gia có quan hệ nồng ấm với Trung Quốc, cũng có 82% người dân đánh giá Trung Quốc hung hăng có thể dẫn tới chiến tranh.
Khoảng 62% người Trung Quốc được hỏi lo lắng về khả năng xung đột. Nhiều quốc gia châu Á khác cũng tỏ ra bồn chồn với những hành vi của Bắc Kinh, bao gồm 66% người được hỏi ở Malaysia, 52% ở Indonesia, 50% tại Thái Lan. Ở Ấn Độ, 72% người được hỏi dự báo tranh chấp chủ quyền biên giới với Trung Quốc có thể dẫn tới xung đột quân sự. Khoảng 30% đánh giá Trung Quốc và tổ chức khủng bố al-Qaeda là những mối đe dọa lớn đối với Ấn Độ.
Tại Mỹ, 67% người được hỏi có cùng chung mối lo lắng như người dân châu Á sau những gì Trung Quốc đã làm ở biển Đông và biển Hoa Đông. “Người Mỹ đang theo dõi sát sao các tranh chấp lãnh thổ ở châu Á với sự thận trọng. Chính phủ Mỹ có quan hệ đồng minh an ninh lâu đời với Nhật, một hiệp ước quân sự mới với Philippines, quan hệ kinh tế đang phát triển với Việt Nam và lợi ích dài lâu trong mối quan hệ chiến lược đang hồi phục với Ấn Độ” - báo cáo của Pew nhấn mạnh.
Báo Wall Street Journal dẫn lời một số nhà quan sát bình luận sau một thời gian dài sử dụng chiến thuật “ngoại giao nụ cười” để ve vãn các nước láng giềng, Trung Quốc trong những năm qua đã bắt đầu trở mặt. Trên báo Japan Times, cựu đại sứ Mỹ tại Ngân hàng Phát triển châu Á (ADB) Curtis S. Chin đánh giá “Trung Quốc mới” đang hành xử không khác mấy chế độ quân phiệt Nhật của 70 năm trước. Đó là chủ động gây xung đột và chiến tranh.
Đánh mất hình ảnh
Khảo sát của Pew cho thấy sự hung hăng và hành vi bắt nạt các nước láng giềng mà Trung Quốc thực hiện đã khiến khu vực châu Á ngày càng nghiêng về phía Mỹ. Tại tám trong số 11 quốc gia châu Á được thăm dò, đa số người được hỏi khẳng định họ coi Mỹ là đồng minh. Chỉ có ba nước coi Mỹ là mối đe dọa, trong đó có Pakistan. Khoảng 83% người Philippines, 68% người Hàn Quốc và 62% người Nhật cho rằng Mỹ là chỗ dựa an ninh vững chắc.
Hình ảnh của Trung Quốc tại nhiều nơi trên thế giới cũng không mấy sáng sủa. Theo khảo sát của Pew, nhìn chung hình ảnh Trung Quốc là rất tiêu cực ở Mỹ và châu Âu. Tại Mỹ, chỉ có 35% người được hỏi thích Trung Quốc trong khi 55% không thích. “Hình ảnh của Trung Quốc tại Mỹ trở nên xấu đi trong những năm gần đây” - báo cáo viết. Tại các nước châu Âu như Ý, Đức, Ba Lan, Tây Ban Nha, Pháp... cũng có hơn 50% số người được hỏi không ưa gì Trung Quốc.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận