14/07/2012 08:03 GMT+7

"Nổi cộm" của Hà Nội: xây dựng trái phép

XUÂN LONG - LÂM HOÀI
XUÂN LONG - LÂM HOÀI

TT - Ngày 13-7, giải trình thêm về một số nội dung đại biểu quan tâm, ông Nguyễn Thế Thảo, chủ tịch UBND TP Hà Nội, thừa nhận: “Đúng là trong công tác quản lý công viên, hồ hiện nay vừa bất hợp lý, vừa lỏng lẻo như cử tri và đại biểu phản ảnh”.

jBDQmGGN.jpgPhóng to
Hà Nội đang gấp rút làm các dự án mở rộng đường để giảm ùn tắc giao thông. Trong ảnh: dự án xây dựng cống đoạn từ Thái Hà sang Thái Thịnh để làm đường - Ảnh: Nguyễn Khánh

Theo ông Thảo, cây xanh là một bộ phận không thể tách rời của Hà Nội nên những năm qua TP chú trọng quản lý cây xanh, hồ nước.

Giành giật từng ô đất cho công viên

Ông Thảo nêu dẫn chứng: nhiều công viên mới như Hòa Bình, Yên Sở đã được xây dựng. TP cũng đã đầu tư cả chục triệu đôla để cải tạo hồ Bảy Mẫu trong công viên Thống Nhất. Tuy nhiên, ông Thảo nhìn nhận trong quản lý công viên thời gian qua có chuyện lựa chọn phương thức xã hội hóa không hợp lý nên đã bộc lộ một số bất cập.

Ông Thảo khẳng định: “Chủ trương của TP đối với công viên Tuổi Trẻ là không có xã hội hóa. Nơi đó sẽ được chuyển sang mô hình công ích để đúng nghĩa là nơi vui chơi của các cháu thiếu nhi. Đây cũng là điều mà trong quy hoạch tới đây sẽ phải tính tới. TP sẽ giành giật từng ô đất trong các dự án di chuyển (di chuyển ra khỏi nội thành - PV) để có thể làm vườn hoa cũng như vừa qua TP giành giật để di chuyển dự án khách sạn SAS ra bên ngoài, giữ lại ô đất xanh cho công viên Thống Nhất”.

Theo ông Thảo, vấn đề nổi cộm nhất hiện nay ở Hà Nội là tình trạng xây dựng trái phép, sai phép có biểu hiện gia tăng cả trong nội thành và ngoại thành, nhưng việc xử lý vi phạm lại thực hiện không nghiêm. Trong xử lý vi phạm có biểu hiện không chỉ nể nang, né tránh mà còn dung túng, thậm chí bị thao túng. “Đây là những khuyết điểm và yếu kém rõ nhất hiện nay trong công tác quản lý đô thị của bộ máy chính quyền các cấp nên phải kiên quyết xử lý” - ông Thảo nhấn mạnh.

1.944 tỉ đồng giảm ùn tắc giao thông

Trước đó, thảo luận về quy hoạch phát triển giao thông thủ đô đến năm 2030 và chương trình mục tiêu giảm ùn tắc giai đoạn 2012-2015, đa số đại biểu đều cho rằng ùn tắc giao thông tại Hà Nội là do hạ tầng yếu kém.

Ông Nguyễn Văn Khôi, phó chủ tịch UBND TP, thừa nhận hạ tầng giao thông thủ đô hiện nay chưa đáp ứng được yêu cầu phát triển kinh tế và xã hội. Quy hoạch phát triển giao thông thủ đô đưa ra số liệu về đường bộ đạt chỉ tiêu quá thấp, chỉ khoảng 0,003km/người. Trong đó, thiếu nghiêm trọng các bãi đỗ xe. Tỉ lệ quỹ đất dành cho giao thông tĩnh chỉ đạt 0,35% so với tổng diện tích đất xây dựng đô thị và chỉ bằng 10% so với nhu cầu.

Đại biểu Nguyễn Đình Dương, viện trưởng Viện Nghiên cứu kinh tế - xã hội Hà Nội, đề nghị TP cần đưa ra lộ trình từng năm, cụ thể là trong 27 điểm TP cam kết giải quyết ùn tắc giao thông thì năm 2013 giải quyết được bao nhiêu điểm. Ông Nguyễn Văn Khôi cho biết ngay sau khi HĐND TP thông qua chương trình mục tiêu, UBND TP sẽ xây dựng kế hoạch cụ thể từng năm. “Tương ứng với mỗi năm thì số điểm ùn tắc sẽ giảm xuống. Đến năm 2015 sẽ xử lý được 27 điểm ùn tắc như mục tiêu đề ra, đồng thời không để phát sinh điểm ùn tắc mới” - ông Khôi cam kết.

Nêu lý do các dự án về giảm ùn tắc giao thông đang rất cần bố trí vốn, trong khi dự toán ngân sách năm 2012 mới bố trí cho các công trình giao thông 50 tỉ đồng, ông Khôi đề nghị HĐND TP bổ sung nguồn vốn đầu tư.

Phát biểu bế mạc kỳ họp HĐND TP Hà Nội chiều 13-7, bà Ngô Thị Doãn Thanh, chủ tịch HĐND TP, cho rằng HĐND TP đã thực hiện chất vấn đầy trách nhiệm, đi đến cùng sự việc, thúc đẩy giải quyết triệt để các vấn đề đã hứa với cử tri. Bà Thanh đề nghị các đại biểu phát huy hơn nữa trách nhiệm của người đại biểu trước cử tri, đẩy mạnh hoạt động giám sát theo hướng có trọng tâm, trọng điểm, cải tiến nội dung tiếp xúc cử tri và có trách nhiệm đến cùng với cử tri.

Hơn 1 triệu tỉ đồng đầu tư cho giao thông thủ đô đến năm 2030

HĐND TP Hà Nội đã thông qua bốn nghị quyết, gồm: nghị quyết về quy hoạch giao thông vận tải Hà Nội đến năm 2030; nghị quyết về chương trình mục tiêu giảm ùn tắc giao thông giai đoạn 2012-2015; nghị quyết về chương trình mục tiêu ứng dụng công nghệ thông tin trong cơ quan của TP giai đoạn 2011-2015; nghị quyết về đặt tên và điều chỉnh độ dài một số tuyến đường phố năm 2012.

Theo đó, Hà Nội xác định trong giai đoạn từ 2013-2030 sẽ đầu tư 1.008.016 tỉ đồng cho phát triển giao thông. Riêng việc đặt tên và điều chỉnh độ dài một số tuyến đường phố, HĐND TP nhất trí thông qua nghị quyết này nhưng rút ra bảy tuyến phố chưa xem xét lần này gồm: Vũ Đình Tụng, Nguyễn Đỗ Cung, Kiều Phú, Nguyễn Phúc (H.Từ Liêm), Quan Hoa (Q.Cầu Giấy), Hà Trại (Q.Long Biên), Sen Hồ Tây (Q.Tây Hồ).

XUÂN LONG - LÂM HOÀI
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên