10/06/2013 05:14 GMT+7

Nơi bình yên giữa biển

PHẠM VŨ
PHẠM VŨ

TT - Ra biển mới biết thế nào là mênh mông, lại càng cảm phục những ngư dân VN quả cảm, kiên định bám biển, suốt tháng năm lênh đênh lặn ngụp giữa cái mênh mông đó.

6CBXWSlP.jpgPhóng to
Bác sĩ quân y Trịnh Quốc Hưng điều trị cho bệnh nhân trên đảo Nam Yết - Ảnh: Nguyễn Khánh

Rồi chúng tôi được đặt chân lên đảo. Giữa sóng nước mênh mông, đảo như những cái chấm xanh ngắt. Giữa vòng tròn những người lính yêu đời và hăng say, bất chợt gặp những ngư dân “lỡ bước giữa dòng” đang được điều trị, chăm sóc, thăm hỏi.

Đếm từng giọt nước

Trong phòng bệnh xá, một thanh niên chỉ chừng hai mươi, vẻ yếu ớt, gầy gò nằm trên giường, mắt đăm đăm nhìn lên chai nước treo trước mặt, đếm từng giọt nước rơi xuống truyền theo ống nối vào cổ tay mình. Giường bên cạnh, một người đàn ông rắn rỏi với nước da sạm nắng ngồi yên lặng nhìn sang, vẻ sốt ruột hiện rõ lên gương mặt.

Hỏi thăm, được biết đó là hai ngư dân đến từ đảo Phú Quý. Tàu vừa ra khơi được một ngày thì Nguyễn Phới, tên người thanh niên, bị trúng thực, đau bụng tiêu chảy. Tiếc tiền xăng dầu, Phới nói tàu cứ tiếp tục đi, bệnh sẽ khỏi trong một ngày. Nào ngờ càng lúc bệnh của Phới càng nặng, sức trẻ của chàng thanh niên 23 tuổi cũng không vượt qua được. “Chúng tôi đã ghé vào Đá Lát xin thuốc, nhưng bệnh vẫn không bớt. Anh em trên tàu đều hốt hoảng, bàn nhau đến đảo nổi cho Phới nằm lại. May mà đã đến được Sơn Ca” - Lưu Văn Lợi, người anh đi cùng tàu với Phới kể tiếp câu chuyện. Khi được đưa vào đảo, Phới đã bệnh đến ngày thứ năm. Bệnh án ghi nhận Phới nhập viện trong tình trạng suy kiệt, mất nước, mất điện giải, đi phải có người dìu. Cả bốn y bác sĩ trong kíp quân y của đảo thay nhau săn sóc. Hôm nay, ngày thứ hai nằm viện, Phới đã tỉnh, đã ăn được cơm, đã có thể nói chuyện, và anh Lợi tính toán: “Chắc ngày mai có thể quay về tàu”.

Mỗi chuyến đi tàu chuẩn bị lương thực, xăng dầu cho một tháng, mấy trăm cây nước đá, mấy ngàn ký muối... nhẩm sơ sơ đã trên 150 triệu đồng, phải đánh bắt, ướp được một hầm tàu đầy cá, hải sản thì mới “đủ sở hụi” để chia ra 21 phần cho chủ tàu và anh em. “Đợt này thế là đã trễ cả tuần rồi, mấy bữa nữa phải ráng lên mới kịp” - anh Lợi nói với Phới, cũng là nói với mình.

“Đảo đã là nhà tôi”

Mới lên đảo Song Tử Tây đã gặp Lê Văn Có ngồi trong bệnh xá ngắm bàn tay vừa phải tháo khớp mấy đốt của mình: “Tôi bị tai nạn trong lúc xay nước đá, bác sĩ bảo sẽ ảnh hưởng đến việc lao động sau này. Cũng may là chỉ mất ba lóng trên hai ngón thôi, vết thương lành là lại kéo lưới ngon. Nhờ lên được đảo, cấp cứu kịp thời, chứ không thì...”. Chỉ hôm sau, sau ba ngày nằm viện, anh Có đã lại quay về tàu, ra khơi.

Mới ra Song Tử Tây công tác hơn một tháng nhưng trường hợp của Có đã là ca thứ năm mà bác sĩ Nguyễn Văn Phúc thực hiện cấp cứu cho ngư dân. Anh cười: “Bộ đội quân số đông nhưng trẻ, khỏe, mấy khi mà bệnh. Mình ở đây chủ yếu để phục vụ dân đấy chứ”. Để được phục vụ, làm một điểm cứu nạn an toàn giữa biển khơi, trước khi ra đảo, bác sĩ Phúc đã được huấn luyện thêm cả năm về các khoa khác, ngoài chuyên khoa ngoại tiết niệu của mình. Song Tử Tây là một trong ba bệnh xá có khả năng thực hiện các ca đại phẫu ngay giữa Trường Sa (hai bệnh xá còn lại là Trường Sa Lớn, Nam Yết).

Một lần bác sĩ Phúc báo đang điều trị cho một bệnh nhân bị chèn ép tủy do tai nạn lặn biển. Qua điện thoại, giọng anh Nguyễn Thành Tâm, ngư dân Bình Thuận, còn hụt hơi nhưng đã đượm niềm vui: “Đi biển 20 năm, theo lặn đã hơn 10 năm, tưởng là kinh nghiệm, ai ngờ cũng không tránh được sự cố. Thường người ta chỉ gặp nạn như thế này một lần trong đời thôi, quê tôi có nhiều thợ lặn phải nằm liệt giường. Tôi cũng vậy, đang trồi lên thì bị ngất đi, không biết gì nữa. Lúc tỉnh dậy, thấy mình đã được đưa lên tàu, hai chân không cử động được, bốn bề trời nước, tôi nghĩ đời mình thế là hết, mới có 36 tuổi. Đi gần một ngày mới tới được Song Tử Tây, cũng không hi vọng gì nhiều. Vậy mà bác sĩ giỏi quá, hôm nay là ngày thứ tư ở đây, chân tôi sưng to, đau nhưng đã đứng lên, lê đi được vài bước rồi. Vậy là tôi thoát cảnh liệt giường liệt chiếu, không phải làm người vô dụng... Đảo Song Tử Tây từ nay sẽ là nhà tôi”. Một tuần sau, anh Tâm đã có thể lên tàu để tiếp tục cùng anh em ra khơi.

“Đảo là nhà, biển cả là quê hương” không chỉ là khẩu hiệu và không chỉ dành riêng cho bộ đội. Với ông Võ Nam, 65 tuổi, ngư dân đảo Lý Sơn, thì không chỉ có Lý Sơn mà tất cả các đảo ở Trường Sa ông đều quen thuộc như nhà mình, không chỉ thân thiết mà gắn bó thật sự bằng máu thịt. Tháng 4 vừa rồi, trong chuyến ra khơi thứ ba trong năm, bàn tay ông Nam bị sợi dây curoa cứa ngang, máy xay nước đá cuốn các ngón tay giập nát. “Tôi thật không ngờ cuối đời đi biển lại vẫn gặp tai nạn. Máu chảy xối xả, đau đớn vô chừng, lớn tuổi rồi không khỏi nghĩ đến chuyện xấu, nhưng khi thấy Trường Sa Lớn hiện ra trước mặt, tôi và anh em đều thấy yên tâm” - ông Võ Nam kể. Các bác sĩ đã phải cắt bỏ, tháo khớp cho ông bốn ngón tay giập nát, khâu lại gân cơ và giữ ông lại đảo để chăm sóc cho đến khi tàu của ông đi chuyến tiếp theo. “Tôi ở đảo tới ngày thứ 34 mới về, bác sĩ ra tận cầu tàu dặn dò: không được làm việc nặng bằng bàn tay đó nữa, không được để nhiễm trùng... Ra khơi rồi, nhớ Trường Sa Lớn quá, như là nhớ nhà vậy. Từ giờ, tôi tự hứa rằng chuyến nào cũng sẽ ghé thăm đảo. Đảo giờ đã là nhà tôi. Có nhà mình giữa biển, còn gì yên tâm bằng”.

Ca đại phẫu giữa Trường Sa

Đêm tàu chúng tôi neo ngoài bãi Nam Yết, nhìn vào hòn đảo lấp lánh ánh điện thấy bình yên lạ, có biết đâu trong ấy cả đảo đang rộn lên vì một ca cấp cứu: mổ vá dạ dày cho một sĩ quan tham mưu, ca đại phẫu ở Trường Sa. Sáng hôm sau đặt chân lên đảo, bệnh nhân đã hồi tỉnh, đã nói chuyện được, chỉ hơi nhăn mặt trong cơn đau hậu phẫu. Hai bác sĩ Trịnh Quốc Hưng, Nguyễn Xuân Phương cười tươi trước đoàn khách đến thăm. Mới tiếp quản bệnh xá chưa đầy tháng, đây là ca phẫu thuật đáng nhớ thứ hai của hai anh. “Ca trước còn ấn tượng hơn ấy chứ” - bác sĩ Hưng kể. Ấy là ca cấp cứu diễn ra chỉ sau hai giờ khi anh vừa xuống tàu, đặt chân lên đảo. Chưa kịp quen với phòng ốc, trang thiết bị của bệnh xá đã nghe báo có tàu cá xin vào chữa bệnh. Liền sau đó một ngư dân được cõng vào, người lả đi vì sốc mất máu: chân của anh bị cánh quạt chém đứt động mạch. “Là một tai nạn lặn biển” - bác sĩ Hưng trầm ngâm kể tiếp. Tay nghề bác sĩ được thử ngay tại chỗ, các “ngân hàng máu sống” từ bộ đội trên đảo được huy động lập tức... “Kết quả ra sao?”, trả lời câu hỏi sốt ruột của chúng tôi, mọi người cùng cười: “Cấp cứu ổn định rồi, bệnh nhân được tàu đưa về bờ để điều trị hồi phục”.

PHẠM VŨ
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên