Hai tháng sau vụ cháy chung cư mini tại số nhà 37 ngõ 29/70, phố Khương Hạ, nam sinh Trần Đại Phong (lớp 12H, Trường THPT Hồ Tùng Mậu, quận Thanh Xuân, Hà Nội) trở lại trường, học tiếp năm cuối cấp với đôi nạng, trên chiếc xe lăn nhờ sự giúp đỡ của bạn bè, người thân.
Những cuộc phẫu thuật đau chết đi sống lại
Trong ký ức của mình, Phong khó có thể quên vụ cháy xảy ra lúc 23h ngày 12-9. Thời điểm ấy, khói lửa bốc lên nghi ngút, bao trùm chung cư nơi Phong và mẹ ở. Giữa lằn ranh ấy, Phong đặt cược cả mạng sống bằng cú nhảy từ căn hộ tầng 9 xuống mái nhà tầng 6. Cú nhảy giúp hai mẹ con thoát chết, nhưng cũng khiến họ phải chịu chấn thương rất nặng.
Phong bị vỡ xương gót chân, xương chậu, còn mẹ bị chấn thương ngực, gãy cột sống, vỡ lồng ngực, vỡ xương chậu…
Hơn 20 ngày điều trị, nỗi ám ảnh lớn nhất của chàng trai 17 tuổi là những cuộc phẫu thuật đau chết đi sống lại. Cuộc phẫu thuật lần thứ nhất giúp cố định lại phần gót chân, xương chậu, nhưng không may, vết thương bị nhiễm trùng sau một tuần điều trị.
Sau khi bác sĩ hội chẩn, Phong phải lên bàn mổ lần thứ hai. Cuộc phẫu thuật lần này "vượt qua giới hạn chịu đựng, đau hơn cả lúc nhảy từ tầng 9 xuống", Phong kể.
Những ngày ở bệnh viện, cậu phải nằm yên, không thể cựa quậy, "mỗi ngày trôi qua dài đằng đẵng". Từ một chàng trai khỏe mạnh với biết bao ước mơ dự định, Phong không tránh khỏi suy sụp, chán nản.
"Đêm nằm trong viện những cơn đau và dự cảm sợ đôi chân không thể đi lại bình thường khiến em có lúc rơi vào tuyệt vọng, muốn buông xuôi", Phong bộc bạch.
Nhưng chính trong những khoảnh khắc đó, Phong nghĩ về người mẹ của mình cũng đang trong cơn thập tử nhất sinh. Nam sinh tự dặn lòng: "Nỗi đau của mẹ còn lớn hơn của mình gấp nhiều lần, nhưng mẹ đã kiên cường chiến đấu, vượt qua. Mình cũng phải thật kiên cường, không được phép yếu đuối".
Nhiều ngày trôi qua, được sự chăm sóc tận tình của y bác sĩ và người thân, vết thương dần hồi phục, Phong tập di chuyển bằng xe lăn điều khiển bằng tay, tập đi bằng nạng. Ban đầu, những bước đi nặng nề, sức nặng từ cơ thể dồn xuống vùng xương chậu, bàn chân chấn thương khiến cậu nhắm nghiền mắt vì đau nhức.
"Việc gì bắt đầu cũng có những khó khăn. Con trai cố gắng lên" là lời động viên qua điện thoại của mẹ, giúp Phong bình tâm lại sau những lúc chán chường, muốn bỏ cuộc. Mỗi ngày, nam sinh này đều nỗ lực để tập đi thêm những bước tiếp theo.
Bàn học đặc biệt của Phong
Bên cạnh nghị lực của bản thân, chàng trai này may mắn vì luôn có người thân, bạn bè, thầy cô bên cạnh động viên. Gần một tháng Phong ở viện, mọi người thay phiên nhau vào thăm, gửi hàng trăm tin nhắn "chúc Phong nhanh khỏe nhé".
"Những lời an ủi của thầy cô, bạn bè như liều thuốc tinh thần, giúp em quên đi đau đớn, mệt mỏi. Em cảm giác như được tiếp thêm sức mạnh, thôi thúc bản thân nhanh chóng bình phục", Phong chia sẻ và cho hay đã nhiều lần xin bác sĩ cho ra viện sớm để về đi học.
Sau hơn một tháng nghỉ học, Phong ngồi trên chiếc xe lăn, được bà ngoại đưa đến trường đi học. Chàng trai gầy đi so với trước đó, trở thành tâm điểm chú ý của mọi người.
Thấy Phong, thầy cô và bạn bè ùa ra vui mừng chào đón. Người đẩy xe lăn, người cầm nạng, xách cặp, cùng nhau hỗ trợ đưa nam sinh vào lớp. Sau giờ tan học, các bạn lại đưa Phong về nhà trọ, cách trường khoảng 500m.
Biết việc Phong khó khăn trong việc đi lại, ban giám hiệu nhà trường cũng đã đổi lớp học từ tầng hai xuống tầng một cho em tiện di chuyển.
Chỗ ngồi của Phong cũng được bố trí rất đặc biệt, có chiếc bàn nhỏ, gối để kê chân bị thương, một chiếc gối khác để kê đầu khi mệt. Vì sức khỏe còn yếu, Phong chỉ ngồi học được khoảng hai tiết đầu, các tiết sau nhà trường cho phép em nằm xuống ghế nghe giảng.
Phong muốn học thật giỏi để không phụ sự giúp đỡ của mọi người và thực hiện ước mơ trở thành một lập trình viên.
Bà Tô Thị Thủy - hiệu trưởng Trường THPT Hồ Tùng Mậu - cho biết Phong là học sinh có hoàn cảnh đặc biệt, hiện tại sống cùng mẹ.
"Nắm được hoàn cảnh, ngay sau đêm Phong gặp nạn, các thầy cô trong trường đã lập tức chạy vào viện để động viên, trấn an tinh thần giúp em vượt qua đau đớn", bà Thủy cho hay.
Cũng theo bà Thủy, Ban giám hiệu nhà trường, đại diện phụ huynh, thầy cô Trường THPT Hồ Tùng Mậu cũng đã đến thăm hỏi, trao tặng gần 124 triệu đồng cho em Trần Đại Phong. Đây là số tiền do học sinh, phụ huynh, giáo viên, cựu học sinh... của trường ủng hộ, mong nam sinh này vượt qua khó khăn, yên tâm học tập.
Bên cạnh đó, trường cũng miễn 100% học phí năm học 2023-2024 cho Phong.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận